Điện gió & Mặt trời - thế mạnh trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Thứ tư, 26/8/2015 | 09:29 GMT+7
Phát triển năng lượng tái tạo là một định hướng phát triển năng lượng của thế giới nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Xanh. 

Những tấm pin năng lượng mặt trời trên nhà giàn DK 1/19 Trường Sa.
 
Đối với Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo còn nhằm đa dạng hóa và góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện cho phát triển kinh tế và đời sống. Cho đến nay, việc thực hiện các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo tại Quy hoạch điện 7 còn khá trì trệ, song, QHĐ 7 hiệu chỉnh vẫn xác định tầm quan trọng của nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó, điện gió và mặt trời là những thế mạnh không chỉ giúp đảm bảo cung cấp điện vùng biển đảo mà còn có giá trị thương mại lớn. 
 
Mặc dù được trang bị máy phát điện diezel công suất đảm bảo cho các hoạt động sản xuất và đời sống, song 100% nguồn điện mà các cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Lớn (Trường Sa) đang sử dụng là từ điện gió và mặt trời. Thiếu tá Đinh Văn Diệu, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn A, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cho biết, ở đây điện cơ bản sử dụng bằng pin năng lượng mặt trời và hệ thống quạt sức gió. Với mỗi tấm pin 150W, trong thời gian qua cơ bản đủ điện cho sinh hoạt của đơn vị.
 
Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Phạm Văn Hòa khẳng định, việc phát triển nguồn năng lượng sạch trên quần đảo Trường Sa là hoàn toàn đúng đắn bởi đây là nguồn năng lượng vô giá, dồi dào. Năng lượng này không chỉ giúp cho chiến sĩ và nhân dân trên đảo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà còn đảm bảo môi trường biển. "Từ khi có nguồn năng lượng sạch, việc sinh hoạt của nhân dân trên đảo được cải thiện rõ rệt. Nguồn điện giúp bảo quản thuốc, vacxin an toàn phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trên đảo. 
 
Điện là cơ sở hạ tầng thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Mới đây, qua thực tế tại quần đảo Trường Sa, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, tiềm năng nắng, gió ở Việt Nam nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng là cơ hội để phát triển và đảm bảo nguồn năng lượng điện đồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế và dân sinh. Cùng với việc tập trung phát triển các nguồn năng lượng gió và mặt trời tại các khu vực biển đảo, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, quá trình vận chuyển khó khăn đòi hỏi cần quan tâm tới công tác duy tu bảo dưỡng để các thiết bị như quạt gió hay pin mặt trời…được sử dụng lâu bền hơn.
 
"Đảo của chúng ta nằm giữa biển khơi nắng gió, bị ảnh hưởng từ nước biển và hơi mặn từ biển nên các thiết bị hay bị hư hỏng. Để duy trì hệ thống điện gió, điện mặt trời hiện nay đang có trên đảo thì rõ ràng chúng ta cần phải quan tâm đến công tác duy tu bảo dưỡng để các thiết bị máy móc này có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn".
 
Theo tính toán, Việt Nam có tiềm năng khá cao về năng lượng mặt trời, với mật độ năng lượng trung bình khoảng 4,0-5,0kWh/m2 ngày và số giờ nắng 1.700 - 2.300 giờ/năm. Nguồn tài nguyên gió ở độ cao 60m của một số khu vực tiềm năng đạt khoảng 2.200 MW. Tính chung cả nước có khả năng phát triển các nhà máy điện gió với tổng công suất lên tới hơn 10.000 MW, đó là chưa kể những khu vực có thể sử dụng năng lượng gió vào mục đích phát điện quy mô nhỏ. 
 
Quy hoạch Điện VII cũng đã xác định, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ tiêu đặt ra tại quy hoạch này là tăng tỷ lệ điện NLTT từ 3,5% năm 2010 lên 4,5% vào năm 2020 và khoảng 6% vào năm 2030. Để đạt được các tỷ lệ này thì tổng công suất điện NLTT đầu tư xây dựng mới phải là 4.200MW vào năm 2020 và 13.799MW vào năm 2030, trong đó, ngoài điện sinh khối thì điện gió và điện mặt trời cũng được ưu tiên sử dụng, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biển đảo.
Nguyên Long/Icon.com.vn