Công suất điện hạt nhân của một số quốc gia trên thế giới.
Điện hạt nhân là một nguồn điện nền, thường có quy mô lớn và phát thải ít CO2 hơn than đá tới 70 lần, khí đốt 40 lần, điện mặt trời 4 lần, ít hơn thủy điện 2 lần và bằng với điện gió.
Do đó, những năm gần đây, việc phát triển điện hạt nhân luôn được duy trì ở các thị trường hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, thay thế các nguồn điện có phát thải lớn.
Báo cáo tóm tắt kinh nghiệm quốc tế và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) mới đây cho thấy, Canada, Trung Quốc, Anh và một số nước EU đều có kế hoạch phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới.
Đặc biệt, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc còn coi năng lượng hạt nhân là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Đơn cử, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về phát triển điện hạt nhân, với 94 lò tại hơn 50 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc, tổng công suất gần 97 GW, đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện hàng năm. Gần đây, Mỹ bắt đầu xây dựng các lò mới tiên tiến thế hệ III+ là AP1000.
Quốc gia này cũng có thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ để triển khai xây dựng 6 lò AP-1000 tại Ấn Độ; hợp tác với Ukraine trong chế tạo nhiên liệu hạt nhân, thỏa thuận với Bulgaria về tiếp tục dự án Belene và gần đây là với Ba Lan để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dùng công nghệ AP1000...
Nga đang vận hành 36 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 26,8 GWe, chiếm 19,6% sản lượng điện quốc gia. Chính phủ Nga thực hiện chiến lược giảm nhiên liệu hoá thạch, tăng tỷ lệ năng lượng hạt nhân từ 20% hiện nay lên 37% trong tương lai gần, nhằm đảm bảo phát thải carbon thấp hơn châu Âu vào năm 2050.
Trung Quốc là quốc gia phát triển về điện hạt nhân mạnh mẽ nhất. Tính đến tháng 9/2023, Trung Quốc có 55 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động (không bao gồm Đài Loan), với công suất lắp đặt đạt gần 57.000 GWe.
Quốc gia tỷ dân này cũng triển khai chương trình điện hạt nhân với tham vọng đến năm 2030, công suất vận hành sẽ lớn nhất thế giới. Năm 2035, công suất đạt 180 GWe, sản lượng điện hạt nhân của Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 10% tổng lượng điện, tăng gấp đôi so với năm 2022 (khoảng 170-180 lò, nhiều hơn Mỹ và Pháp cộng lại) và năm 2050 sẽ có hơn 270 lò phản ứng.
Ngoài ra, một số quốc gia mới nổi như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh lần đầu tiên xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Các nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan... cũng bắt đầu quan tâm đến điện hạt nhân.
Tại COP28, hơn 20 quốc gia đã ký một tuyên bố chung để tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân đến năm 2050.
Trong Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của IEA, năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong lộ trình toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Ở kịch bản này, điện hạt nhân tăng gấp đôi từ 413GW (đầu năm 2022) lên 812GW vào (năm 2050). Công suất điện hạt nhân tăng lên 27 GW/năm vào những năm 2030.
Nếu tỷ trọng hạt nhân trong tổng sản lượng điện giảm từ 10% (năm 2020) xuống còn 3% (năm 2050), cần thêm 500 tỷ USD đầu tư nguồn lưu trữ và công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon.
Link gốc