Điện lực Trà Vinh đã có nhiều biện pháp làm tốt công tác an toàn, BHLĐ, những năm qua không để xảy ra tai nạn lao động. Đến nay điện lưới đã kéo về 100% xã phường, thị trấn và có hơn 90% số hộ dân của tỉnh Trà Vinh có điện lưới quốc gia. Với địa bàn quản lý vận hành hệ thống điện rộng và đi vào tận vùng sâu, vùng xa, một số nơi việc đi lại còn khó khăn. Đây cũng chính là những khó khăn, thách thức. Mục tiêu phấn đấu của Điện lực Trà Vinh phải “đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục” đi đôi với “đảm bảo tuyệt đối an toàn trong sản xuất kinh doanh”.
Với quyết tâm “đơn vị không xảy ra tai nạn lao động nào dù là nhẹ”, doanh nghiệp đã thành lập hội đồng BHLđ gồm 9 thành viên, do Giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở làm Phó Chủ tịch Hội đồng, cùng một số thành viên khác, thực hiện chức năng tham gia và tư vấn về các hoạt động BHLĐ ở doanh nghiệp, để đảm bảo quyền được tham gia và kiểm tra giám sát về BHLĐ của tổ chức Công đoàn. Mạng lưới ATVSV được đơn vị thành lập và thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư liên bộ. Cán bộ người làm công tác an toàn chuyên trách có trình độ kỹ sư hoặc Trung cấp điện có kinh nghiệm công tác thực tế nhiều năm, được trang bị khá tốt về nghiệp vụ KTAT - BHLĐ và am hiểu hoạt động mạng lưới ATVSV. Có 52 ATVSV được huấn luyện nghiệp vụ 2 lần/ năm, được động viên về mặt vật chất và tinh thần, đã góp phần tích cực trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh, cháy nổ trong quá trình sản xuất. Hàng năm tổ chức ôn tập, kiểm tra sát hạch định kỳ qui trình, qui phạm KTAT cho 100% người lao động gồm các hình thức: Trắc nghiệm trên máy vi tính, vấn đáp trực tiếp và thực hành nghề nghiệp. Các nhân viên mới vào nhận công tác đều phải thực hiện đầy đủ chế độ huấn luyện 3 bước, sau mỗi bước huấn luyện đều có kiểm tra viết và vấn đáp, sau khi đạt yêu cầu bước 2 được cấp thẻ an toàn và sau khi đạt yêu cầu bước 3 mới được phân công tác.
Hàng năm có xây dựng kế hoạch BHLđ, với đầy đủ 05 nội dung theo Thông tư liên bộ, có đầy đủ hạng mục, chi phí và phân công trách nhiệm cụ thể thực hiện. Doanh nghiệp cân đối vốn và tổ chức thực hiện kịp thời trong năm đáp ứng tốt yêu cầu công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Chi phí thực hiện công tác BHLđ bình quân hàng năm gần 900 triệu đồng tập trung nhiều vào biện pháp kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Doanh nghiệp còn tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra chéo giữa các đơn vị về thực hiện các biện pháp đảm bảo AT-VSLĐ. Thông qua các cuộc kiểm tra, Ban Giám đốc, cán bộ an toàn chuyên trách và các thành viên Hội đồng BHLĐ đã ban hành chỉ thị, yêu cầu các đơn vị kịp thời khắc phục những mặt yếu, khâu yếu trong việc thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật và an toàn lao động, nhất là phát hiện, ngăn chặn những hiện tuợng có nguy cơ gây mất an toàn trong sản xuất. Trao đổi với đ/c Phạm Hữu Đồng - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Trà Vinh, Trưởng phòng KTAT-BHLĐ cho biết: Để thực hiện tốt công tác BHLĐ, trước hết phải tạo được môi trường làm việc; huấn luyện kiến thức AT-VSLĐ cho người lao động và điều quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, để các quy trình, quy phạm thấm vào từng người lao động; tạo ý thức cho người lao động chấp hành tốt các quy trình về KTAT-BHLĐ. Bên cạnh đó không thể thiếu biện pháp xử lý nghiêm khắc các sai phạm, từ đó tạo nên tác phong cho người lao động chấp hành nghiêm các quy trình về AT-VSLĐ.
Hiệu quả của công tác KTAT-BHLĐ đã tạo niềm tin, sức mạnh, lòng nhiệt huyết và sự đoàn kết của người lao động hướng về cùng mục tiêu “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thúc đẩy SXKD ổn định phát triển đi lên bền vững, để cùng nhau đưa bài ca “An toàn bảo hộ lao động” ngân vang trên mọi công trình.
Theo Bản tin CĐ T5/08