Điện mặt trời tại Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn, mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư

Thứ hai, 11/5/2020 | 16:34 GMT+7
Điện mặt trời - nguồn năng lượng tái tạo gần như vô tận đang được rất nhiều sự quan tâm của nhân dân, doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí năng lượng chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu, sản xuất kinh doanh. 

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ thuật Khải Hoàn.
 
Để có góc nhìn trực quan hơn về lắp đặt, sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), phóng viên (PV) đã có cuộc trò chuyện, trao đổi cùng ông Trần Nguyễn Bảo An - Phó Giám đốc Công ty Điện lực (PC) Đà Nẵng.
 
PV: Chào ông, đầu tiên xin cảm ơn ông đã đồng ý thực hiện cuộc trao đổi này. Xin ông cho biết đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng có hiệu quả không?
 
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng công bố tại Hội thảo tham vấn xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời (NLMT) cho TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ năng lượng mặt trời (NLMT) để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày. Như vậy, có thể thấy rằng NLMT tại Đà Nẵng có tiềm năng lớn, phù hợp với việc khai thác, sử dụng loại năng lượng này để phát triển trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai.
 
Trong năm 2018, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank, viết tắt WB), đơn vị tư vấn Effigis và Sở Công thương TP. Đà Nẵng thực hiện dự án đánh giá tiềm năng điện mặt trời lắp mái (Rooftop Solar - PV) trên địa bàn Đà Nẵng. Theo kết quả dự án tổng công suất điện mặt trời ước tính là 1.140 MW (trong đó 18% tiềm năng đến từ các tòa nhà công cộng, 30% đến từ các tòa nhà công nghiệp và 52% đến từ các tòa nhà dân cư), tổng điện năng điện mặt trời lắp mái hàng năm hơn 3.000 GWh/ năm, tương đương điện năng toàn thành phố Đà Nẵng năm 2018.
 
Việc đầu tư ĐMTMN mang lại những lợi ích thiết thực như: giảm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng, sản lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới được bán lại cho ngành điện. Với giá điện hiện nay, ước tính thời gian thu hồi vốn của dự án điện mặt trời mái nhà trung bình từ 4 đến 5 năm.
 
Bên cạnh đó, ĐMTMN còn góp phần giảm nóng cho phần mái nhà, giảm điện năng sử dụng máy lạnh cho tầng áp mái và tăng tính mỹ quan của tòa nhà, tăng giá trị bất động sản, nâng cao hình ảnh, thương hiệu thân thiện với môi trường cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khi tiên phong trong xu hướng sử dụng năng lượng sạch. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống này còn giúp doanh nghiệp đạt các tín chỉ bảo vệ môi trường, giảm lượng CO2 trên đầu sản phẩm tạo ra để hỗ trợ các tiêu chuẩn xuất khẩu (cho xưởng sản xuất), tạo hình ảnh du lịch sinh thái, tăng lượng khách du lịch (resort, khách sạn, vườn bảo tồn, …).
 
Như vậy, có thể nói điện mặt trời tại Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho nhà đầu tư.
 
PV: Xin ông nói thêm về giá bán điện mặt trời? Ngành điện thanh toán tiền mua điện mặt trời như thế nào?
 
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Đối với những hệ thống ĐMTMN nối lưới và ký hợp đồng trước 01/07/2019 thì được ưu đãi giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hàng năm. Giá điện 9,35 UScents/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh) có giá trị không đổi trong vòng 20 năm.
 
Còn đối với những hệ thống ĐMTMN có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2020 giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 8,34 UScents/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh) và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện.
 
Việc thanh toán tiền mua điện mặt trời căn cứ vào sản lượng điện được chốt qua công tơ và giá mua điện theo quy định.
 
Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn: hàng tháng PC Đà Nẵng sẽ thanh toán tiền điện theo hóa đơn do chủ đầu tư phát hành theo quy định.
 
Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn: hàng tháng, PC Đà Nẵng thực hiện chốt chỉ số 01 lần/tháng để thanh toán tiền điện cho hộ gia đình, tiền thanh toán không bao gồm VAT. Hàng năm hoặc sau khi kết thúc hợp đồng mua điện, căn cứ “Biên bản xác nhận chỉ số công tơ, điện giao nhận và tiền điện thanh toán” hai bên sẽ thực hiện quyết toán tiền thuế VAT theo quy định (nếu có) tại văn bản 1534/BTC-CST ngày 31/01/2019 của Bộ Tài chính.
 
