Tin trong nước

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát phong trào văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động tại PC Hưng Yên

Thứ hai, 18/11/2024 | 09:48 GMT+7
Thực hiện kế hoạch số 161/KH-TLĐ, ngày 08/11/2024 về việc Nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng phong trào Văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chiều ngày 15/11/2024, Công đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp Tổ nghiên cứu đề án Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức khảo sát phong trào văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động tại Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên). 

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham dự chương trình làm việc và khảo sát có bà Hồ Thị Kim Ngân- Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Lê Ngọc Dũng- Phó Trưởng ban chính sách pháp luật (CSPL); ông Trần Thế Dương- Chuyên viên ban CSPL Công đoàn Điện lực Việt Nam. Về phía Công ty Điện lực Hưng Yên có ông Phùng Đại Cát- Phó Giám đốc PC Hưng Yên, ông Nguyễn Việt Phương- Chủ tịch Công đoàn Công ty, cùng các lãnh đạo phòng ban PC Hưng Yên tham dự. 

Công đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp Tổ nghiên cứu đề án Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nghiên cứu, khảo sát 02 đơn vị trực thuộc Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc là PC Hưng Yên và PC Bắc Ninh. Tại buổi làm việc tại PC Hưng Yên, ông Nguyễn Việt Phương- Chủ tịch Công đoàn Công ty đã báo cáo khái quát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động về an toàn lao động. PC Hưng Yên với ngành nghề sản xuất (quản lý lưới điện), kinh doanh điện năng; xây dựng và cải tạo lưới điện phân phối, … Tổng số lao động là 868, với lao động nam là 646 và lao động nữ là 222; Số đoàn viên công đoàn là 868 đoàn viên công đoàn người lao động; Tổng số an toàn vệ sinh viên hiện nay là 54. Công ty luôn duy trì khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các năm định kỳ 2 lần cho người lao động. PC Hưng Yên thực hiện đúng chính sách, cam kết và những quy trình về công tác an toàn, vệ sinh lao động của lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị, người sử dụng lao động. Công ty áp dụng chung các quy định, quy trình về ATVSLĐ của Tập đoàn, Tổng công ty phù hợp với mô hình, tính chất đặc điểm của đơn vị. Công ty có xây dựng ban hành đầy đủ các quy trình, quy định, hướng dẫn về ATVSLĐ cho các khu vực máy, thiết bị (lưới điện, thiết bị điện), thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, các trang bị phương tiện. Tổ chức phổ biến, huấn luyện cho người lao động, niêm yết, lưu giữ tại các bộ phận phù hợp đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng và học tập. Các quy định thường xuyên được rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện phù hợp với đặc điểm hiện tại.
 
Phát biểu tại buổi làm việc bà Hồ Thị Kim Ngân- Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trao đổi cụ thể về mô hình hay, cách làm tốt về văn hóa an toàn lao động tại PC Hưng Yên. Đại diện PC Hưng Yên chuyên môn đã trình bày tổ chức, bộ máy làm công tác AT-VSLĐ, phân công trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của những người có liên quan trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ (Quyết định số 2706/QĐ-PCHY ngày 25/11/2019, về việc kiện toàn lại Hội đồng AT-VSLĐ); Quy định trách nhiệm các đơn vị, cá nhân về công tác ATVSLĐ trong quy định mô hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ các đơn vị thuộc Công ty. PC Hưng Yên ưu tiên đầu tư, bố trí nguồn lực cho việc thực hiện công tác ATVSLĐ; mua sắm trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, công cụ dụng cụ, ứng dụng công nghệ, … nâng cao năng suất lao động; chỉnh trang 5S cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Công ty có quy định rõ về trách nhiệm phối hợp giữa Công đoàn và người sử dụng lao động trong quản lý và thực hiện công tác ATVSLĐ.

