Đã có nhiều tài liệu viết về nhu cầu tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa trong phát triển tài nguyên nước ở Đông Nam Á. Kinh tế các nước khu vực này đang tăng trưởng nhanh chóng và vì vậy nhu cầu điện năng tăng cao đang khuyến khích phát triển một chuỗi các công trình thuỷ điện mới trên hệ thống sông Mêkông và các dòng sông khác. Quyết định của Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các dự án đập của riêng họ trên thượng nguồn dòng sông Mêkông có thể giảm tác động của bất kỳ nỗ lực quản lý tài nguyên nước trong vùng hạ lưu, nhưng Uỷ ban sông Mêkông (Mekong river commission - MRC) đang đưa ra một loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác nguồn nước trong khu vực.
Cải cách kinh tế tại một số quốc gia cùng với sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1998 đã dẫn đến mức tăng trưởng nhu cầu điện hằng năm 6 - 10% tại Đông Nam Á. Mặc dầu cũng có một số nhà máy nhiệt điện đang được triển khai, nhưng nói chung thuỷ điện được xem là sự lựa chọn hấp dẫn hơn về mặt kinh tế. Thiếu hydrocarbon trong khu vực, gia tăng cạnh tranh khí hoá lỏng tại vùng lòng chảo Thái Bình Dương (Pacific Basin) và giá dầu quốc tế tăng cao, tất cả đều khiến cho nhiên liệu dùng cho các nhà máy nhiệt điện trở thành lựa chọn đắt đỏ và khó có thể đoán trước được chi phí vận hành trong tương lai.
Điện hạt nhân còn ít được quan tâm trong khu vực này, trong khi năng lượng gió và mặt trời còn chưa thực sự phát triển và chỉ quốc đảo Philippin có công suất điện địa nhiệt đáng kể. Kết quả là, thuỷ điện chắc chắn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong cân bằng nguồn điện của khu vực, mặc dù cũng có ít nhiều lo ngại rằng sông Mêkông sẽ bị khai thác quá mức. Cũng như ở sông Nile và nhiều dòng sông khác đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các nền văn minh nước, ước tính có đến 65 triệu người dân dựa vào nước dâng hằng năm cùng với gió mùa để có được nguồn nước và phù sa. Do đó, sông Mêkong là rất quan trọng về mặt kinh tế, xã hội và cả biểu tượng.
Sông Mêkông
Sông Mêkông bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanma, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cuối cùng đổ ra biển Đông. Đây là con sông dài thứ 10 trên thế giới (khoảng 4.880 km) và cũng là con sông có lưu lượng lớn thứ 10 thế giới, hằng năm đổ ra 475 km3 nước từ lưu vực rộng tới 810.000 km2. Trên thế giới có hơn 200 con sông chảy qua biên giới giữa các nước nhưng chỉ vài con sông chảy qua nhiều nước như sông Mêkông. Vì vậy, các quốc gia ở hạ lưu sông Mêkông đặc biệt thiên về các công trình phát triển do các chính phủ khác thực hiện ở phía thượng nguồn.
Trong vòng 15 năm qua, lưu lượng nước ngày càng trở nên thất thường hơn, tuy nhiên vẫn còn chưa rõ ràng ở mức độ nào đây là do lượng mưa ngày càng thất thường - có thể là hậu quả của sự thay đổi khí hậu - và do thiếu sự kiểm soát trong xây dựng đập. Thường thì lưu lượng của sông Mêkông tụt giảm trong mùa khô (thường kéo dài từ tháng 11 cho tới tận tháng 5). Tuy nhiên, theo ghi nhận trong những năm 1990, tốc độ dòng chảy đã giảm xuống từ 50.000 m3/s trong mùa gió mùa xuống chỉ còn 2.000 m3/s vào cuối mùa khô, mặc dầu thực tế là con sông này được cấp nước một phần từ các sông băng bên Tây Tạng. Điều này dẫn tới mực nước rất thấp tại các đập chính ở vùng hạ lưu và công suất phát điện bị tụt giảm mạnh. Thêm vào đó, dòng chảy rất thấp dẫn tới hiện tượng nhiễm mặn, ảnh hưởng tới đất nông nghiệp.
