Tin thế giới

Điện hạt nhân của Trung Quốc đang phủ sóng ra thế giới

Thứ ba, 5/3/2019 | 10:03 GMT+7
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc vẫn luôn bị chỉ trích bởi các tổ chức môi trường phương Tây vì không chịu từ bỏ việc sử dụng nhiệt điện than – nguồn nhiên liệu bị gắn mác là ô nhiễm nhất thế giới. 
 
Và Trung Quốc đang tập trung thay đổi điều đó, bằng những dự án năng lượng đầy tham vọng.
 
Tiên phong hệ thống hạt nhân thế hệ mới
 
Mặc dù lượng phát thải than của Trung Quốc chưa đạt đến đỉnh điểm, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang bị sa lầy trong việc phụ thuộc vào điện than. Nhiên liệu hóa thạch được dự báo ​​sẽ thống trị thế hệ năng lượng của Trung Quốc ít nhất cho đến năm 2030.
 
Tuy nhiên, một vài thay đổi chính sách quan trọng sẽ tác động đến không chỉ các mục tiêu phát thải của Trung Quốc, mà còn cả các lựa chọn năng lượng trong tương lai: các lò phản ứng điện hạt nhân.
 
Trong nhiều năm qua, đã có một sự thay đổi lớn trong chính sách năng lượng của Trung Quốc đối với năng lượng hạt nhân. Và tham vọng hạt nhân đó không chỉ giới hạn trong vòng biên giới Trung Quốc. Kế hoạch chi tiết "Made in China 2025" của Bắc Kinh dự kiến sẽ ​​mở rộng đáng kể vai trò của Trung Quốc trong sản xuất điện hạt nhân tại các nền kinh tế đang phát triển trên toàn thế giới.
 
Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi sản lượng điện do hạt nhân sản xuất từ ​​năm 2013 đến 2016. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia năng lượng hạt nhân lớn thứ tư thế giới, với tổng công suất lắp đặt là 42,9 gigawatt điện (GWe) vào năm 2018. Dự kiến, công suất điện hạt nhân sẽ mở rộng lên tới 281,8 GWe vào năm 2030. Điều này sẽ giúp các nhà máy điện hạt nhân sản xuất ra lượng điện đủ để đáp ứng đến tối đa 20% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
 
Hiện tại, Trung Quốc sở hữu 45 lò phản ứng hạt nhân và hiện tại đang xây dựng thêm 43 lò nữa. Đến năm 2020 quốc gia này sẽ tiếp tục xây dựng thêm 92 lò phản ứng và đặt mục tiêu 56 lò có thể bắt đầu hoạt động ngay vào năm 2020, với tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới.
 
Zhefu Holding Group - một công ty tư nhân sản xuất thiết bị hạt nhân cho biết, mục tiêu vĩ đại này sẽ ngốn khoảng 540 tỷ CNY (tương đương 80 tỷ USD). Trung Quốc cũng cần phải giành lấy lợi thế đi đầu công nghệ, với việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba và thứ tư.
 
Trung Quốc đang phát triển sáng kiến làm mát hệ thống hạt nhân dân sự bằng nước sông, dự kiến sẽ sử dụng lưu vực sông Dương Tử. Nếu thành công Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng nước sông để giải nhiệt cho các lò phản ứng vì cách thức này chưa từng có tiền lệ trên thế giới, các quốc gia đa phần vẫn đang sử dụng các chất tải nhiệt dạng lỏng.
 
Khi mô hình này thực sự chứng minh được thành công của nó, có thể nó sẽ được nhân rộng trên các hệ thống năng lượng hạt nhân của tất cả các quốc gia có hệ thống sông ngòi. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ được lợi cả trong việc xuất khẩu vật liệu và thiết bị năng lượng hạt nhân, cũng như xuất khẩu các nhà máy và công nghệ để sản xuất chúng thông qua việc đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 
Nếu như xuất khẩu năng lượng hạt nhân trước đây đều nhắm vào các nền kinh tế tiên tiến như Pháp và Anh, thì năng lượng hạt nhân thế hệ mới phần lớn sẽ được hướng vào khu vực Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.
 
