Điện bã mía chờ cơ chế

Thứ hai, 17/3/2014 | 13:39 GMT+7
Tổng lượng điện từ bã mía đưa lên lưới điện quốc gia mới ở mức 100 triệu kWh/năm, trong khi tiềm năng sản xuất của VN gấp mười lần con số này. Nhà đầu tư chưa dám làm vì còn chờ chính sách rõ ràng và giá mua điện của Nhà nước.


Khu sản xuất đường và điện bã mía của Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh - Ảnh: Tuổi trẻ

Không chỉ cung cấp điện, đầu tư điện bã mía còn góp phần giảm giá thành sản xuất cho các nhà máy đường trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ bên ngoài.

Mới tận dụng, chưa dám đầu tư

Theo Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), mỗi năm các nhà máy đường ép trên 15 triệu tấn mía, tương đương 4,5 triệu tấn bã mía. Nếu lượng bã này được sử dụng và khai thác hiệu quả để phát điện sẽ tạo ra lượng điện tương đương 1,2-1,4 tỉ kWh. Trong khi tổng công suất của sáu nhà máy mía đường hiện tại mới chỉ có trên 88 MW với tổng sản lượng điện thương phẩm lên lưới chưa tới 100 triệu kWh, tỉ lệ này quá khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có, đồng nghĩa hơn 800 triệu kWh điện đang bị lãng phí hằng năm.
Những ngày cuối năm 2013, Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh đang chạy hết công suất để tiêu thụ hết lượng mía của nông dân đang bước vào thu hoạch rộ. Hàng trăm xe tải chở đầy ắp mía từ các nơi đổ về với số lượng gần 10.000 tấn mía mỗi ngày cho nhà máy ép. Với lượng mía này, mỗi ngày Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh thải ra trên 3.000 tấn bã mía để làm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy phát điện sát bên cạnh.

Ông Phạm Văn Dũng, trưởng phòng nhiệt điện của Bourbon, cho biết bã mía là một phụ phẩm của quá trình sản xuất đường, có thể sản xuất nhiều sản phẩm như giấy, ván ép, thức ăn gia súc, phân bón... Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là dùng bã mía để sản sinh năng lượng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển và đang cần năng lượng tương tự VN.

Tại nhà máy đường này, ngay từ khi xây dựng từ năm 1995, chủ đầu tư đã xác định xây dựng hệ thống phát điện từ bã mía thay vì đổ đi như hầu hết nhà máy đường thời đó. Từ khi đi vào hoạt động năm 1997 đến nay, cụm thiết bị lò hơi công suất 235 tấn hơi/giờ và hai tuôcbin phát điện tổng công suất 24.000 kWh, là một trong những trung tâm đồng phát nhiệt điện hiện đại và lớn nhất VN.

Lượng điện bã mía của Bourbon đã vượt quá mức tiêu thụ cho toàn bộ nhà máy này, khoảng 9.000 kWh, phần còn lại 15.000 kWh được bán cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để đưa lên lưới điện quốc gia. Ông Dũng tính toán mỗi ngày đơn vị này bán cho EVN khoảng 360.000 kWh, cả vụ là 50.000.000 kWh.

Với giá bán điện cho EVN hiện tại là 5 cent/kWh, doanh thu mỗi năm từ điện của Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh đạt khoảng 2,5 triệu USD (trên 50 tỉ đồng), số tiền điện mà công ty đã sử dụng để chạy cho toàn bộ nhà máy thay vì phải đi mua điện còn lớn hơn nhiều.

Tuy tiện dụng nhưng xét về lợi nhuận thì bức tranh điện bã mía lại không đẹp như vậy. Ông Phạm Hồng Dương, giám đốc khối mía đường Tập đoàn Thành Thành Công, cho biết suất đầu tư cho nhà máy điện bã mía quá lớn (khoảng 1 triệu USD/MWh, gấp đôi khi đầu tư vào nhà máy nhiệt điện đốt than hoặc dầu có cùng công suất), trong khi giá bán điện lại quá thấp làm nản lòng nhà đầu tư.

“Với suất đầu tư và giá bán như vậy thì không ai dám bỏ tiền ra làm điện bã mía ngoại trừ các nhà máy đường tận dụng nguồn phụ phẩm” - ông Dương nhận xét.


Đưa bã mía vào lò đốt - Ảnh: Tuổi trẻ
Thiếu cơ chế hỗ trợ

Bên cạnh ý nghĩa là một nguồn năng lượng tái tạo, phát nhiệt điện từ bã mía sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất đường. Cụ thể, hiện nay trung bình 1 tấn mía nguyên liệu có thể tạo ra khoảng 50-70 kWh điện thương phẩm, giá trị này giúp giá thành sản xuất đường có thể tiết giảm tương ứng từ 500-700 đồng/kg, qua đó gia tăng đáng kể sức cạnh tranh cho sản phẩm đường nội địa.

Tiềm năng phát triển điện bã mía của VN, theo đánh giá của giới chuyên môn, là rất lớn. Nguyên liệu bã mía được tập trung với quy mô lớn tại 41 nhà máy, do đó chi phí vận chuyển để thu gom nguyên liệu ở mức thấp.