Nhiều công trình phát triển khác cũng có thể phải chịu trách nhiệm về các vấn đề về dòng chảy. Một số đoạn sông nông được nạo vét, một số thác ghềnh bị phá huỷ vì chính phủ Trung Quốc tìm cách để tàu bè có thể đi lại được trên con sông này. Một vài tổ chức phi chính phủ đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc bồi thường cho cư dân sống ở vùng hạ lưu vì ảnh hưởng tới mùa màng và nghề cá của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đáp lại rằng tất cả công trình phát triển trên dòng sông này đều được thực hiện trên phần đất của Trung Quốc và do đó Trung Quốc không có trách nhiệm về bất kỳ tác động nào ở phía hạ lưu. Chính sách của Trung Quốc đặc biệt quan trọng trong mùa khô bởi vì sông Mêkông (Trung Quốc gọi là sông Lam Thương) chiếm khoảng 50 - 70% dòng chảy nước tại cửa sông Mêkông, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 20% mà nó cung cấp.
Thái độ này nêu bật sự thiếu cơ sở pháp lý quốc tế quản lý việc phát triển xuyên quốc gia dòng sông này. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được áp dụng để xác lập một bộ các quy tắc và cách thức hành động đã được chấp nhận về phát triển ngoài biển, sao cho những tranh chấp về biên giới trên biển sẽ không trở nên căng thẳng hơn do những xung đột về chủ quyền, ví dụ các tài nguyên dầu và khí. Thế nhưng hiện nay chưa có một thoả thuận quốc tế tương tự về các công trình phát triển dòng sông có thể giúp tránh các tranh chấp về tài nguyên nước. Sẽ tốt hơn nhiều cho Liên Hợp Quốc nếu như ngay từ bây giờ bắt tay vào xây dựng một cơ cấu như vậy hơn là ngồi đợi tới khi các tranh chấp về sông Mêkông và các sông khác ngày càng leo thang và các quyền lợi gắn liền trở nên chặt chẽ hơn.
Đập Dachaoshan- TQ
Các quốc gia hạ lưu phàn nàn về ảnh hưởng của việc xây dựng các đập Dachaoshan và Manwan ở Trung Quốc, được hoàn thành tương ứng vào năm 1995 và 2003, nhưng đập thứ ba, dự án Xiaowan hiện đang xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Đập Xiaowan sẽ cao 292 m với khoản đầu tư 2,7 tỷ USD sẽ cung cấp 4,2 GW công suất điện, trong khi đó 5 đập lớn khác đang được lên kế hoạch, chủ yếu phục vụ kiểm soát lũ và tưới tiêu hơn là phát điện.
Theo các báo cáo ở Thái Lan, do việc xây dựng đập ở Trung Quốc đã ngăn toàn bộ dòng chảy sông Mêkong mỗi lần tới năm ngày nên một số tàu thuyền hiện phải mất hàng tuần để hoàn thành chuyến đi lẽ ra chỉ mất có ba ngày. Điều này đã phản ánh các vấn đề rắc rối về vận chuyển đường thuỷ, thu hút sự quan tâm rộng rãi của các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế năm 2004, khi mực nước thấp hơn 1m đã khiến cho nhiều tàu thuyền bị mắc cạn. Vào thời điểm đó, đợt hạn hán khu vực là nguyên nhân chính của mực nước thấp nhưng Uỷ ban sông Mêkông (MRC) vẫn khẳng định rằng các đập của Trung Quốc đã khiến cho tác động này trở nên nặng nề hơn.
Tuy nhiên, các công ty của Trung Quốc tham gia các công trình thuỷ điện khác nhau lại không tin rằng các dự án đập của họ sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các quốc gia vùng hạ lưu. Ông Ma Hongqi, kỹ sư trưởng của Công ty Phát triển Thuỷ điện sông Lam Thương (Vân Nam) nói rằng bản nghiên cứu về tác động của đập Xiaowan đã đi đến kết luận rằng “dự án Xiaowan chỉ tác động ở mức hạn chế tới vùng hạ lưu của con sông này. Hơn nữa, dự án đập này sẽ có ích cho tưới tiêu và giao thông thuỷ tại vùng hạ lưu.”
Đập Manwan -TQ
Dự án Xiaowan sẽ tạo ra một hồ chứa rộng 190 km2 mà các quan chức Trung Quốc tin rằng sẽ tăng dòng chảy tới vùng hạ lưu sông Mêkông lên tới 40%. Phát ngôn viên của Công ty Phát triển Thuỷ điện sông Lam Thương (Vân Nam) cũng chỉ ra rằng chương trình trồng rừng 20 năm được phát động năm 1999 sẽ tăng tỷ lệ phủ rừng quanh sông Mêkông ở Trung Quốc từ 38% lên 50% vào năm 2019. Công ty này cũng khẳng định rằng chất lượng nước của con sông này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về nước sạch.