Về văn hóa an toàn, Công ty có hệ thống văn bản về công tác tổ chức, triển khai xây dựng văn hóa an toàn gắn liền với văn hóa doanh nghiệp, đó là các văn bản của Tổng Giám đốc và BTV Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc, quyết định số 172/QĐ-PCHY về việc Thành lập ban chỉ đạo “Năm văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động”; Quy chế tổ chức hoạt động và chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo “Năm văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động” Công ty Điện lực Hưng Yên. Ban hành kèm theo Quyết định số 498/QĐ-PCHY ngày 25/3/2014 của Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên; Quyết định số 393/QĐ-PCHY ngày 27/02/2014 của Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên, Về việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị; Kế hoạch số 173/KH-PCHY-CĐ ngày 25/01/2014 của Giám đốc và BTV Công đoàn Công ty  Điện lực Hưng Yên, Chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết liên tịch của Tổng Giám đốc và BTV Công đoàn Tổng công ty Điện lực Miền Bắc về chương trình hành động “Năm văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động”; Quy định số 451/QĐ-PCHY ngày 18/3/2014 của Công ty Điện lực Hưng Yên; Quy định về hòm thư góp ý phục vụ công tác thực hiện dân chủ tại nơi làm việc và an toàn lao động, ...
 

Ông Nguyễn Việt Phương- Chủ tịch Công đoàn PC Hưng Yên trình bày những nội dung về các nội dung của văn hóa an toàn.

Cùng với đó, PC Hưng Yên cũng lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản. Với mục tiêu, trang bị đầy đủ PTBVCN, công cụ, dụng cụ cho người lao động, tăng năng suất lao động, không ngừng cải thiện điều kiện lao động. Căn cứ quy định của Nhà nước hiện hành (Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), quy định công tác an toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Quyết định số 1221/QĐ-EVN ngày 09/9/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; căn cứ kế hoạch sản xuất hàng năm, Công ty Điện lực Hưng Yên lập kế hoạch ATVSLĐ. Trong quá trình thực hiện, Công ty có căn cứ vào thực tiễn và tình hình thực tế, tham khảo ứng dụng công nghệ mới, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ATVSLĐ đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất, không ngừng cải thiện điều kiện lao động.

PC Hưng Yên là đơn vị luôn tích cực thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Định kỳ hàng quý Công ty tổ chức đối thoại giữa đại diện Người lao động và Người sử dụng lao động, giải quyết kịp thời các ý kiến kiến nghị về công tác ATVSLĐ (ý kiến về trang bị dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân; sửa đổi quy định trong quy trình; sửa đổi quy định về thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với công việc trên lưới điện). Công ty tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ công nhân viên về ý thức an toàn lao động, thực thi văn hoá doanh nghiệp, kỷ luật trong lao động; Tăng cường trao đổi, lắng nghe giữa lãnh đạo, đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên và CBCNV về công tác an toàn lao động, để người lao động được tham gia nhiều hơn trong việc đưa ra các chính sách và giải pháp đối với công tác an toàn lao động, tạo niềm tin cho người lao động khi họ là một phần trong nỗ lực đảm bảo an toàn lao động. 

Ngoài ra Công ty phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh ở địa phương, các cá nhân, hộ gia đình về an toàn sử dụng điện, an toàn hành lang lưới điện ngăn ngừa sự cố, tai nạn do vi phạm hành lang lưới điện trong sử dụng điện. Hàng năm, Công ty đã phối hợp với cơ quan chức năng đo quan trắc môi trường, thông báo kết quả và tổ chức khắc phục kịp thời các mẫu không đạt tiêu chuẩn. Cơ chế tiếp nhận, xem xét, xử lý các thông tin, phản hồi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, an toàn vệ sinh viên, công đoàn cơ sở được thông qua nhiều hình thức và nhiều kênh: sổ theo dõi kiến nghị về ATVSLĐ, tiếp xúc của lãnh đạo và công đoàn với cơ sở, qua đối thoại, qua zalo, … Mọi thông tin liên quan đến công tác ATVSLĐ, môi trường làm việc, sức khỏe người lao động đều được công khai, kịp thời. Công ty duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ huấn luyện, kiểm tra kiến thức AT-VSLĐ theo quy định huấn luyện, kiểm tra 3 bước đối với người lao động từ khi tuyển dụng vào làm việc tại Công ty và công nhân viên điều chuyển, thay đổi vị trí công việc. 

