Tin trong nước

Điện lưới thay đổi diện mạo vùng sâu, vùng xa

Thứ hai, 23/3/2015 | 13:33 GMT+7
Tỉnh Tuyên Quang đã có trên 200.000 hộ, 100% số thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia. Ðiện về không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mà còn làm thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Có điện, đồng bào đầu tư máy móc để làm ăn.
 
Những ngày "khát" điện
 
Thôn Đá Bàn 1 và Đá Bàn 2, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, có gần 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, là 2 thôn khó khăn nhất của xã Mỹ Bằng. Trước đây, hai thôn này không có điện, cuộc sống gặp không ít khó khăn. "Khát" điện, người dân đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để có điện.
 
Trưởng thôn Đá Bàn I, anh Lê Chí Công chia sẻ: "Để được sử dụng điện, một số hộ trong thôn góp tiền tự kéo điện từ nơi khác về, chi phí lên tới gần trăm triệu đồng, nhưng do quãng đường xa, chất lượng dây điện kém, nên điện rất yếu, đến việc dùng điện thắp sáng còn khó, nghĩ gì đến việc mua sắm thiết bị. Một số hộ có điều kiện hơn lại mua máy nổ, máy dầu về chạy phát điện, nhưng chi phí cao, nên chỉ dùng cầm chừng. Một số hộ khác lại dùng tuabin nước để có điện, nhưng cũng chỉ dùng được trong mùa mưa".
 
Bà Lý Thị Mùi (68 tuổi), thôn Đá Bàn 1 nhớ lại: "Trước đây cả thôn không có điện, sáng tối chỉ có ngọn đèn dầu thắp thôi, khổ lắm! Năm 2007, 19 hộ gia đình trong thôn này quyết định góp tiền, người ít thì 1-2 triệu, người nhiều 4-5 triệu đồng để kéo điện từ huyện Yên Bình (Yên Bái) sang. Có điện về, gia đình tôi cũng dành dụm tiền mua tivi xem, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó có thêm nhiều hộ đấu nối thêm nên nguồn điện yếu đi, tivi bật cũng không lên 9nữa, bóng đèn thì tối um".
 
Luồng sinh khí mới
 
Về Đá Bàn hôm nay, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những con đường bê tông được nối dài dường như không có điểm cuối. Đặc biệt hơn, cũng không còn những cây tre, cọc gỗ dùng làm cột điện liêu xiêu bên đường nữa, thay vào đó là những trụ cột điện bê tông vững chắc, sừng sững với cánh tay xà sứ vươn ra đón sợi cáp điện. Một luồng sinh khí mới đang dần thay đổi mảnh đất cách mạng này.
 
Trưởng thôn Đá Bàn 2 Lý Văn Càng cho biết thêm, nhờ có Chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn Đá Bàn 2 đã được sử dụng điện. Có điện về, người dân xem được tivi và nghe đài, còn con em trong thôn có điều kiện học hành tốt hơn, cuộc sống bà con thay đổi nhiều. Không chỉ để thắp sáng, nhiều hộ trong thôn đã bắt đầu mua những thiết bị sử dụng điện phục vụ trong sản xuất và sinh hoạt. Nhiều việc trước đây phải làm thủ công vừa mất thời gian, chi phí cao, nay có điện về đều được làm bằng máy.
 
Ông Bùi Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết: Điện về đã tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội giúp xã Mỹ Bằng thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần đưa Mỹ Bằng trở thành một trong ba xã đầu tiên hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang.
 
Theo: Báo Tin tức