Uỷ ban sông Mêkông (MRC)
MRC được thành lập nhằm điều phối việc xây dựng đập trong lưu vực hạ lưu sông Mêkông, khi mà nguy cơ nhu cầu nước cho phát điện và tưới tiêu có thể đe doạ dòng sông Mêkông đã trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, Trung Quốc và Myanma cho đến nay vẫn không tham gia tổ chức này, thay vào đó họ chỉ giữ ở vị trí quan sát viên, vì vậy có một hạn chế rõ ràng về tác động lớn mà họ tạo ra đối với việc xây dựng đập trên thượng nguồn. Tổ chức này, trụ sở chính tại Phnom Pênh, đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc thông tin về hoạt động của các đập của Trung Quốc, đặc biệt là trong đợt hạn hán năm 2004, nhưng Bắc Kinh không chịu đưa ra thông tin chi tiết.
MRC đã đạt được bước đột phá vào năm 2005 khi Bắc Kinh đồng ý tham gia thảo luận kỹ thuật với Uỷ ban về việc sử dụng sông Mêkông. Các chủ đề chính được thảo luận là quản lý và giảm tác động của lũ, và giao thông thuỷ. Ông Sitaheng Rasphone, chủ tịch của Uỷ ban phối hợp MRC đã bình luận: “Các lĩnh vực cộng tác tiềm năng này đối với tôi là đầy hứa hẹn và đáng chú ý. Đối thoại này là thiết yếu để chúng ta hiểu biết lẫn nhau và tiến xa hơn nữa trong sự hợp tác của chúng ta. Những lợi ích của sự hợp tác như vậy sẽ có quy mô toàn lưu vực.”
Tại cuộc gặp gỡ hằng năm của MRC năm 2006 với chính quyền Trung Quốc và Myanma, ông Sin Nivy, Phó chủ tịch Uỷ ban sông Mêkông quốc gia Campuchia, cho biết: “MRC đã theo đuổi việc không ngừng trao đổi thông tin và tham vấn với Trung Quốc và Myanma nhằm tăng cường và nâng cao sự hợp tác và tôi hài lòng được thông báo rằng hiện có tiềm năng đáng kể về tiếp tục hợp tác tại một loạt lĩnh vực chuyên môn”. Mặc dù cả hai quốc gia này vẫn còn chưa muốn tham gia tổ chức này, nhưng hiện nay một số dữ liệu đã được chia sẻ giữa các quốc gia trong Lưu vực sông Mêkông. Đặc biệt, văn phòng của MRC đã bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc các dữ liệu dòng chảy hằng tháng từ các trạm thuỷ văn ở Chiang Saen (Thái Lan) và Stung Treng (Campuchia).
Tháng 5/2007, ông Olivier Cogels, Giám đốc điều hành của MRC lập luận rằng việc thu thập thông tin tốt hơn và chia sẻ nó là chìa khoá để làm giảm tác động của lũ trên sông Mêkông, cho dù lũ có phải là do các đập của Trung Quốc gây ra hay không. Ông cho rằng hằng năm có nhiều người bị chết đuối là do các hệ thống cảnh báo sớm và dự báo lũ kém hiệu quả. Ông Cogel còn thêm rằng: “Các quốc gia thành viên chúng ta đã hoặc đang đưa vào một loạt hành động nhằm giúp họ đối phó với những thay đổi này, nhưng họ cần có công cụ, dữ liệu và thông tin giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn”. Việc đảm bảo thông tin chi tiết về lượng mưa và dòng chảy từ Trung Quốc là đặc biệt quan trọng và có thể giúp MRC cảnh báo người dân trong các vùng nguy hiểm về rủi ro lũ nhiều ngày trước khi dòng sông này bắt đầu đợt lũ.
