Thị trấn “xanh”
Mô hình thị trấn xanh Fujisawa ở Nhật Bản
Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên năng lượng. Đặc biệt sau thảm họa động đất và sóng thần 11/3/2011, người Nhật đã có ý định xây dựng thị trấn thông minh và bền vững. Một thị trấn mới sẽ được mọc lên trên một mảnh đất rộng khoảng 19ha nằm ở thành phố Fujisawa, tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo khoảng 50km về phía tây. Thị trấn này sẽ được xây dựng dựa trên ý tưởng về phong cách sống xanh của Hãng điện tử Panasonic, một trong những tập đoàn đi đầu trong công nghệ thân thiện với môi trường ở Nhật Bản. Có khoảng 60 tỉ yên đã đổ vào dự án này, trong đó Panasonic đầu tư 25 tỉ yen. Thị trấn mới sẽ bắt đầu hoạt động vào khoảng tháng 3/2014.
Tất cả các căn hộ ở Fujisawa sẽ được lắp đặt tấm pin mặt trời và thiết bị lưu điện để có thể tự đảm bảo nguồn cung điện trong các tình huống khẩn cấp. Các căn hộ này cũng được trang bị các thiết bị tiết kiệm năng lượng do chính Panasonic sản xuất như đèn LED, điều hòa không khí, tủ lạnh hay máy giặt. Ba nghìn cư dân của thị trấn sẽ sử dụng chung xe đạp và xe ôtô điện thế hệ mới với mục tiêu cắt giảm 70% lượng khí thải CO2 và tiết kiệm 30% lượng nước tiêu thụ so với các mức khí thải và tiêu thụ nước ở thị trấn này năm 1990. Trong thành phố này, những động cơ phát ra khí thải, gây ồn sẽ không được khuyến khích sử dụng.
Fujisawa cũng sẽ là một trong thị trấn an toàn nhất trên thế giới khi được trang bị các thiết bị giám sát hiện đại, kết hợp giữa đèn LED tự động, các camera an ninh và các cảm biến. Mọi công dân của thị trấn đều được bảo đảm an toàn một cách bí mật nhờ hệ thống giám sát rất khó nhận thấy này.
Sản xuất điện trên… nóc nhà?
Công trình Strata SE1 ở thủ đô London (Anh Quốc) là một trong những tòa nhà độc đáo nhất thế giới bởi trên nóc của nó gắn 3 turbine gió. Tòa nhà cao 148m, 43 tầng với 408 căn hộ dân cư. 3 turbine gió với đường kính 9m sẽ sản xuất và cung cấp trực tiếp điện năng đến hệ thống trung tâm và giảm thiểu thêm lượng điện năng tiêu thụ chung của toàn bộ công trình. 3 turbine gió này có công suất 19kW mỗi cái và sẽ mang lại ít nhất 50MWh lượng điện năng/năm hay 8% tổng lượng điện năng tiêu thụ dự kiến của Strata SE1.
Về mặt môi trường, việc áp dụng hệ thống sàn bê tông kéo căng trước dày 200 mm và hệ thống cột chịu tải cao giúp tiết kiệm được trên 2.000m3 bêtông và 1.800 tấn CO2. Lượng khí thải CO2 giảm thiểu này tương đương với lượng khí thải từ nguồn năng lượng mà các căn hộ sử dụng trong suốt thời gian trên 4 năm.
Mục tiêu lâu dài cho công trình Strata SE1 để giảm bớt lượng điện năng tiêu thụ trong quá trình hình thành nên công trình dân cư thông qua việc kết hợp thiết kế sử dụng ít năng lượng, tích hợp sản xuất năng lượng tái tạo. Ngoài ra, nước được tái chế ở tất cả các nhà vệ sinh cung cấp cho các căn hộ.
Sản xuất điện từ… mỳ ăn thừa?
Hãng sản xuất Chiyoda tại Nhật Bản đang lên kế hoạch thu gom số lượng lớn mì Udon thừa từ các nhà hàng nhằm hiện thực ý tưởng tận dụng một trong những loại thực phẩm phổ biến này vào việc sản xuất điện năng.
Kế hoạch độc đáo trên đã được triển khai từ tháng 9/2013. Theo đó, mì Udon - một loại mì sợi khá to làm từ lúa mì - sẽ được lên men để sinh ra khí mê tan, chạy các turbine trong một nhà máy phát điện. Nếu đi vào hoạt động, nhà máy này có thể sản xuất được 180 nghìn kW điện một năm, cung cấp được cho khoảng 50 hộ gia đình. Việc tái chế, tái sử dụng giờ đây đã không còn quá xa lạ.
Bò ợ hơi thành... điện?
Các nhà khoa học Argentina đã tìm ra một cách để biến khí ợ hơi, do hệ tiêu hóa của những con bò tạo ra, thành nhiên liệu. Viện Công nghệ nông nghiệp quốc gia Argentina (INTA) đã nảy ra ý tưởng sử dụng một hệ thống van và bơm để thu thập khí ợ hơi của bò. Kỹ thuật thử nghiệm mới đã dẫn truyền khí tiêu hóa từ khoang bụng của bò qua một chiếc ống và đổ vào một bể chứa. Khí thu được sau đó được xử lý để phân tách mêtan khỏi các chất khí khác, chẳng hạn như cácbon điôxít.
Mêtan là thành phần chính của khí đốt tự nhiên, được sử dụng làm nhiên liệu cho nhiều thiết bị, từ xe hơi tới nhà máy điện. Một đàn gia súc trung bình thải 250-300 lít khí mêtan tinh khiết mỗi ngày, đủ cung cấp năng lượng cho một tủ lạnh chạy suốt 24 giờ. Argentina là một trong những nước xuất khẩu thịt bò hàng đầu thế giới, với khoảng 55 triệu đàn gia súc. Khí do những con trâu, bò này thải ra chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này. Vì vậy, việc tận dụng khí ợ hơi để sản xuất nhiên liệu cũng là một cách để giảm bớt tình trạng này.
Theo: Petrotimes