Điện mặt trời và trà ô long 4 sạch

Thứ hai, 20/7/2015 | 10:09 GMT+7
Sau TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, lần đầu tiên điện mặt trời lan tỏa lên miền Tây Bắc xa xôi, góp phần đưa sản phẩm trà trở thành “trà sạch” chính hiệu...

Tấm pin mặt trời 10 kWp lắp đặt trên đồi chè Linh Sơn.
 
Đúng 12g ngày 8-6-2015, tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Tâm nhấn nút đóng điện mặt trời (ĐMT) hòa vào lưới điện quốc gia tại Nhà máy chế biến chè công nghệ cao Tâm Trà (thuộc Tổng công ty Linh Dương, tỉnh Lào Cai). Và kể từ đó đến nay, hệ thống hoạt động ổn định và chuẩn bị chính thức nghiệm thu vào tháng 8-2015.
 
Trà 4 sạch 

Theo cách tính của doanh nghiệp Linh Dương, hiện sản lượng chè hằng năm của nhà máy khoảng 1.000 tấn trà khô, đạt doanh số tương đương 500 tỉ đồng/năm. Chỉ cần giá trị gia tăng của sản phẩm tăng 0,1% tương đương 500 đồng/kg sẽ cho con số lãi khoảng 500 triệu đồng/năm và hệ thống điện mặt trời sẽ thu hồi vốn dưới 3 năm.
Điện mặt trời là một xu hướng của thế giới hiện nay, nhưng ở Việt Nam - một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về nguồn năng lượng sạch này - lại khai thác rất khiêm tốn. Hiện tại số công trình, nhà máy... sử dụng ĐMT chỉ có thể kể tên trên đầu ngón tay. Trong đó lớn nhất là hệ thống ĐMT tại quần đảo Trường Sa, tòa nhà Tập đoàn Tuấn Ân, khách sạn - nhà hàng Lotus ở TP.HCM, trang trại tre ở Tây Ninh, Bệnh viện Tam Kỳ Quảng Nam...
 
Muốn phát triển ĐMT nối lưới ở cấp vĩ mô thì cần đến chính sách quốc gia, còn ở quy mô thấp hơn thì cần những doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của ĐMT và chịu chi để đầu tư ban đầu; và cuối cùng là những nhà khoa học tâm huyết.
 
May mắn làm sao, câu chuyện ĐMT lên Tây Bắc là một sự phối ngẫu tình cờ giữa một chuyên gia ĐMT nhưng lại cũng là một nhà nghiên cứu có cỡ về trà Việt - TS Trịnh Quang Dũng (ông là một cây bút quen thuộc trên báo xuân Tuổi Trẻ, thường viết về văn hóa trà Việt).
 
Từ nghiên cứu trà, ông mới gặp nữ tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Tâm - người khát khao đưa trà Việt vươn tầm thế giới. Từ những cuộc gặp gỡ bàn về trà Việt, họ bắt sang chuyện ĐMT.
 
Chị Thanh Tâm kể: “Với vùng nguyên liệu chè hơn 500ha, nhà máy chè công nghệ cao hiện đại, tôi đã xây dựng được thương hiệu trà Tâm Trà 3 sạch, đó là nguyên liệu sạch - chế biến sạch - sản phẩm sạch.
 
Qua những lần trò chuyện cùng anh Trịnh Quang Dũng, chúng tôi đã cùng gặp nhau ở một suy nghĩ: Tại sao không phải là trà 4 sạch? Đó là thêm yếu tố năng lượng sạch!
 
Với kinh nghiệm bươn chải thương trường hơn 25 năm, nhìn từ góc độ thương mại, tôi thấy nếu mình có được sản phẩm trà 4 sạch ắt sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu, cách quảng bá, tôn vinh tốt nhất cho thương hiệu Tâm Trà.
 
Sự khác biệt đó chắc chắn thu hút được sự chú ý của thị trường và chiếm trọn thiện cảm của người tiêu dùng. Trên thị trường trà thế giới lại càng vậy, tôi tin rằng trà 4 sạch sẽ có tính hấp dẫn và sẽ giành thêm được nhiều khách hàng phương Tây ưu tiên lựa chọn nhờ tem chứng chỉ nhà máy sử dụng ĐMT. Giá trị này sẽ mang lại giá trị gia tăng to lớn gấp bội khó có thể đo đếm được”.
 