Tháng 12/2006, MRC tiết lộ rằng Uỷ ban giờ đây sẽ nỗ lực hơn nữa giải quyết vấn đề gai góc là dàn xếp các mối bất hoà xuyên biên giới. Trước mắt, tổ chức này sẽ thiết lập các cơ cấu thường trực cho việc thương lượng, nhưng tiến bộ nếu có thì chắc chắn sẽ không thể nhanh bởi vì rõ ràng là các chính phủ không muốn giao phó một chút nào về chủ quyền hoặc quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của họ. Tuy nhiên, bốn nước thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã thiết lập Chương trình Sử dụng Nước (Water Utilization Program - WUP), với sự ủng hộ của Cơ quan Môi trường Toàn cầu (Global Environment Facility - GEF) của Ngân hàng Thế giới.
Theo WUP, bốn quốc gia này thoả thuận về dòng chảy hằng tháng tối thiểu chấp nhận được vào mùa khô; dòng chảy ngược tự nhiên chấp nhận được của hồ Tonle Sap trong mùa mưa; và ngăn ngừa dòng chảy đỉnh lớn hơn xảy ra một cách tự nhiên. Một khi đã thống nhất, một chuỗi các trạm thuỷ văn sẽ được xây dựng dọc con sông này nhằm theo dõi dòng chảy và mức nước của sông, các quốc gia thành viên của MRC được yêu cầu phải thay đổi việc sử dụng các đập của họ nếu các giới hạn đã thoả thuận không được đáp ứng. Ông Cogels bình luận: “Hiện chúng tôi có sự đồng thuận cao để hỗ trợ cho công việc của mình trong 5 năm tới. Chúng tôi giờ đây phải bắt tay vào việc thực hiện chương trình tổng thể nhằm mang lại lợi ích cho người dân sống ở Lưu vực sông Mêkông.”
Mặc dù cho đến nay, tiến trình của MRC có vẻ như chậm, nhưng Uỷ ban này đã bảo đảm nhiều sự hỗ trợ về tài chính từ các nhà tài trợ nước ngoài trong hai năm qua. Gần đây nhất là vào tháng 4/2007, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) đã thoả thuận ủng hộ những nỗ lực của MRC nhằm giải quyết những mối bất hoà xuyên biên giới trong Lưu vực sông Mêkông. Mặc dù chưa công bố khoản hỗ trợ này là bao nhiêu nhưng MRC tiết lộ rằng nó sẽ tăng cường sự hợp tác khu vực hiệu quả thông qua “triển khai các cơ chế giải quyết mối bất hoà và nhân nhượng, cụ thể như cùng quản lý, ý kiến đóng góp của công luận, sự tham gia của cổ đông và xây dựng các thể chế.”
Ông Cogels hoan nghênh sự hỗ trợ này và cho biết: “Người dân Lưu vực sông Mêkông cần phải sử dụng nguồn nước của họ tốt hơn nếu họ muốn đạt được các mục tiêu giảm nghèo, nhưng họ nhận thức được sự cần thiết của việc lập kế hoạch và bàn bạc kỹ lưỡng trước khi cho triển khai. Với chương trình mới này, chúng tôi sẽ được trang bị tốt hơn để giúp các thành viên của Uỷ ban xua tan mọi vấn đề xuyên biên giới tiềm tàng trước khi nó nảy sinh.”
Tháng 4/2007, chính phủ Thuỵ Điển đồng ý cấp 6,4 triệu USD trong giai đoạn 2007 – 2009 để hỗ trợ cho Chương trình Môi trường, Kế hoạch Phát triển Lưu vực, Chương trình Nghề cá và hỗ trợ thể chế chung. Sự kiện này xảy ra chỉ hai tháng sau khi Phần Lan ký thoả thuận cung cấp 8,6 triệu USD tài trợ Chương trình mới về Quản lý Thông tin và Tri thức của MRC và Đan Mạch cũng đồng ý cấp 9 triệu USD cho các mục đích tương tự.
Hỗ trợ việc tích hợp ngành điện
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hiện đang đóng vai trò hỗ trợ MRC. Sự tham gia của các ngân hàng này một phần bắt nguồn từ việc hỗ trợ một số công trình thuỷ điện cụ thể trong khu vực. Ví dụ, ADB đã cấp khoản vay trị giá 20 triệu USD để hỗ trợ công trình Nậm Thơm II công suất 1.070 MW tại Lào, trên một phụ lưu của sông Mêkông. Phần lớn điện từ dự án này sẽ xuất khẩu sang Thái Lan nhưng một phần đáng kể sẽ được giữ lại để sử dụng trong nước.
