Hàng tháng, Điện lực Thọ Xuân đều tổ chức họp triển khai, đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số.
Theo đó, công tác quản trị văn phòng, kỹ thuật, cũng như công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp số, góp phần cùng Chính phủ thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Điện lực Thọ Xuân hiện đang quản lý vận hành khối lượng 400TBA/403 máy đang vận hành trên lưới với tổng dung lượng 84.625 kVA; 13 lộ đường dây trung áp từ 6 đến 35kV với tổng chiều dài 290,01 km và bán điện trực tiếp đến 27.166 khách hàng. Thời gian qua, để tiếp tục hoàn thành suất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao, Điện lực đã nỗ lực đẩy nhanh triển khai lộ trình chuyển đổi số của ngành Điện.
Cụ thể, trong công tác Văn phòng, Điện lực Thọ Xuân đã và đang áp dụng hệ thống Digital – Office, trong đó 100% báo cáo được luân chuyển dưới dạng điện tử, ký số văn bản ban hành. Đơn vị cũng đã hoàn thành kết nối giữa hệ thống văn phòng số (Digital Office) với trục liên thông văn bản trong đơn vị và cấp trên, không sử dụng văn bản giấy.
Bên cạnh đó, Điện lực Thọ Xuân cũng tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực kỹ thuật thông qua ứng dụng sổ nhật ký điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và quản lý hồ sơ dự án điện tử. Trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả thiết bị, đơn vị đã triển khai áp dụng sửa chữa theo phương pháp tiến tiến như RCM (bảo dưỡng theo độ tin cậy) đối với hệ thống lưới điện và CBM (bảo dưỡng theo điều kiện) đối với lưới điện. Ngoài ra, Điện lực Thọ Xuân còn đưa vào ứng dụng các thiết bị hiện đại như: Camera nhiệt, flycam để phục vụ kiểm tra hệ thống điện được thuận tiện, an toàn.
Riêng trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Điện lực Thọ Xuân xác định chuyển đổi số sẽ mang lại tối đa các tiện ích cho khách hàng sử dụng điện. Do vậy đến nay, đơn vị đã lắp đặt công tơ điện tử đạt trên 90% tổng số công tơ trên lưới và coi đây là cơ sở quan trọng để thu thập và khai thác dữ liệu phục vụ khách hàng. Nhờ sử dụng công tơ điện tử đo xa, việc ghi chỉ số được thực hiện hoàn toàn tự động đã không chỉ giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động. Đồng thời, việc ghi chỉ số được chính xác, góp phần tăng năng suất lao động, mà còn giúp khách hàng sử dụng điện thuận tiện trong việc theo dõi lượng điện tiêu thụ và hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình qua App EVNNPC.CSKH đã được Điện lực tích cực tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn khách hàng cách cài đặt cũng như cách sử dụng. Điều này giúp minh bạch hóa đơn tiền điện và giúp khách hàng chủ động sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất.
Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến, kết nối đa kênh, đa nền tảng trên môi trường số, giúp khách hàng sử dụng điện có thể đăng ký dịch vụ, kết nối với ngành Điện mọi lúc, mọi nơi. Theo đó, Điện lực Thọ Xuân triển khai trải nghiệm số để, chăm sóc theo hướng “cá nhân hóa, tự động hóa” đến từng khách hàng, luôn lắng nghe, thấu hiểu trong quá trình xử lý thông tin. Đặc biệt, Điện lực cũng đã phổ biến và hướng dẫn khách hàng về việc kết nối với ngành điện thông qua các nền tảng: Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Kết nối với ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money, trung tâm hành chính công và cổng dịch vụ công tỉnh…
Công nhân Điện lực Thọ Xuân sử dụng thiết bị flycam để kiểm tra hệ thống lưới điện.
Chia sẻ về công tác chuyển đổi số của đơn vị, ông Lê Xuân Hùng - Giám đốc Điện lực Thọ Xuân, cho biết: Được sự chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện Lực Thanh Hoá, tất cả các công tác nghiệp vụ của Điện lực về mảng kinh doanh, kỹ thuật đều đã được áp dụng các ứng dụng, phần mềm chuyển đổi số. Ví dụ, trong công tác kinh doanh thì hiện nay, các hồ sơ lưu trữ đã được lưu trữ điện tử và đăng ký mua điện cũng mua qua áp điện tử; Điện lực Thọ Xuân cũng đã lắp được trên 90% công tơ điện tử và không phải đi thu thập dữ liệu tại nhà như trước kia. Điều này, đã giúp cho đơn vị giảm được thời gian, nhân công. Về kỹ thuật, tất cả công tác kiểm tra định kỳ đến sửa chữa lưới điện đều được lưu trữ trên hệ thống điện tử và theo dõi trên hệ thống phần mềm, quá trình thi công sửa chữa, đầu tư, nâng cấp cải tạo hệ thống điện đều có các phương tiện, máy móc hiện đại hỗ trợ nhằm nâng cao tính chính xác, an toàn và đẩy nhanh tiến độ...
Có thể khẳng định, việc thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số tại Điện lực Thọ Xuân đã không chỉ mang đến cho khách hàng sử dụng điện tối đa các tiện ích, góp phần vào công cuộc xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, mà còn thúc đẩy, thay đổi mạnh mẽ trong quản trị và sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả trong các hoạt động của đơn vị, tạo sức bật lớn trên hành trình phát triển.
Link gốc