Ý tưởng đầu tư ĐMT cho Tâm Trà nhằm có sản phẩm trà 4 sạch bắt đầu được khởi động, vàng trong năm 2014, trong mối liên kết triển khai ứng dụng với các địa phương của Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN và UBND tỉnh Lào Cai, Viện Vật lý TP.HCM đã liên kết với Sở Công thương Lào Cai hiện thực hóa giấc mơ: đưa công nghệ ĐMT nối lưới quy mô công nghiệp vào ứng dụng tại nhà máy chế biến chè công nghệ cao Tâm Trà thuộc Tổng công ty Linh Dương, tỉnh Lào Cai.
 
Made in Việt Nam
 
Từ đặc điểm lượng bức xạ mặt trời trung bình năm chỉ đạt 3,72 kWh/m2/ngày (không được dồi dào như các tỉnh miền Nam với 5,2 kWh/m2/ngày) nên vô vàn khó khăn đang thách thức các nhà khoa học.
 
Khác với các hệ thống ĐMT ứng dụng trong đời sống dân sinh có nguồn tải thuần chủng, công suất vừa phải, còn tại Linh Dương lại là công trình ĐMT nối lưới ứng dụng quy mô công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.
 
Vì vậy nó đòi hỏi hàng loạt vấn đề kỹ thuật phải được giải quyết để đáp ứng hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến chè ô long, trà xanh có hệ thống nguồn tải khá phức tạp, đa chủng loại: nguồn 3 pha, nguồn 1 pha, các thiết bị DC và hầu hết đều có công suất lớn.
 
Tuy nhiên sau hơn một năm nghiên cứu miệt mài, hệ thống ĐMT công nghệ nối lưới thông minh đã được các nhóm chuyên gia Solarlab và cộng sự chế tạo thành công, đáp ứng mọi đòi hỏi kỹ thuật của dây chuyền chế biến chè ở nhà máy.
 
Sau cả năm trời khảo sát, nghiên cứu, vào những ngày cực nóng cuối tháng 5-2015, nhóm chuyên gia Solarlab, Viện Vật lý TP.HCM đã vượt hàng ngàn cây số, chuyển hàng tấn thiết bị máy móc từ TP.HCM lên Lào Cai để xây dựng công trình ĐMT nối lưới đầu tiên ở miền Tây Bắc.
 
Trong ngày đóng ĐMT hòa lưới quốc gia tại Nhà máy Tâm Trà, ông Trịnh Quang Dũng - chủ nhiệm đề tài, chuyên gia đầu ngành ĐMT của Việt Nam - hồ hởi cho biết: “Đây là công trình ĐMT nối lưới ứng dụng trong sản xuất công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và là sản phẩm "made in VN" 100%, chúng tôi tự hào về điều đó”.
 
Thiết bị ĐMT nối lưới do nhóm chuyên gia TP.HCM chế tạo đã đáp ứng đa dạng chủng loại tải của nhà máy. Từ dàn pin mặt trời (PMT), 3 máy PV Madicub (12 kW) tạo nên dòng ĐMT 3 pha hòa vào điện lưới quốc gia cấp điện cho dây chuyền chế biến các sản phẩm Tâm Trà.
 
Với phần mềm điều khiển giành quyền ưu tiên, ĐMT là nguồn điện chủ lực, hệ thống chỉ bù thêm bằng điện lưới khi ĐMT không đủ công suất, vì thế công nghệ đã giúp khai thác triệt để dòng điện ĐMT xanh. Máy Madicub Back up 3 pha/15 kVA (48VDC / 220V - 380VAC) là nguồn ĐMT dự phòng khi nguồn điện lưới quốc gia bị mất hay gặp sự cố.
 
Với dàn pin mặt trời công suất 10kWp do Công ty Mặt Trời Đỏ Việt Nam sản xuất đã đáp ứng được 50 - 100% nhu cầu về điện sản xuất (tùy thời điểm) và 100% nhu cầu điện cho khối văn phòng của nhà máy.
 
Ngày 8-6-2015, đúng 12g nữ tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Tâm nhấn nút đóng ĐMT hòa vào lưới điện quốc gia tại Nhà máy chế biến chè công nghệ cao Tâm Trà. Ở thời điểm đóng điện, đồng hồ ghi nhận dòng ĐMT hòa lưới cung cấp 5,3 kWh đáp ứng 100% cho dây chuyền chế biến chè ô long đang hối hả vận hành cho ra những mẻ trà 4 sạch đầu tiên của ngành chè Việt Nam.
 