Ngoài huấn luyện định kỳ, Công ty xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện theo các chuyên đề: Bơi lội, sơ cấp cứu người bị điện giật, sử dụng phương tiện PCCC cho CBCNV. Phân cấp cho các đơn vị huấn luyện kỹ năng thực hiện các công việc: dựng cột, lắp xà, kéo dây, treo tháo công tơ, thực hành PCT, LCT và các biện pháp kỹ thuật an toàn khi thực hiện công việc trên lưới điện...  tại hiện trường Điện lực Văn Lâm, Ân Thi.
 
Ông Lê Ngọc Dũng- Phó Trưởng ban chính sách pháp luật Công đoàn EVN trao đổi với PC Hưng Yên các nội dung về văn hóa an toàn.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Lê Ngọc Dũng- Phó Trưởng ban chính sách pháp luật (CSPL) Công đoàn EVN có trao đổi về nội dung sự tham gia của công đoàn cơ sở vào công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho đoàn viên, người lao động. Tại đây, ông Dũng ghi nhận sự sát sao, tích cực của Công đoàn PC Hưng Yên vào văn hóa an toàn cùng người lao động. Công đoàn PC Hưng Yên đã tham gia xây dựng các quy định về ATVSLĐ của đơn vị (cải thiện môi trường, chế độ khen thưởng, xây dựng kế hoạch ATVSLĐ…); Tham gia tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ; Tổ chức giám sát, tham gia kiểm tra tại hiện trường, kiểm tra tổng thể về ATVSLĐ, …; Tham mưu tổ chức các phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp; Bảo đảm ATVSLĐ”. Công đoàn tham mưu xây dựng mạng lưới ATVSV với tổng số 54 người và theo dõi, quản lý mạng lưới ATVSV. ATVSV hoạt động theo quy chế chung của Tổng công ty (Quyết định số 2789/QĐ-EVNNPC ngày 21/11/2023). Công đoàn cũng tổ chức đầy đủ các buổi để lấy ý kiến xây dựng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể chung của Tổng công ty; Duy trì tổ chức đối thoại tại nơi làm việc các nội dung về điều kiện làm việc, ATVSLĐ. 

Chính quyền phối hợp với các đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên tổ chức phổ biến, quán triệt đến từng CBCNV các nội dung văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa an toàn, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, PCCC&CNCH; trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, QT, QP, biện pháp đảm bảo an toàn. Các đơn vị trực thuộc PC Hưng Yên đã tổ chức ký cam kết các nội dung theo yêu cầu trong kế hoạch triển khai đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn. Chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên tổ chức tọa đàm về AT-VSLĐ, nhận diện mối nguy và quản lý rủi ro ngoài lĩnh vực an toàn cần mở rộng tới các lĩnh vực khác như đời sống gia đình, kinh doanh, tài chính, QLKT, tổ chức... để tạo nét văn hóa phòng ngừa rủi ro trong hoạt động SXKD gắn liền với văn hóa doanh nghiệp.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh một số điểm PC Hưng Yên cần phát huy hơn nữa, đó là: Đơn vị nên tổ chức đa dạng hơn các  hình thức tuyên truyền, nói chuyện, tọa đàm rút kinh nghiệm các vụ tai nạn lao động trong Tổng công ty và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động với quy mô toàn Công ty. Công đoàn, Đoàn thanh niên, xây dựng Đoàn thanh niên là nòng cốt trong các hoạt động phong trào tuyên truyền về AT-VSLĐ. Thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, các văn bản chỉ đạo về AT-VSLĐ tới 100% CBCNV; tuyên truyền ý thức chấp hành kỷ luật lao động, chấp hành quy trình quy phạm an toàn, chấp hành luật giao thông, không sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đối với các lao động mới, Công ty duy trì huấn luyện kỹ càng, chi tiết an toàn điện, đào tạo lại tay nghề, kỹ năng làm việc khi ký hợp đồng, văn hóa an toàn. Các nội dung đề cương chương trình, tài liệu huấn luyện được rà soát, chỉnh lý bổ sung cho phù hợp để nâng cao hiệu quả tại đơn vị. 
 

Huế Vũ