Các lò phản ứng hạt nhân mới đang xuất thêm trên khắp thế giới. Ảnh: AFP
Cách đây không đầy 10 năm, năng lượng nguyên tử được cả thế giới cho là mốt đã lỗi thời. Sau thảm họa tại Chernobyl, gần như không một đất nước nào muốn dựa vào kỹ thuật hạt nhân nữa, ngay chính các tập đoàn năng lượng cũng cho rằng điện nguyên tử không còn có tương lai. Không một nhà máy điện nguyên tử nào được xây dựng tại Bắc Mỹ và Tây Âu trong nhiều năm qua.
Nhưng hiện nay, công nghệ vẫn còn không được ưa chuộng này bất thình lình lên ngôi. Không những chỉ các nước đang phát triển ở châu Á và Đông Âu mà ngay đến Mỹ và Liên Hiệp Anh cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử mới.
Hai phát triển cơ bản đang thúc đẩy năng lượng hạt nhân quay trở lại.
Một là, cuộc đấu tranh quốc tế chống lại biến đổi khí hậu đã mang đến lợi thế cho những công nghệ sản xuất điện ít thải khí CO2 hơn. Lò phản ứng hạt nhân thuộc số này, chúng chỉ thải ra môi trường một phần nhỏ CO2 so với một nhà máy sản xuất điện từ than.
Hai là giá dầu ngày càng tăng. Cho đến gần đây, điện được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện dùng khí đốt nhỏ và linh hoạt được xem là rất có hiệu quả về kinh tế. Khí đốt rẻ tiền và xây một nhà máy tương ứng tiêu tốn ít hơn nhiều so với xây một nhà máy điện nguyên tử. Thế nhưng từ nhiều tháng qua giá khí đốt tăng mạnh cùng với giá dầu và các quốc gia Phương Tây bắt đầu nhận thức được rằng trữ lượng khí đốt khắp trên thế giới lại đặc biệt là nằm trong những nước bất ổn về chính trị.
Đối mặt với tình thế thay đổi trên thị trường năng lượng, nhiều người cho rằng năng lượng nguyên tử lại trở thành cái ít tồi tệ hơn.
Một số thí dụ cho việc tái xuất hiện của năng lượng nguyên tử:
Mỹ: Nhà máy điện nguyên tử theo nguyên tắc nhà xây sẵn
Phần lớn điện tại Mỹ được sản xuất từ than và khí đốt. Sự cố trong nhà máy điện nguyên tử tại Harrisburg năm 1979 đã làm cho người Mỹ mất hứng thú về năng lượng nguyên tử hằng chục năm liền. Hơn 100 nhà máy điện nguyên tử thật ra là sắp phải ngưng hoạt động - phần lớn sắp đón chào sinh nhật lần thứ 40, sau đó là giấy phép hoạt động tại Mỹ hết hạn. Thế nhưng hơn nửa số này đã được tái cấp giấy phép để tiếp tục hoạt động thêm 20 năm nữa.
Bộ trưởng Bộ năng lượng Mỹ, ông Samuel Bodman, yêu cầu phải có thêm "130 hay 230 nhà máy mới". Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông John McCain, cũng ủng hộ việc xây dựng hàng trăm lò phản ứng mới. Ông Barack Obama của Đảng Dân chủ về nguyên tắc cũng không chống lại việc mở rộng sử dụng năng lượng hạt nhân. Chỉ hơn 1/5 lượng điện tại Mỹ là do các nhà máy điện nguyên tử sản xuất. Hiện đã có kế hoạch cho tròn 30 lò phản ứng mới, 4 nhà máy đang được xem xét cấp phép.
Liên hiệp Anh: Thời Phục Hưng của những lò phản ứng
Liên hiệp Anh dường như sắp trở thành đất nước không có điện nguyên tử: 26 lò phản ứng đã ngừng sản xuất vì lý do tuổi thọ, chỉ còn 19 lò phản ứng là còn hoạt động, cung cấp 20% năng lượng điện. Theo dự định đến năm 2023, ngoại trừ một nhà máy duy nhất, còn tất cả sẽ ngưng hoạt động.
Thế nhưng trong tháng qua, Thủ tướng Gordon Brown tuyên bố một cuộc cách mạng xanh. "Biến đổi quan trọng nhất của chính sách năng lượng kể từ thời kỳ đầu của năng lượng nguyên tử" dự định không những sẽ lắp đặt 7.000 tuốc bin gió và gần 7 triệu tấm quang điện mà còn kêu gọi hồi sinh năng lượng hạt nhân. Đất nước sương mù dự định sản xuất đến 40% năng lượng từ hạt nhân, tức là cần đến ít nhất 20 lò phản ứng mới. Nhà máy đầu tiên có thể đi vào hoạt động ngay từ năm 2018.
Nhật Bản thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân
Với 55 lò phản ứng, nước công nghiệp lớn thứ hai thế giới cung ứng tròn 1/3 nhu cầu điện từ kỹ thuật hạt nhân, đến năm 2017 tỷ lệ này dự định sẽ được nâng lên đến 40%.
Thổ Nhĩ Kỳ sắp sửa sử dụng năng lượng hạt nhân
Cho đến năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đầu tư 130 tỉ USD vào khu vực năng lượng và muốn xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử đầu tiên cho đến cuối năm nay. Kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử được xem là có nhiều nguy hiểm, vì nơi dự định xây, Akkuyu, cách khu vực có động đất chỉ vài km.
Thụy Sĩ lên kế hoạch xây dựng 3 nhà máy điện nguyên tử mới
Hiện tại, 60% điện của Thụy Sĩ là từ sức nước, 40% còn lại là từ 5 nhà máy điện nguyên tử. Các tập đoàn điện của Thụy Sĩ đang có kế hoạch xây dựng thêm 3 nhà máy điện nguyên tử mới với công suất tổng cộng là 4800 MW. Tuy vậy vẫn chưa rõ là tất cả 3 dự án này có được thực hiện hay không. Ngay chính các tập đoàn điện lớn cũng cho rằng chỉ cần đến 2 nhà máy điện mới.
Quyết định cuối cùng thuộc về người dân Thụy Sĩ, sẽ bỏ phiếu trong lần trưng cầu dân ý vào năm 2012 hay 2013 để quyết định có xây nhà máy điện nguyên tử mới hay không.
Trung Quốc xây lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới
Theo kế hoạch, trong vòng 12 năm tới đây số lượng lò phản ứng sẽ được nâng từ 11 lên 30. Cho đến năm 2020, dự định mỗi năm sẽ có đến 3 nhà máy điện nguyên tử 1000 MW đi vào hoạt động.
Năm 2020, các nhà máy điện nguyên tử Trung Quốc sẽ sản xuất 60 triệu KW, tương ứng với 5% nhu cầu năng lượng. 10 năm sau đó, điện nguyên tử sẽ đạt tỷ lệ 16%. Những lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới sẽ được xây sâu trong nội địa thay vì dọc theo bờ biển như trước đây.
Theo Spiegel Online