Nhiều nhà máy mía đường có công suất lớn như Lam Sơn, KCP, Cam Ranh, Ninh Hòa, Gia Lai, Bourbon Tây Ninh thải ra 135.000-300.000 tấn bã mía mỗi vụ mùa, sản lượng bã mía này có thể đáp ứng cho nhà máy điện sinh khối quy mô công nghiệp có công suất đến hơn 30 MW, sản xuất được từ 45-100 triệu kWh điện/nhà máy/vụ mùa.

Hơn nữa, thời gian hoạt động của các nhà máy đường từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, trùng với mùa khô tại VN, do đó sản lượng điện cực kỳ khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng cao. Vì vậy, nguồn điện sinh khối từ bã mía bổ sung cho lưới điện quốc gia lại cực kỳ giá trị và ý nghĩa về khía cạnh kinh tế.

Mặc dù còn rất khiêm tốn, song sản lượng điện thương phẩm 100 triệu kWh/năm của các nhà máy điện hiện tương đương với nhà máy thủy điện 20 MW hoạt động liên tục một năm, trong khi các nhà máy thủy điện thường gây ra nhiều hệ lụy đối với môi sinh, sinh kế của người dân bản địa.

Bên cạnh đó khói thải từ các nhà máy đồng phát điện từ bã mía được giải quyết khá triệt để thông qua các hệ thống xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường VN, giảm thiểu rất nhiều những tác động tiêu cực đến môi trường sống xung quanh là ưu điểm vượt trội của việc đồng phát điện từ bã mía.

Từ những tác động tích cực trong việc giảm thải khí CO2 giải phóng ra môi trường, do đó hầu hết các dự án phát điện từ bã mía đều được công nhận là năng lượng tái tạo theo cơ chế phát triển sạch CDM theo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của Nghị định thư Kyoto.

Theo Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận không có là nguyên nhân chính giải thích vì sao trong số 41 nhà máy đường hiện có của VN, chỉ có sáu nhà máy đầu tư phát điện bã mía.

Ông Nguyễn Văn Lộc, phó chủ tịch phụ trách điện bã mía của VSSA, cho biết trong số sáu nhà máy hiện có thì chỉ ba nhà máy có ý định mở rộng công suất đón đầu việc Chính phủ sẽ tăng giá mua điện bã mía, còn lại ba nhà máy vẫn giữ nguyên công suất. Giá mua điện của EVN còn thấp, dao động trong khoảng 540-1.000 đồng/kWh (3-5 cent/kWh), nên không thúc đẩy các nhà máy đường khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu bã mía để bán điện thương phẩm.

Theo ông Lộc, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi đặc thù khuyến khích phát triển điện bã mía nói riêng và điện sinh khối nói chung để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng này. Ông Lộc cho rằng trước mắt nên tăng giá mua điện bã mía lên 7 cent/kWh, hỗ trợ lãi suất với các dự án điện bã mía và dành một nguồn tín dụng ưu đãi.

“Để đạt được mục tiêu 500 MW điện sinh khối thì chỉ cần 5.000-10.000 tỉ đồng là đủ để tạo cú hích trong khi ý nghĩa thu được lại rất lớn. Nếu những chính sách này được thực hiện thì chỉ riêng ngành đường cũng hoàn thành mục tiêu 500 MW điện bã mía trong năm 2015” - ông Lộc nói.



Kiểm tra thông số phát điện tại trạm biến áp - Ảnh: Tuổi trẻ

Trong khi nguồn năng lượng sinh khối tại VN phát triển manh mún, tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới năng lượng sinh khối đã được phát triển tương đối mạnh mẽ. Tính đến năm 2011, tổng công suất năng lượng điện sinh khối toàn cầu đạt 72.000 MW, chiếm tỉ lệ 16,7% tổng sản lượng điện toàn cầu.

Đến năm 2013 đã có hơn 118 nước có mục tiêu quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo và ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện tái tạo. Các nước ASEAN cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 năng lượng tái tạo chiếm tỉ lệ bình quân 10-15%, tùy điều kiện mỗi quốc gia.

Thái Lan hiện là quốc gia đi đầu tại khu vực ASEAN về phát triển năng lượng điện sinh khối, tổng công suất lắp đặt năng lượng điện sinh khối đạt 1.600 MW (2011) với khoảng 84 dự án.

Năm 2013, năng lượng sinh khối từ bã mía và các phế phẩm nông nghiệp tại Thái Lan chiếm 16% tổng năng lượng sử dụng, đồng thời Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ đạt tỉ lệ 25%, tương đương 3.630 MW.

Đối với năng lượng sinh khối từ bã mía, tổng công suất phát điện của các nhà máy đường đạt 1.100 MW, hằng năm cung cấp lượng điện tương đương 3,4 tỉ kWh, đây cũng là một trong những lợi thế rất lớn của mặt hàng đường Thái Lan để giảm giá thành đường thấp hơn hẳn so với VN.
Theo: Tuổi trẻ