Công nhân Điện lực Hương Sơn (Hà Tĩnh) kiểm tra tình trạng sử dụng điện của khách hàng
Với nhiều người chỉ vì hám lợi trước mắt mà không lường trước được những tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, chập điện, dẫn đến cháy, nổ, nguy hiểm cho chính mình và cả cộng đồng...
Hành vi trộm cắp điện không chỉ gây tổn thất điện năng, thiệt hại tài sản mà nguy hiểm hơn hành vi trộm cắp điện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Đáng nói là gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng này liên tục xảy ra.
Theo đại diện PC Hà Tĩnh, mặc dù tình trạng trộm cắp điện đã giảm so với những năm trước, nhưng vẫn còn gây "đau đầu" cho ngành điện. Tính đến đầu tháng 7/2020, Điện lực Hà Tĩnh đã phát hiện và xử lý trên 55 vụ khách hàng gian lận sử dụng điện (giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng sản lượng điện truy thu, bồi thường là trên 98.806 kWh, tương đương trên 314,5 triệu đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019).
3 vụ việc liên tiếp vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang, buộc phải bồi thường hơn 72 triệu đồng. Cụ thể ngày 10/8, khi kiểm tra hệ thống điện sinh hoạt của gia đình bà Võ Thị L đã phát hiện gia đình bà L có hành vi câu móc trực tiếp không qua hệ thống đo lường để sử dụng điện sinh hoạt, buộc bà L phải bồi thường 1.912 kWh, tương đương 6.156.066 đồng.
Trước đó, ngày 8/8, Điện lực Hương Sơn cũng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và bắt quả tang 2 khách hàng là Phạm Thế C và Phạm N đều ở xã An Hòa Thịnh với thủ đoạn đảo cực tính hệ thống đo lường để lấy trộm điện sử dụng sinh hoạt. Sau khi tính toán, tổ kiểm tra đã buộc gia đình ông C phải bồi thường 18.093 kWh, tương đương số tiền 58.254.032 đồng và hộ ông N bồi thường 2.526 kWh, tương đương số tiền 8.132.962 đồng.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Điện lực Hương Sơn - cho biết, với các hành vi như trên, chúng tôi đã xử phạt hành chính, đồng thời bắt buộc các khách hàng ký cam kết không tái phạm.
Vấn đề chúng tôi quan tâm không phải là lập được nhiều biên bản vi phạm yêu cầu khách hàng bồi thường mà ở việc ngăn chặn không để tình trạng vi phạm sử dụng điện tràn lan gây tổn thất điện năng, thất thoát tài chính - tài sản của nhà nước. Đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn điện trong dân, chạm chập lưới điện ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trên địa bàn - ông Dũng nói thêm.
Dây cáp vặn xoắn bị một số khách hàng khoan lỗ nhỏ để thực hiện câu móc ăn trộm điện
Tình trạng này còn diễn ra trên nhiều địa phương điển hình như, Điện lực huyện Kỳ Anh tiến hành xử lý 17 vụ, số điện năng truy thu là 24.132 kWh, tương đương 75,6 triệu đồng; Điện lực Cẩm Xuyên với 14 vụ, số điện năng truy thu là 22.709 kWh, tương đương 73,1 triệu đồng; Điện lực Thạch Hà 6 vụ với số điện năng truy thu là 7.452 kWh, tương đương 24 triệu đồng…
Đặc biệt, có những vụ vi phạm sử dụng điện rất tinh vi, phức tạp, gây khó khăn trong phát hiện và xử lý với sản lượng gian lận lớn như: Điện lực Đức Thọ có vụ bồi thường đến 27,4 triệu đồng; Điện lực Cẩm Xuyên có vụ bồi thường đến 22,5 triệu đồng; Điện lực Kỳ Anh có vụ bồi thường đến 19,17 triệu đồng; Điện lực Nghi Xuân có vụ bồi thường đến 11,4 triệu đồng…
Cũng theo Điện lực Hà Tĩnh, các trường hợp lấy cắp điện chủ yếu là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, trình độ hiểu biết còn hạn chế, tự ý đấu nối để sử dụng điện; trường hợp thứ 2 là khách hàng là doanh nghiệp sử dụng sản lượng điện lớn để phục vụ sản xuất kinh doanh tự ý đấu nối điện để sử dụng điện không mất phí.
Hành vi trộm điện phổ biến là phá chì niêm phong tại công tơ rồi nối dây trước công tơ kéo về nhà, có trường hợp câu móc trực tiếp trên lưới hạ thế, có trường hợp lấy điện từ aptomat tổng của trạm biến áp. Điều này khiến đối tượng đấu nối, câu móc điện rất có thể xảy ra tai nạn điện bất cứ lúc nào, đồng thời gây sự cố lưới điện, làm gián đoạn việc cấp điện cho khách hàng.
Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, ngành điện cũng tăng cường kiểm tra công tơ khách hàng nếu có dấu hiệu nghi ngờ để kịp thời phát hiện và xử lý; tiếp tục đưa các thiết bị chống gian lận sử dụng điện hiện đại vào hoạt động; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để tạo sức răn đe trong cộng đồng...
Link gốc