Tin thế giới

Điện hạt nhân sẽ định hình lại bản đồ năng lượng của Indonesia?

Thứ tư, 4/12/2024 | 10:30 GMT+7
Theo báo South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) số ra mới đây, Indonesia có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới, nhằm mở rộng khai thác thêm nhiều nguồn năng lượng sạch.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nỗ lực định hình lại bản đồ năng lượng của Indonesia, Tổng thống Prabowo Subianto đang ủng hộ năng lượng hạt nhân như một giải pháp cho nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước này.

Ngày 19/11, ông Hashim Djojohadikusumo, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Prabowo, đã vạch ra mục tiêu đầy tham vọng của Indonesia tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), đó là tăng thêm hơn 100 GW công suất điện trong 15 năm tới, với ít nhất 75% có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, bao gồm cả điện hạt nhân.

Với việc Indonesia đã đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2060, ông Hashim nhấn mạnh: “Việc đặt ra mục tiêu này là cam kết của Indonesia để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có thêm 5GW từ năng lượng hạt nhân”.

Trước đó, vị cố vấn của Tổng thống Prabowo cho biết Chính phủ Indonesia có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với công suất khác nhau, bao gồm một cơ sở ở miền Tây có công suất 2GW. Hiện tại, Indonesia đang vận hành hai lò phản ứng hạt nhân với mục đích chủ yếu là phục vụ công tác nghiên cứu.

Về vấn đề an toàn, ông Hashim cho biết: “Điều quan trọng là việc tìm kiếm địa điểm an toàn nhất để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nơi có khả năng chống chịu với động đất”. Ông nhấn mạnh, không được xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở những khu vực có nguy cơ động đất cao và xảy ra tai nạn.

Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét phát triển "các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR)" cho các ngành công nghiệp quy mô nhỏ, với công suất có thể đạt tới 300 MW. Bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gần đây tại Rio de Janeiro, Tổng thống Prabowo đã gửi lời mời đến các doanh nghiệp Brazil đầu tư vào các sáng kiến hạt nhân của Indonesia.

Vào tháng 8/2024, ông Prabowo đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến việc tập đoàn hạt nhân của Nga Rosatom xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ và lò phản ứng hạt nhân chính tại Indonesia. Bên cạnh đó, theo một tuyên bố chung sau cuộc họp gần đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Tổng thống Indonesia cũng đã khám phá những cơ hội tương tự với Mỹ để phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Năm ngoái, nhà cung cấp điện nhà nước PLN của Indonesia đã ký một hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật với Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ, bao gồm một nghiên cứu khả thi trị giá 2,3 triệu USD cho một lò phản ứng mô-đun nhỏ có công suất tiềm năng 462 MW tại Tây Kalimantan.

Luật sư và chuyên gia hạt nhân Harun Ardiansyah đã ca ngợi cách tiếp cận thực tế của Tổng thống Indonesia. Ông Harun là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Illinois Urbana-Champaign. Ông nhận định: "Một khi thực hiện được kế hoạch này, chúng ta có thể xây dựng cơ sở hạ tầng - cả vật chất và phi vật chất như chính sách và quy định".

Chuyên gia Djarot Wisnubroto của Hiệp hội hạt nhân Indonesia (HIMNI) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Jakarta, đã bày tỏ sự ủng hộ thận trọng đối với ý định của chính phủ, nhưng nhấn mạnh đến nhu cầu về một kế hoạch cụ thể.

Ông Hadi Priyanto, nhà hoạt động về khí hậu và năng lượng tái tạo, nêu lên mối lo ngại về ngân sách của chính phủ để quản lý chất thải phóng xạ, về việc liệu Indonesia có đủ khả năng tài chính để giải quyết những thách thức như vậy hay không.

Theo chuyên gia Deon Arinaldo, Giám đốc chương trình chuyển đổi năng lượng tại Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (có trụ sở tại Jakarta), mặc dù hạt nhân là nguồn năng lượng đáng tin cậy, nhưng việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sẽ gây ra vấn đề vì tốn kém và mất nhiều thời gian. Ông Deon bày tỏ: “Indonesia có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn. Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, nước này có hơn 3.600 GW tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt trời và gió. Nguồn năng lượng này có thể triển khai với giá rẻ hơn và sản xuất nhanh hơn, do đó có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.

Indonesia hiện có hai lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động: một là lò phản ứng do Indonesia sản xuất tại Yogyakarta (hoạt động từ năm 1979) và một lò phản ứng do Đức sản xuất tại thành phố Serpong (hoạt động từ năm 1987). Không có lò phản ứng nào trong số này từng xảy ra sự cố lớn và chuyên gia Djarot (HIMNI) tin rằng nỗi sợ hãi của người dân về năng lượng hạt nhân có thể được xoa dịu thông qua tính minh bạch.

Link gốc

 

Theo: BNews