Chị Tâm cho biết thêm: “Từ góc độ kinh tế, giá trị đặc biệt của hệ thống ĐMT nối lưới còn ở chỗ đảm bảo nguồn điện liên tục 24/24 giờ cho dây chuyền sản xuất, tôi tâm đắc nhất yếu tố kỹ thuật này. Trước đây, mỗi khi mất điện đột xuất, khi dùng máy nổ hỗ trợ phải mất 5 - 10 phút khởi động thường làm hỏng cả mẻ trà 40kg.
 
Nếu là trà xanh thiệt hại khoảng 20 triệu đồng, nếu là mẻ trà ôlong sẽ thiệt hại tới 50 triệu đồng”. Nay có công nghệ ĐMT nối lưới hỗ trợ chỉ gián đoạn điện khoảng 5 giây, anh em công nhân yên tâm sản xuất rồi, không còn hồi hộp nữa”.
 
Phát triển “du lịch trà”
 
Niềm vui của nữ tổng giám đốc không chỉ có vậy, dịp này chị còn thuyết phục nhóm chuyên gia để “cõng” được 2 kWp ĐMT lên đồi chè Linh Sơn vốn đìu hiu mỗi khi màn sương đêm buông xuống vì chưa có điện lưới quốc gia. Cách TP Lào Cai 10 km, trên độ cao gần 900m, đường lên Linh Sơn quanh co uốn khúc, lãng đãng trong sương và mây.
 
Song khung cảnh trữ tình ấy chỉ hợp với những búp trà ngậm sương đêm, đón nhận nắng ban mai để cho hương vị trà thêm đậm đà. Đó là trở ngại không thể vượt qua để đưa điện lên....
 
Đêm nay đồi chè Linh Sơn được chị Tâm đánh thức. Cả đồi chè bỗng rực sáng dù chẳng thấy cây cột điện nào..."ĐMT đấy!"- cư dân quanh đồi chè kháo nhau rồi nô nức rủ nhau đi xem ĐMT. Với dàn PMT 2 kWp, máy Smart 4000 cung cấp dòng điện 220V / 50Hz ổn định theo chuẩn điện lưới cung cấp khoảng 7 - 8 kWh/ngày. Nữ tổng giám đốc Thanh Tâm đích thân cắm bình siêu tốc đun nước sôi rồi thong thả pha ấm trà đầu tiên nhờ ĐMT... mời mọi người.
 
Dõi mắt vào màn đêm quanh đồi, chị tâm sự: “Đúng như đang mơ vậy... 15 năm trước nơi đây là rừng rậm, tôi và anh em công nhân đã tốn không biết bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi cả trăm con người giăng tay soi đèn bão cho xe ủi san rừng để biến chúng thành những đồi chè mượt mà, thơ mộng...
 
Nhưng đêm tối vẫn tước đi nhiều tiềm năng của Linh Sơn. Đã bao lần muốn đưa điện lên đây đều thất bại. Giờ có ĐMT, nơi đây sẽ là địa điểm phát triển “du lịch trà” lý tưởng...
 
Đã có điện giúp lấy nước giếng sâu hàng chục mét để pha trà, có ánh sáng, có đủ tiện nghi phục vụ du khách dã ngoại... một cuộc sống mới đầy triển vọng trên Linh Sơn đang bắt đầu”.
 
Điện mặt trời còn rất khiêm tốn ở VN
 
Sản lượng điện mặt trời (ĐMT) toàn cầu phát triển trong suốt khoảng 20 năm, từ 38 GWp vào năm 2010 đã bùng nổ, tăng vọt con số ấn tượng 135 GWp vào cuối 2013. Trên vùng trời Âu - Mỹ, nước Đức dẫn đầu với tổng công suất là 35,65 GWp, nối gót là Ý với 18 GWp, Hoa Kỳ 11,42 GWp... Ở khu vực châu Á, ĐMT cũng phát triển mạnh mẽ tới 4 chữ số: Trung Quốc với 17,7 GWp, Nhật Bản 11,86 GWp, 1 GWp ở Thái Lan, 90 MWp ở Malaysia... Chỉ trong 5 năm qua, hàng trăm tỉ USD đã được đầu tư vào ngành ĐMT nối lưới. Các chuyên gia năng lượng tiên đoán: vào cuối thế kỷ 21, ĐMT sẽ đóng góp tới 2/3 nguồn năng lượng cho loài người. Riêng tại VN, ĐMT hiện vẫn còn rất khiêm tốn với công suất khoảng 12 MWp, trong đó riêng tại quần đảo Trường Sa là 8,6 MWp.
 
Theo: Tuổi trẻ