Điện gió ở đảo Phú Quý

Thứ hai, 7/1/2013 | 09:30 GMT+7
Đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận có diện tích khoảng 16km2, là một đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

 
Tháp turbine dựng lên trên đảo gió. Ảnh Internet

Để đáp ứng nhu cầu về điện của nhân dân trên đảo, đảm bảo phát triển kinh tế và giữ vững an ninh quốc phòng, năm 1998, Chính phủ đã  đầu tư xây dựng nhà máy diesel công suất 3MW và hệ thống lưới điện 22kV trên đảo. Do thời gian phát điện chỉ đạt 16 giờ/ngày, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng nên một số cơ sở sản xuất cũng như người dân đã trang bị máy phát điện riêng để có điện ổn định sản xuất, phục vụ sinh hoạt với tổng công suất lắp đặt khoảng 1MW. Việc sử dụng diesel để phát điện rất tốn kém, giá thành điện năng sản xuất cao nên đã không khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội của đảo. Với mong muốn tìm nguồn năng lượng khác có giá thành thấp và ổn định hơn để cung cấp điện cho đảo Phú Quý, Chính phủ đã phê duyệt cho phép đầu tư Nhà máy phong điện ở đảo này, liên kết với nguồn diesel hiện hữu để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên đảo.

Sau khi nghiên cứu tính khả thi của dự án, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý tại khu vực xã Long hải và Ngũ Phụng (phía Bắc đảo Phú Quý) với công suất đặt 6MW. Dự kiến, hàng năm sẽ cung cấp hệ thống điện trên đảo khoảng 25,4 triệu kWh. Đồng bộ với nhà máy, cải tạo đường dây 1 pha hiện hữu thành 3 pha và xây dựng mới một đường dây 3 pha, hoàn chỉnh mạch vòng lưới điện 22 kV cho toàn đảo.

Dự án Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý được khởi công xây dựng ngày 26-11-2010, theo kế hoạch dự án đưa vào vận hành từ tháng 12-2011, nhưng đến tháng 8-2012 mới đưa vào vận hành. Một trong số nguyên nhân không đúng tiến độ là do Liên danh nhà thầu:  Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam, Công ty Cổ phần công nghệ AMEC, Công ty Cổ phần công trình VIETTRONIC chưa có kinh nghiệm tổ chức thi công.

Tuy nhiên, đây là mô hình đầu tiên trên thế giới vận hành hỗn hợp giữa hai hệ thống gió - diesel với tỷ lệ công suất gió/diesel là 6MW/3MW. Thông thường trên thế giới cũng có một số dự án hỗn hợp gió - diesel tương tự nhưng tỷ lệ tổng công suất diesel thường cao hơn tổng công suất tuabin gió, nhưng ở đây tổng công suất tuabin gió gấp hai lần diesel, vì vậy vận hành hệ thống hỗn hợp này rất phức tạp, đòi hỏi các vận hành viên phải rất tập trung, thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phối hợp đã phê duyệt.

Thực tế đã xuất hiện rất nhiều khó khăn do đặc thù của tuabin phát điện có đầu vào là gió, dẫn đến vận hành không chủ động được hoàn toàn mà phụ thuộc vào thiên nhiên, tỷ lệ công suất gió/diesel là 50/50 đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng của nhà máy và có những thời điểm gió cao không tận dụng tối đa công suất của các tổ máy. Hệ thống điều khiển hỗn hợp gió - diesel đang được các bên theo dõi trong quá trình vận hành để có số liệu thực hiện từng bước điều chỉnh tỉ lệ gió/diesel cho phù hợp với phụ tải nhằm phát huy tối đa hiệu suất tuabin gió.

Do khó khăn về công tác đấu nối ổn định lưới nên hiện nay tỉ trọng phát điện gió so với diesel vẫn còn ở mức thấp, điện gió phát ra chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng điện trên đảo. Với tỉ trọng phát điện ở mức thấp, nếu đầu tư thêm hệ thống ổn định lưới điện gió-diesel sẽ đẩy giá thành phát điện tăng cao. Điều này không đúng với mục tiêu xây dựng ban đầu của dự án.

Theo kế hoạch, PVN sẽ tiếp tục đầu tư dự án điện gió ở Hòa Thắng, Thuận Bắc…hy vọng việc đầu tư dự án phong điện Phú Quý sẽ là cơ hội để PVN đúc rút ra những kinh nghiệm, không để tình trạng như dự án Phong điện đảo Phú Quý.

Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý có tổng vốn đầu tư là 335 tỉ đồng do PV Power RE (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – PVPower thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia -PVN) làm chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp thiết bị là Hãng Vestas (Đan Mạch), nhà thầu thi công chính là Công ty Cổ phần Công nghệ Amec. Công ty CP Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) là nhà thầu lắp đặt chính.

Đây là dự án phong điện đầu tiên của Việt Nam sử dụng mô hình vận hành hỗn hợp gió - diesel. Nhà máy được xây dựng tại 2 xã Long Hải và Ngũ Phụng trên huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), với lượng điện sản xuất bình quân hàng năm khoảng 25,4 triệu kWh. Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý có công suất 6MW, bao gồm 3 trụ tuabin, chiều cao của mỗi trụ tháp tuabin là 60m, gồm 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 37m để hứng gió, đường kính khi quạt quay là 75m. Công suất trung bình của một tuabin gió tạo ra 2MW điện. Nhà máy được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, sau gần 2 năm thi công lắp đặt (với nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan, thay thế một số nhà thầu phụ thiếu năng lực), Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý đã chính thức phát điện thương mại vào ngày 24-8-2012.
Thanh Mai/Tinnganhdien.vn