Về Đồng Tháp, những cánh đồng lúa phì nhiêu, đi xuồng ba lá dọc sông rạch để đến với khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, đài liệt sĩ, khu di tích Gò Tháp, di tích kiến trúc cổ Kiến An Cung, vườn chim thiên nhiên lạ mắt, vườn sếu quý hiếm ở Tam Nông, khu căn cứ Xẻo Quít, làng hoa kiểng Tân Qui Đông, các vườn cây ăn trái Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Thạnh Hưng... Tính cách người Đồng Tháp mang đậm nét đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ: cần cù, hiền lành, phóng khoáng, cởi mở và giàu lòng mến khách.
Đồng Tháp không chỉ đẹp với phong cảnh thiên nhiên thoáng đãng, người dân thân thiện mà Đồng Tháp cũng được xem là một vùng ẩm thực hàng đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, với những món ăn đặc sản như: chuột xào xả ớt, cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất, dồi lươn rim nước cốt dừa, tắc kè xào lăn... Là tỉnh có nhiều cụm tuyến dân và hộ dân nghèo từ đó ảnh hưởng tỷ lệ điện hóa hộ thấp, mặt khác đặc điểm thổ nhưỡng tại tỉnh Đồng Tháp có nhiều kênh rạch và vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại chưa phát triển từ đó công tác phát triển điện nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng “Điện phải đi trước một bước” để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Điện lực Đồng Tháp đã đẩy nhanh công tác đầu tư phát triển lưới điện, nhất là đầu tư cho các khu vực nông thôn. Chỉ tính trong 5 năm qua số tiền đầu tư cho lưới điện nông thôn gần 300 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cấp điện cho 203 cụm, tuyến dân cư vượt lũ là 60 tỷ đồng, đưa số hộ vùng sâu sử dụng điện thấp nhất cũng đạt 70 đến 75% như xã Gáo Giồng, Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh); Tân Mỹ, Phú Lợi (huyện Thanh Bình); Hưng Thạnh và Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười). Đến nay toàn tỉnh có hơn 250 trạm bơm điện, các trạm bơm điện phục vụ đắc lực cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, có đủ nước tưới cho lúa và hoa màu và phục vụ chống úng, chống lũ ở Đồng Tháp hiện nay.
Năm 2000 đưa điện lưới quốc gia về 100% xã, phường và thị trấn. Năm 2002 – 2004 lưới điện không ngừng mở rộng vươn tới các ấp, cụm khu dân cư. Điện lực Đồng Tháp tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau (nguồn vốn của tỉnh ứng trước cho ngành điện 13 tỷ và trả trong vòng 03 năm; nguồn vốn khấu hao cơ bản của ngành điện tặng cho tỉnh Đồng Tháp 01 công trình điện khí hoá, 04 xã bằng nguồn vốn AFD) để điện khí hoá các ấp các khu vực văn hóa, kinh tế, các khu vực dân cư dọc biên giới Camphuchia, các khu vực nuôi trồng thủy sản, các cụm tuyến dân cư... Kết quả từ công tác đầu tư phát triển lưới điện, đảm bảo việc cấp điện an toàn liên tục, phục vụ nhu cầu chính trị và sinh hoạt của nhân dân ngày càng tốt hơn. Có điện bộ mặt cũng như điều kiện sản xuất ở nông thôn đã từng bước “thay da, đổi thịt”, góp phần “chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi” và thực hiện tốt “công tác xóa đói giảm nghèo”... Điều này thể hiện ở chỗ cuộc sống người dân được cải thiện, thu nhập quốc dân GDP của tỉnh tăng cao.
Trong công tác sản xuất kinh doanh, Điện lực Đồng Tháp luôn đảm bảo đúng nguyên tắc quy trình, quy phạm kỹ thuật - an toàn lao động, công tác vận hành an toàn tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng chế độ, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục và không để xảy ra tai nạn lao động. Thực hiện đầy đủ các quy định quy trình kinh doanh điện năng của Công ty Điện lực 2. Con số gần 90% số hộ sử dụng điện và tốc độ tăng trưởng điện năng bình quân từ 15 -20%/năm, đã nói lên sự phát triển bền vững của Điện lực Đồng tháp. Và có thể khẳng định rằng ngành điện đã thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Vinh dự với những tấm huân chương do Đảng và Nhà nước tặng: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1990); Huân chương Lao động hạng Hai (năm 1997) và Huân chương lao động hạng nhất (năm 2005), đây là những bước đi không mỏi, tiếp sức để ngành phấn đấu vươn lên thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, đưa ánh sáng điện đến mọi nơi.