Quản lý năng lượng

Dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải là mũi tên trúng nhiều đích

Thứ ba, 7/5/2024 | 10:21 GMT+7
Dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải là giải pháp mang lại nhiều lợi ích trong tiết kiệm điện, bảo đảm an toàn hạ tầng lưới điện, nhưng vẫn cần những giải pháp hỗ trợ tốt hơn nữa để khách hàng có động lực thực hiện, đồng hành cùng ngành điện.

Dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải điện mang lại nhiều lợi ích, giảm áp lực đầu tư nguồn và nguy cơ quá tải hệ thống. Trong ảnh: Vận hành tại trung tâm điều khiển Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa.

Đó là trao đổi của ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh với phóng viên.

Phóng viên (PV): Dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải điện là gì, và có tác dụng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Dịch chuyển phụ tải là khách hàng chủ động chuyển sử dụng điện giờ cao điểm sang các giờ thấp điểm như ban đêm hoặc những ngày cuối tuần; còn điều chỉnh phụ tải là khách hàng giảm sử dụng điện (được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia) khi có yêu cầu từ đơn vị cung cấp điện, giảm công suất cực đại của hệ thống, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.

Đây là những hoạt động mang lại cùng lúc nhiều lợi ích. Việc giảm phụ tải “đỉnh” làm giảm áp lực đầu tư nguồn, áp lực tăng giá điện… Với khách hàng, việc này giúp tiết kiệm chi phí, giảm số lần cúp điện đột ngột khi hệ thống quá tải; tăng tính chủ động trong quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các công ty điện lực cũng giảm áp lực quá tải hệ thống điện (ngắn hạn) trong các giờ cao điểm; qua đó, bảo đảm cung ứng, nâng cao chất lượng và độ tin cậy trong cung cấp điện.

PV: Là một địa phương công nghiệp phát triển, chương trình thực hiện điều chỉnh, dịch chuyển phụ tải của khách hàng lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu càng có ý nghĩa quan trọng. Việc vận động doanh nghiệp hưởng ứng được thực hiện và đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Là một địa phương có công nghiệp phát triển, trong những năm qua, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao, trong đó, tỷ lệ điện cao nhất luôn là lĩnh vực công nghiệp, với tỷ lệ 73%.

Do đó, việc doanh nghiệp sản xuất thực hiện dịch chuyển phụ tải điện là việc làm rất cần thiết. Trong mùa khô năm nay, Tổng Công ty Điện lực miền Nam khuyến khích khách hàng chủ động dịch chuyển 5-10% công suất đỉnh trong khung giờ từ 14-16 giờ hàng ngày sang khung giờ khác; trong đó, tránh khung giờ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 17-22 giờ.

Hiện nay, chương trình dịch chuyển phụ tải đang áp dụng với khách hàng sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều doanh nghiệp và khách hàng tiêu thụ điện lớn. Công ty Điện lực tỉnh làm việc với các sở ngành, địa phương, Ban Quản lý các KCN và đặc biệt là các khách hàng lớn để tuyên truyền, vận động.

Ban đầu, nhiều khách hàng lo lắng, nhưng sau khi được làm rõ lợi ích của chương trình với xã hội và chính doanh nghiệp thì đã rất đồng thuận, ủng hộ. Đến nay, có gần 400 khách hàng lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu đồng hành cùng ngành điện thực hiện dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải điện nhằm giảm áp lực, góp phần hạn chế nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện.

PV: Như vậy, khách hàng vẫn đang tham gia trên tinh thần tự nguyện. Ngành điện có kiến nghị gì để có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình dịch chuyển điều chỉnh phụ tải điện và các giải pháp tiết kiệm, bảo vệ an toàn lưới điện khác?

Ông Trần Thanh Hải: Vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc về tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải điện và nhận được sự ủng hộ lớn của lãnh đạo tỉnh. Tỉnh không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp mà còn có chỉ đạo quyết liệt các đơn vị hành chính sự nghiệp liên quan đến sử dụng điện trong cơ quan, hệ thống chiếu sáng công cộng, biển quảng cáo…

Đúng là hiện nay, việc dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải dựa trên sự tự nguyện của khách hàng. Cơ chế khuyến khích tham gia chưa rõ nên đôi khi chưa đạt mục tiêu đề ra. Do đó, ngành điện kiến nghị, để khách hàng tích cực tham gia cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ trực diện, rõ ràng hơn. Ví dụ, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính trực tiếp, hoặc khuyến khích về giá điện như: Giá 2 thành phần (công suất và điện năng); cân đối biểu giá theo thời gian (biểu giá đặc biệt cho giờ cao điểm, chỉ áp dụng một số thời điểm trong ngày/tháng cao điểm để cải thiện biểu đồ phụ tải; khuyến khích giá giờ thấp điểm và bình thường…); ưu tiên các khách hàng tham gia chương trình được rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện và trong bảo đảm cấp điện…

PV: Xin cảm ơn ông!

Link gốc

 

Theo: Báo Bà Rịa- Vũng Tàu