Tin trong nước

Điện lực Lập Thạch (Vĩnh Phúc) lên phương án cấp điện an toàn phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão

Thứ sáu, 15/5/2020 | 08:45 GMT+7
Để chủ động đối phó và ứng cứu kịp thời khi có mưa bão xảy ra và hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại đối với lưới điện và tài sản khác, bảo đảm an toàn cho người dân, Điện lực Lập Thạch (PC Vĩnh Phúc)  đã lên phương án cấp điện an toàn phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2020.
Ảnh minh họa.
 
Địa hình huyện Lập Thạch vừa có đồi núi vừa có đồng bằng, vùng trũng với nhiều con sông có lưu lượng nước rất lớn vào mùa mưa. Hằng năm, vào mùa mưa bão thường xảy ra lũ lụt trên diện rộng và xuất hiện giông sét, bão lốc lớn gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, của nhân dân. Riêng ngành Điện do mưa bão, lũ lụt làm nhiều cột điện đổ, nhiều khoảng dây dẫn điện bị đứt, sứ cách điện bị vỡ, máy biến áp bị sét đánh hỏng, ngập chìm trong nước...
 
Điện lực Lập Thạch hiện đang quản lý, vận hành hơn 303 km đường dây trung thế và 761,47 km đường dây hạ thế, 299 trạm biến áp với tổng dung lượng 87.370 kVA, phục vụ 49.323 khách hàng của 2 huyện Lập Thạch và Sông Lô. Để bảo đảm an toàn lưới điện, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra định kỳ và khắc phục các tồn tại. Các thiết bị đường dây và mạch vòng liên kết được kiểm tra, bảo dưỡng luôn ở trạng thái sẵn sàng làm việc. Lưới điện trung áp có độ linh hoạt cao trong vận hành, sẵn sàng bảo đảm cấp điện cho các phụ tải với chất lượng cao nhất. Ngoài ra, các Trạm biến áp đã được thường xuyên kiểm tra định kỳ theo quy định và đã được kiểm tra thí nghiệm định kỳ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, công tác đo thông số vận hành giờ cao điểm cũng đã được thực hiện đầy đủ. Điện lực Lập Thạch cũng đã khắc phục thay, hoán chuyển các trạm biến áp vận hành đầy vả quá tải bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục.
 
Ngoài ra, Điện lực Lập Thạch còn lập  phương án và tổ chức diễn tập xử lý sự cố trên lưới do đơn vị quản lý; khảo sát, lập phương án và chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng cho các vị trí chuyển đổi phương thức cấp điện trở lại cho các phụ tải bằng cách chuyển nguồn cấp điện từ các lộ đường dây 0,4kV khác của các trạm biến áp.  Duy trì mối liên lạc thống nhất, trực tuyến giữa trực vận hành Điện lực và ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện; kịp thời điều chỉnh phương án cấp điện hoặc biện pháp xử lý khi có sự thay đổi kế hoạch, phát sinh tình huống mới, sự cố bất khả kháng.

Link gốc 
Theo: Báo Vĩnh Phúc