Điểm sáng mới trên vùng đất nắng gió Ninh Thuận

Thứ ba, 12/7/2022 | 09:09 GMT+7
Tổ hợp kinh tế xanh gồm sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp với làm muối của BIM Group đang đem lại nhiều thay đổi tích cực cho vùng đất đầy nắng gió và khô cằn như Ninh Thuận.
Ảnh: X. Thi
 
Đổi thay trên miền gió cát
 
Tỉnh Ninh Thuận nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên khoảng 3.355,3 km2, mật độ dân cư chỉ khoảng 177 người/km2 tính tới cuối năm 2020, trong đó phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện khí hậu tại đây rất khắc nghiệt do tình hình hạn hán, lũ lụt diễn biến khó lường. Người dân địa phương thường nói vui khi diễn dịch địa danh Phan Rang, thủ phủ tỉnh Ninh Thuận, là nơi có “gió như phang và nắng như rang”.
 
Trước khi Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được ban hành, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp.
 
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt đạt 10,3 triệu đồng năm 2009, chưa bằng một nửa mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách đạt 584,4 tỉ đồng còn tỷ lệ hộ nghèo là 12,2%.
 
Trong bối cảnh đó, BIM Group bắt đầu đầu tư phát triển khai thác và sản xuất với ba cánh đồng muối lớn nhất tại địa phương này là Quán Thẻ, Cà Ná và Tri Hải từ năm 2006.
 
Với định hướng nâng cao giá trị hạt muối, doanh nghiệp đã cơ giới hóa tối đa công đoạn khai thác trên quy mô lớn. Đặc biệt, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thành công công nghệ phủ bạt vật liệu HDPE, nâng cao hiệu quả và chất lượng khai thác muối.
 
“Công nghệ này cho phép muối kết tinh 3-4 tháng thay vì chỉ rất ngắn khoảng 15 ngày như cách làm truyền thống. Song song đó, chúng tôi xây dựng hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng muối để đầu ra sản phẩm luôn đảm bảo,” ông Lê Minh Trí, Phó giám đốc Công ty cổ phần Muối Ninh Thuận thuộc BIM Group nói.
 
Với sự đầu tư này, ông Trí cho biết lượng muối do doanh nghiệp sản xuất hiện đóng góp 60% sản lượng muối của cả nước mỗi năm. Ngoài ra, hơn 1.000 lao động địa phương, từ diêm dân khai thác muối theo phương pháp thủ công đã trở thành những công nhân khai thác muối chuyên nghiệp. Công nghệ phủ bạt cũng được doanh nghiệp chia sẻ rộng rãi với người làm muối tại địa phương.
 
Vẫn trên diện tích 2.500 ha đang khai thác muối công nghiệp tại Quán Thẻ, tháng 4-2019 Công ty BIM Energy thuộc Tập đoàn BIM Group đưa vào vận hành cụm 3 nhà máy điện mặt trời sau hơn 10 năm khảo sát và quy hoạch những diện tích đất phù hợp. Tháng 9-2021, BIM Energy tiếp tục vận hành thương mại Nhà máy Điện gió BIM với công suất 88MW, đánh dấu sự hình thành của mô hình Tổ hợp Kinh tế xanh gồm năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối công nghiệp tại đây.
 
Hơn 1 triệu tấm pin mặt trời sản xuất hơn 668 triệu KWh điện mỗi năm, đáp ứng nhu cầu của 200.000 hộ gia đình và cùng với nhà máy điện gió, những hạng mục hày đã tạo ra việc làm có thu nhập ổn định cho gần 200 lao động.
 
Còn cánh đồng muối Quán Thẻ đạt sản lượng khoảng 400.000 tấn mỗi năm, doanh thu 356 tỉ đồng và nộp ngân sách 7,75 tỉ đồng. Cánh đồng muối cũng sử dụng hơn 900 công nhân, chủ yếu lao động địa phương.
 
Những khoản đầu tư này đã góp phần thay đổi đời sống người dân nơi đây. Theo báo cáo giám sát Ủy ban Kinh tế Quốc hội khoá XV, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã giúp giảm số lượng hộ nghèo toàn tỉnh từ 23.767 hộ vào năm 2016 xuống 8.280 hộ vào năm 2021.
 
Ông Triệu Định Vương, công nhân Công ty cổ phần muối Cà Ná Ninh Thuận, thuộc Tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối (Tổ hợp) của BIM Group cho biết, từng làm công việc xây dựng tại TPHCM với mức thu nhập cao hơn nhưng không ổn định. Từ khi về quê làm việc, ngoài mức lương ổn định được trả hàng tháng, công ty còn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và mua thêm bảo hiểm tai nạn lao động nên cuộc sống của ông và gia đình ổn định hơn so với trước đây.
 
