Tin thế giới

Điện sức gió làm thay đổi Tanzania

Thứ năm, 24/4/2008 | 11:06 GMT+7

Gió là nguồn năng lượng sạch và bất tận. Sản xuất điện từ sức gió có chi phí rẻ, không hủy hoại môi trường. Tại Tanzania, người ta đang triển khai một dự án điện gió trị giá 113 triệu USD, với niềm tin sẽ làm thay đổi đất nước châu Phi nghèo đói này.

Người dân Njiapanda tìm hiểu về điện gió.

Njiapanda thuộc Singida là một trong những vùng nghèo nhất của Tanzania. Ở đây nông nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ, lại không có công nghiệp, nhưng có một thứ rất sẵn là gió. Tại đây người ta đang triển khai một dự án điện gió mang tên Gió Đông Phi có tổng công suất 100 megawatt.

Gió là một tiềm năng chưa được khai thác, nhưng nó có thể là chìa khóa đáp ứng nhu cầu điện cho miền trung và miền bắc Tanzania, làm bàn đạp phát triển cho cả vùng. Trong vòng 18 tháng, 24 chiếc máy phát điện gió có công suất 50 magawatt, chiếm 10% nhu cầu điện hiện nay của Tanzania, sẽ được lắp đặt tại nhà những người dân làng, biến Njiapanda thành khu trang trại sản xuất điện gió đầu tiên của tiểu vùng sa mạc Sahara ở Châu Phi.

Thực hiện dự án trị giá 113 triệu USD này là Công ty Gió Đông Phi. Giám đốc dự án Mike Case cho biết: “Dự án này rất quan trọng giúp Tanzania đa dạng hóa nguồn điện năng. Đất nước phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện, nên khi xảy ra hạn hán, điện sẽ rất thiếu. Điện chạy dầu thì quá đắt, do vậy điện gió có chi phí rẻ hơn và là sự lựa chọn đáng tin cậy hơn”.

Nhu cầu điện của Tanzania tăng bình quân hơn 50 megawatt mỗi năm, một phần điện năng này được sử dụng để mở rộng khai thác các mỏ vàng và nickel ở phía bắc đất nước. Hiện nay, điện được cung cấp từ các nhà máy cách xa hơn 1000 km. Trại điện gió ở Njiapanda ra đời sẽ sớm bù đắp sự thiếu điện, đem lại lợi ích cho kinh tế địa phương, tạo thêm nhiều việc làm trong giai đoạn xây dựng và vận hành.

Ông Parseko Kone, đại diện chính quyền khu vực hy vọng vùng đất đói nghèo còn lại của Singida cũng sẽ được hưởng lợi. Ông nói: “Người dân Singida đang mong đợi có thêm nhiều dự án như vậy. Họ hy vọng dự án sẽ giúp họ phát triển kinh tế, vì gió không mất tiền. Người dân Tanzania mong rằng điện sẽ bị cắt ít hơn”.

Điện gió thương phẩm chưa từng được biết đến ở tiểu vùng sa mạc Saharan, mặc dù ở đây gió thường xuyên thổi rất mạnh, đặc biệt là phía trên khu vực thung lũng, cả một vùng núi chạy xuyên qua Đông Phi từ Ethiopia đến Malawi và Mozambique.

Ở châu Âu công nghiệp điện gió rất phát triển. Đức là quốc gia dẫn đầu châu lục về phát triển nguồn điện, sản xuất hơn 3000 magawatt từ các turbine gió. Mục tiêu của nhiều nước châu Âu là điện gió chiếm tới 50% tổng nguồn điện.

Châu Phi giờ đây sẽ được hưởng lợi từ những tiến bộ của châu Âu. Trang thiết bị đang trở nên rẻ hơn, tốt hơn.

Theo chuyên gia về gió Ladislaus Lwambuka ở Trường đại học Dar es Salaam, Châu Phi hiện đã sắn sàng để phát triển điện gió thương phẩm. Ông nói: “Nếu dự án Gió Đông Phi thành công, sẽ có thể thu hút thêm nhiều trang trại làm điện gió, không chỉ ở Tanzania mà cả phần còn lại của châu Phi, đặc biệt là dọc theo thung lũng, nơi gió luôn thổi rất mạnh”.

Nếu giai đoạn đầu của dự án triển khai tốt, người ta sẽ tăng gấp đôi số turbine gió và nâng công suất của dự án này lên hơn 100 magawatt. Khi đó, người dân Njiapanda và cả một vùng rộng lớn chung quanh sẽ trở thành trung tâm điện gió của sa mạc Saharan.

Tiềm năng xây dựng điện gió ở Việt Nam từ nay tới năm 2030 là 400 MW. Việt Nam hiện đã xây dựng xong và đang vận hành một cột gió phát điện công suất 850 KW ở Bạch Long Vĩ. Ngoài ra, Trung tâm năng lượng tái tạo và thiết bị nhiệt (RECTARE), ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã lắp đặt hơn 800 cột gió ở hơn 40 tỉnh thành, tập trung nhiều nhất gần Nha Trang (135 cột).

Hiện còn có dự án xây dựng 20 cột gió với tổng công suất 15MW tại Quy Nhơn. Viện Năng lượng đang chuẩn bị nghiên cứu khả thi xây dựng các trang trại gió quy mô lớn, một trong số đó là trang trại 20 MW ở Khánh Hoà.

Điện gió là nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Công suất hiện nay của toàn thế giới đang tiến gần tới 50.000 megawatt - xấp xỉ công suất của 50 nhà máy điện hạt nhân. 

Nguồn BBC

Theo Nhân dân Điện tử