Đến nay, PC Đà Nẵng đã và đang thanh toán hơn 7 tỷ đồng tiền điện mặt trời mua lại từ ĐMTMN của các hộ gia đình, doanh nghiệp.
 
PV: Còn về chi phí đầu tư điện mặt trời đối với hộ gia đình, thưa ông?
 
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Công suất hệ thống điện năng lượng mặt trời phụ thuộc nhu cầu của mỗi hộ gia đình, doanh nghiệp. Thông thường đối với hộ gia đình nhỏ, công ty nhỏ có thể đầu tư hệ thống điện năng lượng từ 1,5 đến 8 kWp. Suất đầu tư khoảng 20 triệu – 25 triệu/kWp với thiết bị từ các hãng có thương hiệu và uy tín trên thế giới. Trung bình mỗi 01 kWp tạo ra được 4,89 kWh/ngày.
 
PV: Khi mất điện lưới, hệ thống ĐMTMN có dùng được không? Tăng giảm thiết bị điện có ảnh hưởng đến hệ thống không?
 
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Đối với hệ thống ĐMTMN không dùng ắc quy thì về mặt kỹ thuật, khi lưới điện cúp, hệ thống sẽ không thể đo các thông số từ điện lưới nên từ đó cũng tự động dừng hoạt động (ngay cả khi đang có nắng). Với cơ sở hạ tầng điện hiện nay và ngày càng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, việc mất điện lưới là rất hạn chế nên không ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống điện mặt trời.
 
Đối với hệ thống ĐMTMN có dùng ắc quy thì có thể tích trữ điện năng để sử dụng ngay cả khi mất nguồn điện lưới và vào ban đêm. Tuy nhiên, giá đầu tư cho hệ thống ĐMTMN có ắc quy thường đắt hơn nhiều so với không dùng ắc quy; và cần định kỳ thay thế ắc quy để đảm bảo hiệu quả sử dụng.
 
Trong những ngày nhiều mây hoặc trời mưa, hệ thống ĐMTMN vẫn hoạt động liên tục nhưng lượng điện năng phát sẽ giảm theo cường độ ánh sáng. Do hệ thống hoạt động bù trừ với điện lưới nên không phụ thuộc vào công suất tải, nếu lượng điện sản xuất ra dư thì tự động phát lên lưới (bán cho ngành điện); nếu thiếu nguồn thì điện lưới sẽ tự động hòa vào để bổ sung lượng điện còn thiếu.
 
PV: Tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng hiện nay thì như thế nào, thưa ông?
 
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Tính đến hết 30/4/2020, toàn Công ty có 1.146 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), tổng công suất lắp đặt 10.363 kWp, tổng sản lượng phát ngược lên lưới là hơn 1,7 triệu kWh. Trong đó có 996 khách hàng sinh hoạt với công suất lắp đặt 5.392 kWp, 167 khách hàng ngoài sinh hoạt với công suất lắp đặt 5.039 kWp. Còn riêng khách hàng lắp đặt công suất lớn từ 50 kWp trở lên có 17 khách hàng với tổng công suất hơn 3.000 kWp và dự kiến từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có thêm 7 khách hàng với tổng công suất gần 5.000 kWp.
 
Trong 4 tháng đầu 2020, có 161 khách hàng lắp đặt mới, công suất lắp đặt 3.366kWp, với sản lượng phát ngược lên lưới là hơn 200 nghìn kWh.
 
Riêng tại trụ sở Công ty và 06 Điện lực trực thuộc cũng đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hệ thống ĐMTMN với công suất cụ thể tại trụ sở Công ty 21,08 kWp (vận hành từ tháng 10/2017); 06 điện lực với công suất lắp đặt 25 kWp/đơn vị đã được vận hành từ cuối tháng 07/2019.
 
Hệ thống ĐMTMN tại trụ sở Điện lực Thanh Khê (PC Đà Nẵng)
 
PV: PC Đà Nẵng hỗ trợ khách hàng về điện mặt trời mái nhà như thế nào?
 