“Chế độ đãi ngộ này giúp chúng tôi an tâm ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương mình”, ông Vương nói.
 
Tương tự, ông Trần Xuân Phong, công nhân xây dựng tại tổ hợp, cũng bày tỏ mong muốn gắn bó lâu dài với công việc sản xuất muối. “Tôi cảm thấy yên tâm với chế độ đãi ngộ tại công ty. Năm nay đã đến tuổi về hưu nhưng nếu được công ty chấp thuận, tôi vẫn mong muốn được ở lại làm việc”, ông nói.
 
Theo đó, các con của ông cũng đang làm việc cho tổ hợp này. Hiện cả gia đình đều sinh sống ổn định trên chính mảnh đất được mệnh danh “không có gì ngoài nắng và gió”.
 
Trải qua nhiều đơn vị công tác, ban đầu là nông trường trồng bông, tiếp đến là Công ty cổ phần Muối Ninh Thuận và từ năm 2007 đến nay là Công ty cổ phần Sản xuất và Chế biến Muối BIM, ông Cao Văn Tuyến, công nhân lái máy xúc, cũng khẳng định công việc hiện tại giúp ông có thêm điều kiện chăm lo cho gia đình.
 
Hai mươi năm trước, khi còn là công nhân nông trường bông, kinh tế gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác rất khó khăn bởi việc trồng bông phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước nên một năm chỉ có 6 tháng trồng được cây, 6 tháng còn lại không có việc làm.
 
Từ khi Công ty muối Ninh Thuận được thành lập rồi sau đó được BIM Group tiếp tục phát triển, đời sống của người dân quanh đây mới có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
 
“Cuộc sống của người dân nơi đây hiện cơ bản ổn định với khoảng 80-90% người dân làm việc trong tổ hợp của BIM Group, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực không còn”, ông Tuyến nói.
 
Tầm nhìn tương lai
 
Bên cạnh mục tiêu ổn định đời sống người dân địa phương, BIM Group dự kiến sẽ xây dựng hệ thống đào tạo lao động kỹ thuật cao để phục vụ việc vận hành các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo của doanh nghiệp tại Ninh Thuận.
 
Ảnh: X. Thi
 
Ông Nguyễn Hậu Hữu, Giám đốc Dự án điện gió của BIM Group, cho biết một nhà máy điện mặt trời 50 MW sẽ có khoảng 20 cán bộ làm việc trong giai đoạn vận hành, tương đương với 0,4 việc làm/MW.
 
“Khoảng 20 GW công suất Việt Nam lắp đặt trong vòng 20 năm sẽ tương đương với 160.000 việc làm. Con số 20 GW xấp xỉ công suất lắp đặt điện mặt trời trong giai đoạn 2019-2020, bao gồm cả điện mặt trời áp mái”, ông Hữu nói.
 
Về định hướng dài hạn, ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Tập đoàn BIM Group kiểm Tổng Giám đốc BIM Energy, cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển những dự án và nhà máy mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế của mô hình tổ hợp kinh tế với những sản phẩm kết hợp giữa lợi thế doanh nghiệp, triển vọng phát triển ngành và đặc trưng của địa phương, qua đó hoàn thiện mô hình tổ hợp kinh tế xanh tại Ninh Thuận.
 
“Mô hình tổ hợp kinh tế xanh mà chúng tôi triển khai tại Quán Thẻ tiếp tục khẳng định chiến lược đầu tư kinh doanh gắn với giá trị sáng tạo và bền vững mà tập đoàn đã theo đuổi từ những ngày đầu”, ông Huy nói.
 
Cũng theo ông Huy, phát triển bền vững là tiêu chí trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm bất động sản, lĩnh vực mũi nhọn của BIM Group trong gần 30 năm qua. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng của tập đoàn tại Hạ Long, Phú Quốc nhận chứng nhận quốc tế về tiêu chuẩn xanh như chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới.
 
Tập đoàn cũng đã thiết lập hệ thống khung quản lý tài chính xanh (Green Financing Framework) với đơn vị tư vấn độc lập. Đặc biệt, năm 2021, BIM Group đã huy động được 200 triệu đô la Mỹ trái phiến xanh (green bond) tại Singapore cho các dự án đầu tư bền vững, mang lại lợi ích cho môi trường.

Link gốc
Theo: The Saigon Times