Công nhân PC Kiêng Giang kéo điện phục vụ cho vùng nông thôn trên địa bàn.
Ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang (PC Kiên Giang) - cho biết, ngành điện Kiên Giang là một trong những đơn vị đã đầu tư nhiều kinh phí và tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới và đã đạt được nhiều tiêu chí về điện cho vùng nông thôn trên địa bàn.
Hiện tại, PC Kiên Giang đã cung cấp điện trực tiếp đến 282.000/506.000 khách hàng thuộc khu vực nông thôn, chiếm trên 56% tổng số khách hàng đang quản lý. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 145/145 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ dân có điện là 425.992/428.795 hộ, đạt tỷ lệ 99,35%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 306.954 hộ, đạt tỷ lệ 99,23%.
Chỉ riêng Dự án Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, từ năm 2012 đến nay, PC Kiên Giang đã đầu tư hơn 287 tỷ đồng xây dựng hơn 290 km đường dây trung thế, hơn 806 km đường dây hạ thế và 379 trạm biến áp (tổng dung lượng 4.900 kVA). Nhờ đó đã cấp điện lưới quốc gia cho 15.096 hộ dân chủ yếu là nông thôn nằm rải rác tại nhiều khu vực ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Theo ông Hứa Thanh Nhàn, trong năm nay, dự kiến sản lượng điện thương phẩm của PC Kiên Giang sẽ đạt 2.730 triệu kWh, tăng 186 triệu kWh so với năm 2019. PC Kiên Giang hiện được giao quản lý, vận hành hệ thống lưới điện với 5.401,4km đường dây trung thế, 7.604,5km đường dây hạ áp và 12 trạm biến áp 110kV với tổng công suất 708MVA.
Trong những năm tới, ngành điện tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống điện đầu nguồn, đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV thuộc Dự án quy hoạch phát triển điện lực tỉnh (giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến năm 2035). Trong đó, đặc biệt ưu tiên xây dựng và phát triển mạng lưới điện để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn trên đia bàn.
Xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng là “vùng sâu” của tỉnh Kiên Giang, nhu cầu sử dụng điện lưới quốc gia của người dân nơi đây là bức thiết, nhưng ước mong này của họ hiện đã là quá khứ.
Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp Xẻo Kè A, xã Thạnh Yên cho biết, còn nhớ trước đây, người dân Thạnh Yên phải xài đèn dầu thắp sáng, đường đất thì lầy lội, đời sống của người dân rất cơ cực. Năm 1997, khi điện lưới quốc gia kéo về đây khiến cuộc sống của người dân Xẻo Kè A “bừng sáng”, nhiều gia đình sắm ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, quạt máy không thưa gì dân thành phố.
Ông Tâm nói thêm, từ khi có điện đến nay, những tuyến đường liên ấp, liên xã ở Thạnh Yên được đổ bê tông rộng rãi và sáng đèn hàng đêm. Các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố, giúp đời sống người dân từng bước được cải thiện, khá dả hơn thấy rõ rệt.
Ông Trần Thanh Cường - Chủ tịch UBND xã Thạnh Yên - chia sẻ, từ khi có điện lưới quốc gia, ngoài phát triển nông nghiệp, xã Thạnh Yên còn chú trọng phát các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cụ thể, toàn xã hiện có hơn 50 cơ sở tiểu thủ công nghiệp như sản xuất nước đá, nước uống đóng chai, sửa chữa cơ khí, tăng 30 cơ sở so năm 2010. Toàn xã còn có 480 cơ sở sản xuất kinh doanh khác, tăng 123 cơ sở so năm 2011, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động tại địa phương.
Điện lưới quốc gia không chỉ giúp người nông dân ở Kiên Giang trong việc sản xuất nông nghiệp, mở mang thêm nghề thủ công mà còn thúc đẩu hoạt động nuôi tôm công nghiệp. Ông Phạm Văn Phương, ngụ ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương thông tin, từ khi có điện 3 pha, tôi chuyển nuôi tôm bán thâm canh sang nuôi tôm công nghiệp. Nhờ vậy, mỗi vuông tôm rộng từ 3.000 - 4.000m2 sản lượng đã đạt 4,5 - 5 tấn tôm /vuông/vụ, tăng từ 1 - 1,5 tấn/vuông so sử dụng máy phát điện hay máy dầu.
Hiện nay tỉnh Kiên Giang đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/năm để đáp ứng nhu cầu về điện cho nông dân nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Ông Hứa Thanh Nhàn cho biết, kế hoạch cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh đã được cải thiện rất lớn. Tình trạng quá tải cục bộ trạm biến áp và đường dây dẫn điện đã khắc phục, góp phần hỗ trợ bà con giảm chi phí so với sử dụng xăng, dầu dùng cho máy nổ như trước đây và hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Link gốc