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Để khuyến khích khách hàng sử dụng ĐMTMN, ngành điện đã áp dụng cơ chế chung. Theo đó, khách hàng sẽ được lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều, cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đấu nối lưới điện hiện hữu theo quy định.
 
Để nhân rộng mô hình ĐMTMN, giúp khách hàng biết đến và lựa chọn sử dụng nguồn năng lượng này, PC Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo với các nhà cung cấp pin mặt trời trên địa bàn nhằm tuyên truyền, phối hợp có chính sách hỗ trợ khách hàng bằng hình thức giảm giá chiết khấu % cho khách hàng. Thực hiện vai trò kết nối khách hàng với nhà cung cấp uy tín, tin cậy, Công ty đã cung cấp thông tin đầy đủ về pin mặt trời và các nhà cung cấp trên website của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Trung (https://cskh.cpc.vn) để khách hàng nắm rõ trước khi quyết định đầu tư như: công nghệ và kỹ thuật của quang điện, nguyên lý hoạt động hệ thống mặt trời mái nhà nối lưới, lợi ích khi đầu tư, thời gian thu hồi vốn....
 
Ngoài ra, Công ty thường xuyên kiểm tra, tư vấn, khuyến cáo các khách hàng đã lắp pin mặt trời mái nhà nhưng chưa đăng ký thỏa thuận đấu nối, chưa thỏa thuận lắp công tơ 2 chiều, nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn khi tự ý hòa lưới, đồng thời nếu vẫn lắp công tơ 1 chiều thì khách hàng sẽ bị cộng thêm sản lượng tiêu thụ bằng sản lượng phát ngược lên lưới.
 
PV: Nhà đầu tư ĐMTMN có thể giám sát trực tuyến lượng điện mặt trời phát lên lưới không?
 
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Để thuận tiện cho khách hàng trong việc kiểm soát chỉ số điện tiêu thụ hàng ngày cũng như đánh giá hiệu quả điện mặt trời, PC Đà Nẵng đã xây dựng công cụ tra cứu thông tin sử dụng điện hàng ngày tại địa chỉ https://pcdn.cpc.vn/tracuu.
 
Sau khi thực hiện đăng nhập (bằng mã khách hàng và email/số điện thoại đã đăng ký với ngành điện), khách hàng truy cập chức năng “Điện mặt trời”. Với các khách hàng lắp đặt đã cung cấp tài khoản cho điện lực trước đây và chương trình thực hiện kết nối thành công với dữ liệu nhà cung cấp dịch vụ mặt trời áp mái; chương trình sẽ tự động tính toán các số liệu về sản lượng điện tiêu thụ thực tế của khách hàng trước và sau khi lắp hệ thống ĐMTMN theo biểu giá bán điện của Bộ Công thương.
 
Với các khách hàng lắp đặt ĐMTMN đã cung cấp tài khoản, nhưng hiện tại Công ty chưa liên kết được dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ mặt trời áp mái thì khách hàng thực hiện nhập sản lượng ước chừng vào mục Tổng sản lượng sản xuất trong kỳ, và bấm “Lấy dữ liệu”, chương trình sẽ thực hiện tính toán ước chừng theo sản lượng nhập vào.
 
Tra cứu sản lượng điện mặt trời.
 
Như vậy, khách hàng có thể theo dõi, kiểm tra sản lượng điện mặt trời phát lên lưới điện hàng ngày và biết được số tiền ngành điện sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện đã phát lên lưới. Toàn bộ phương thức chốt chỉ số, thanh toán đều được Công ty thực hiện công khai, minh bạch.
 
Cùng với việc theo dõi sản lượng điện mặt trời, thông qua công cụ tra cứu https://pcdn.cpc.vn/tracuu khách hàng còn có thể kiểm tra, giám sát chỉ số tiêu thụ điện hàng ngày của gia đình, tự thiết lập mức cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ vượt quá ngưỡng theo hai tùy chọn tỷ lệ % hoặc số kWh và các thông tin cần thiết khác như: lịch tạm ngừng cấp điện, tạm tính tiền điện đã sử dụng tại thời điểm tra cứu…
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Link gốc
Theo: CPC