Kiểm soát Vành đai năng lượng hạt nhân toàn cầu
 
Tham vọng của Bắc Kinh về phát điện hạt nhân đã vươn tầm ra thế giới. Trên bình diện quốc tế, xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc hướng các nền kinh tế nằm trong bản đồ quy hoạch Vành đai và Con đường. Và kế hoạch này được xây dựng để cạnh tranh trực tiếp với các chính sách phát triển và định hướng xuất khẩu của các cường quốc như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ một nhà máy hạt nhân cũng sẽ mang về cho Trung Quốc khoảng 30 tỷ CNY (tương đương 4,5 tỷ USD) giá trị sản xuất kinh tế, ngang ngửa với việc xuất khẩu 300.000 phương tiện giao thông.
 
Kế hoạch chi tiết "Made in China 2025" là phương tiện để ngành công nghiệp điện hạt nhân Trung Quốc phát triển toàn cầu thông qua việc thúc đẩy các thiết bị điện hạt nhân tiên tiến. Hai lò phản ứng nước áp suất lớn của Trung Quốc - CAP1400 và Hualong One - đã được chọn là công nghệ hàng đầu để xây dựng chiến lược toàn cầu.
 
Sự phát triển của lò phản ứng nhiệt độ cao và lò phản ứng neutron nhanh cũng được xem là những yếu tố rất quan trọng đối với ảnh hưởng quốc tế của ngành công nghiệp này. Việc lên kế hoạch phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ cho phép Trung Quốc có được quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tàu điện hạt nhân dân sự và tạo ra thị trường 100 tỷ CNY (tương đương 15 tỷ USD) để khoan dầu ngoài khơi.
 
Được trang bị công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba, Trung Quốc đang trong quá trình thảo luận và ký kết các hợp đồng hợp tác với 20 quốc gia, bao gồm Argentina, Ai Cập và Vương quốc Anh. Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận với Ả Rập Saudi và Iran để xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng phục cho các nhà máy hạt nhân theo kế hoạch. Quy mô các nhà máy hạt nhân xuất khẩu dọc theo quy hoạch Vành đai và Con đường dự kiến ​​sẽ đạt con số 100 nhà máy vào năm 2030.
 
Hợp tác với các nền kinh tế phát triển về năng lượng hạt nhân dân sự còn ẩn sâu các tác động về chính trị. Các dự án ở Anh và Pháp sẽ cải thiện mối quan hệ của Trung Quốc với hai thành viên còn lại của hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Các doanh nghiệp điện hạt nhân Trung Quốc cũng sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các cường quốc hạt nhân khác như Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc - nếu Hualong One được xây dựng thành công tại Anh.
 
Ở các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc đã bắt đầu xử lý thủ tục hành chính để xuất khẩu thiết bị hạt nhân và nhà máy công suất thiết bị hạt nhân. Một bản ghi nhớ hạt nhân dân sự với Nam Phi đã được thiết lập để khai thác kinh nghiệm của Trung Quốc, đặc biệt là trong đào tạo nhân sự, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát cơ sở hạt nhân. 
 
Ở những nơi khác, Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (China National Nuclear Corporation) sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ tư của Argentina theo thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD. Tổng công ty hạt nhân Trung Quốc cũng sẽ xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân Hualong One ở Kenya, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030.
 
Nếu Trung Quốc có ý định bán thiết bị hạt nhân ở nước ngoài, trước tiên họ phải hiểu các rủi ro về công nghệ và an toàn, đảm bảo rằng công nghệ của họ đáng tin cậy. Nếu một vụ thảm họa hạt nhân xảy ra vào mùa lũ sông Dương Tử, thảm họa có thể sẽ rất khủng khiếp. Họ cũng phải đảm bảo rằng họ sẽ thúc đẩy các giao thức và tiêu chuẩn an toàn hiệu quả cùng với việc xuất khẩu thiết bị năng lượng.
Theo: Tri thức trẻ