Nhân viên Điện lực Xuyên Mộc sửa chữa lưới điện miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc.
Vùng xa đều có điện lưới
Chỉ cách đây hơn 10 năm, được sử dụng điện lưới là một điều xa xỉ với nhiều người dân vùng nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà Trần Thị Lệ, xã Bông Trang (Xuyên Mộc) nhớ lại, việc tưới tiêu, chong đèn ban đêm cho hơn 5 sào thanh long đều trông chờ vào chiếc máy phát điện cũ, khiến chi phí sản xuất cao trong khi nguồn điện cũng không ổn định.
“Vào khoảng 7-8 năm trở lại đây, khi có điện lưới, việc sản xuất thuận lợi hơn nhiều. Chi phí giảm nên gia đình mạnh dạn đầu tư thêm máy móc để tăng năng suất và giảm công lao động”, bà Lệ nói.
Còn tại huyện Châu Đức, ngành điện cũng luôn nỗ lực để bắt kịp sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của địa phương. Ông Nguyễn Văn Phước Hải, Phó Giám đốc Điện lực Châu Đức cho biết, năm 2017, nhu cầu sử dụng điện thương phẩm tại địa phương chỉ hơn 300 triệu kWh thì đến năm 2023 đã lên đến gần 500 triệu kWh. Do đó, ngành điện chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ và ổn định điện cho khách hàng.
Cuối năm 2023, đã đóng điện lộ ra 110kV trạm 220kV Châu Đức kết nối vào lưới điện 110kV Bà Rịa - Ngãi Giao hiện hữu. Đến nay, Châu Đức được cấp nguồn 110kV thông qua 3 đường dây 110kV là Bà Rịa - Ngãi Giao, Cẩm Mỹ - Ngãi Giao và trạm 220KV Châu Đức kết nối vào lưới điện 110kV Bà Rịa-Ngãi Giao hiện hữu nên rất ổn định.
Quốc hội vừa có nghị quyết cấp vốn kéo lưới điện ra Côn Đảo, dự án này hoàn thành góp phần quan trọng vào sự phát triển của huyện đảo trong tương lai. Trong ảnh: Điện lực Côn Đảo bảo trì hệ thống cấp điện hiện nay.
“Với đặc thù của Châu Đức là người dân sử dụng nhiều nước cho tưới tiêu vào mùa khô, ngành điện đã đầu tư các công trình nâng cấp bọc hóa lưới điện 22kV ở một số tuyến; xây dựng và cải tạo lưới điện trung thế 12,7kV cấp điện cho khu vực xa với khối lượng 18,88km, nhờ đó bảo đảm xử lý điện áp yếu cho các khu vực tưới cây của bà con”, ông Nguyễn Văn Phước Hải cho hay.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác đầu tư lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đặc biệt được chú trọng, với mục tiêu giúp các hộ dân ở vùng sâu bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
“Riêng trong năm 2023, ngành điện đã đầu tư 3 công trình lưới điện nông thôn với quy mô lưới điện trung thế 24,2km; lưới điện hạ thế 49,1km; trạm biến áp 19,7MVA với tổng giá trị 30,5 tỷ đồng. Nhờ đó, điện đã “đến” với toàn bộ các khu vực nông thôn, vùng xa trên địa bàn tỉnh, bảo đảm 82/82 xã, phường, thị trấn có điện. Số hộ dân nông thôn có điện của tỉnh đến nay gần 131 ngàn hộ, đạt tỷ lệ 99,98%”, ông Trần Thanh Hải thông tin thêm.
Cùng với các hệ thống điện trung thế, ngành điện tỉnh và các địa phương chú trọng đầu tư các trạm hạ thế để "đưa điện" tới từng hộ dân. Trong ảnh: Trạm điện hạ thế tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.
Đón đầu phát triển
Từ đầu năm 2024, trước dự báo tình hình gia tăng phụ tải, tốc độ tăng điện thương phẩm đạt trên 7.840 triệu kWh, tăng 6,5% so với năm 2023, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng giá trị 539 tỷ đồng, với các hạng mục như đầu tư nguồn điện Côn Đảo, lưới điện 110kV và lưới điện trung, hạ thế trên toàn tỉnh.
“Trong đó, có 10 công trình lưới điện trung, hạ thế nông thôn nâng cấp 1 pha lên 3 pha với tổng giá trị 126 tỷ đồng. Sau khi đóng điện 10 công trình này, tỉnh sẽ có năng lực cung cấp điện ổn định, an toàn, bảo đảm đời sống sản xuất của người dân trong những năm tới”, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Thanh Hải khẳng định.
Còn theo Sở Công thương, cùng với chương trình điện khí hóa nông thôn, để bảo đảm nguồn cung cho sự phát triển cho sự phát triển được dự báo sẽ “bùng nổ” trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện, kêu gọi đầu tư các dự án nguồn điện, với mũi nhọn được xác định là các dự án điện khí và điện năng lượng tái tạo, đúng với định hướng trong Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) được Chính phủ phê duyệt, tháng 5/2023 và chủ trương phát triển xanh của tỉnh.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cấp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 2.526 tỷ đồng, cộng với 2.420 tỷ đồng nguồn vốn tự có của EVN để kéo điện lưới ra Côn Đảo. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần cấp điện ổn định và phát triển kinh tế cho Côn Đảo - vùng nông thôn đặc biệt của tỉnh. Dự án này không chỉ bảo đảm cung cấp đủ điện cho sự phát triển của huyện đảo, mà còn góp phần giảm giá thành sản xuất và phát thải so với trước mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái quý giá của Côn Đảo. |
Link gốc