Nguồn điện ổn định góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Văn Khởi, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh cho biết: Đến nay gia đình đã hoàn thành thả giống thủy sản trên 3.000m2 và đang tập trung chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Những ngày qua, tình trạng nắng nóng dẫn đến việc sử dụng điện chạy động cơ tạo ôxy cho ao nuôi tôm tăng cao. Để bảo đảm nguồn điện ổn định, trước khi xuống giống thủy sản, gia đình ông Khởi đã thực hiện cải tạo, thay thế hệ thống dây tải điện, kiểm tra aptomat đáp ứng yêu cầu trong nuôi thủy sản.
Cũng như ông Khởi, anh Đỗ Văn Thiểm, xã Đông Trà có giải pháp tiết kiệm điện mà vẫn bảo đảm chạy hệ thống quạt sục ôxy cho tôm phát triển tốt. Anh Thiểm chia sẻ: Thời gian qua, tôi đã nghiên cứu, tính toán lại diện tích ao giảm từ 6 giàn quạt oxy xuống còn 4 giàn phù hợp với diện tích ao. Đồng thời sử dụng các giàn quạt đặt thẳng hàng nhưng quay ngược chiều nhau nhằm tạo luồng nước đẩy thức ăn cho tôm. Cách này làm giảm số lượng giàn quạt, do đó giảm chi phí đầu tư động cơ, quạt và nhất là giảm tiêu thụ điện năng.
Ông Vũ Huy Hà, Giám đốc Điện lực Tiền Hải cho biết: Trước đây, hạ tầng lưới điện tại các địa phương ven biển còn hạn chế, nhiều hộ nuôi thủy sản, đặc biệt nuôi tôm sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có hiệu suất thấp, tiêu thụ điện năng cao dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cung cấp điện cho nuôi trồng thủy sản. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Điện lực Tiền Hải đã đầu tư các dự án, công trình xây dựng hệ thống lưới điện để bảo đảm cấp điện phục vụ phát triển công nghiệp, cũng như nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao tại các xã ven biển. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm, vận động nhân dân phát triển nuôi tôm đúng với quy hoạch mà huyện đã đề ra nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư lưới điện được đồng bộ và bảo đảm kỹ thuật hơn. Đến nay, hệ thống lưới điện huyện Tiền Hải đã đáp ứng tốt trong sản xuất công nghiệp, sinh hoạt cũng như nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có 454 trạm biến áp, 193.808kVA; 314,56km đường dây trung áp, 1.086,65km đường dây hạ áp. 100% số xã có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Bước vào vụ nuôi thả thủy sản, hàng năm ngành điện đã tiến hành kiểm tra các vị trí xung yếu dễ mất an toàn trong vận hành và có phương án sửa chữa, xử lý kịp thời các thiết bị trên lưới điện, xử lý các trường hợp có nguy cơ vi phạm an toàn hành lang tuyến. Liên tục theo dõi đo điện áp, sang tải đối với các trạm biến áp đầy tải, non tải nhằm chống quá tải lưới điện, bảo đảm chất lượng điện cung cấp cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Tổ chức vệ sinh trạm biến áp và tiến hành kiểm tra định kỳ, thường xuyên duy tu bảo dưỡng, từ đó phòng tránh được những ẩn họa bất thường. Đồng thời ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện trong quá trình nuôi thủy sản. Trong đó, một số công trình được cải tạo như: cấy trạm biến áp chống quá tải tại 4 xã Nam Thắng, Nam Hải, Đông Xuyên, Tây Giang. Nâng cấp đường dây 975A36 lên 22kV; sửa chữa đường dây 971 trung gian Nam Thanh và các nhánh đường dây tại xã Nam Trung, Nam Hưng, vùng nuôi thủy sản xã Nam Phú...
Theo báo cáo trong tháng 5, sản lượng điện tiêu thụ ở Tiền Hải đã tăng đáng kể, điện thương phẩm ước đạt 29,658 triệu kWh, tăng 5% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh những giải pháp cụ thể để bảo đảm việc cung ứng điện trong sản xuất nông nghiệp, Điện lực Tiền Hải mong muốn người dân, các cơ quan, doanh nghiệp hãy cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả bằng cách hạn chế sử dụng dây chuyền thiết bị công nghệ có công suất lớn vào giờ cao điểm, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết. Các hộ nuôi thủy sản dùng dàn quạt nước tạo ôxy bằng động cơ điện cần chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, hạn chế sử dụng các động cơ cũ, sử dụng nhiều năm. Tận dụng điều kiện lưới điện để sử dụng động cơ điện cho phù hợp. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn cho lưới điện phục vụ sinh hoạt cũng như trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.