Trong một báo cáo gần đây về dự án này, ADB và Ngân hàng Thế giới đã hoan nghênh những cố gắng tăng cường việc cấp vốn cho dự án này và giảm bớt các tác động xã hội và môi trường. Tuy nhiên, họ cũng đã phê phán về mức độ sói mòn và mức bồi thường cho các cộng đồng bị ảnh hưởng. Đơn vị vận hành là Công ty điện Nậm Thơm II có hợp đồng cung cấp điện trong 31 năm, đảm bảo thành công về mặt tài chính của dự án.
Ngân hàng Thế giới cũng đã tặng chính phủ Campuchia khoản tài trợ trị giá 18,5 triệu USD nhằm khuyến khích mua bán điện năng qua biên giới trong Lưu vực sông Mêkông. Khoản tặng này sẽ tài trợ cho nghiên cứu khả thi một công trình thuỷ điện chưa được nêu tên và xây dựng một đường dây truyền tải điện từ Campuchia tới Nam Lào để giúp Campuchia nhập khẩu điện. Nguồn vốn bổ sung cũng đang được cấp thông qua khoản vay trị giá 22 triệu USD từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Đường liên kết thứ hai cũng có thể được xây dựng từ Campuchia tới Việt Nam để bán điện dư thừa. Với việc phát triển một lưới điện toàn khu vực, người ta hy vọng những nước tương đối nghèo điện năng, cụ thể như Campuchia, có thể khuyến khích đầu tư vào các công trình thuỷ điện mới, vì các nhà đầu tư tiềm năng sẽ có thể xuất khẩu điện tới các thị trường láng giềng nếu có yêu cầu. Sự hỗ trợ đa phương tương tự tại Việt Nam cũng đã khuyến khích đầu tư tư nhân vào ngành thuỷ điện trong nước.
Ông Cogels hoan nghênh mọi sự ủng hộ và bình luận: “Phần Lan hiểu tầm quan trọng của việc MRC có được một cơ sở tri thức toàn diện và đáng tin cậy để cung cấp những thông tin đúng chủng loại cho các quốc gia Thành viên của MRC để tiến hành phát triển nguồn nước và các tài nguyên liên quan, giúp giảm nghèo. MRC cũng đã thiết lập một nền tảng vững vàng cùng với các cơ sở dữ liệu hiện nay của mình, nhưng giờ đây, chúng ta cần phải xây dựng trên nền tảng này nếu chúng ta muốn đạt được quy hoạch dài hạn lưu vực, đem lại lợi ích cho người dân lưu vực sông Mêkông, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì cân bằng sinh thái.”
Hợp tác lớn hơn về phát triển đập và chia sẻ thông tin về cung cấp nước giữa các quốc gia thành viên của MRC đương nhiên là đáng hoan nghênh. Các con sông quốc tế luôn luôn dễ dẫn đến các tranh chấp nguồn nước; việc tạo ra một cơ chế thường trực về đàm phán, hợp tác và chia sẻ dữ liệu là một bước đi tích cực cho đến nay rõ ràng đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ về phương diện tài chính. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của cả MRC và cộng đồng quốc tế là phải đưa Myanmar và đặc biệt là Trung Quốc gia nhập tổ chức này.
Việc Bắc Kinh chấp nhận vai trò quan sát viên là một bước đi đúng hướng và việc chia sẻ thông tin với Trung Quốc đã có một số tiến bộ. Mặc dầu vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đập, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ trong khu vực. Với việc tham gia MRC và chú ý tới các mối quan ngại của các nước trong lưu vực hạ lưu sông Mêkông, Bắc Kinh ít nhất cũng chứng tỏ rằng các mối quan ngại của các nước ở vùng hạ lưu là đáng quan tâm. Liệu điều này có thể giảm bớt được số lượng đập đã được lên kế hoạch xây dựng hoặc giúp giảm đến mức tối thiểu tác động của chúng hay không thì cũng còn phải chờ xem, nhưng một khi các quốc gia trong lưu vực thượng nguồn vẫn còn đứng bên ngoài quá trình quản lý thì chẳng có một tổ chức quản lý lưu vực sông nào có thể thực sự hoạt động hiệu quả.
Tóm tắt về ủy ban sông Mê Kông
Lịch sử
Thành lập 5/4/1995 bởi một hiệp định giữa các chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, thoả thuận về việc quản lý chung các tài nguyên nước được chia sẻ của quốc gia mình và phát triển tiềm năng kinh tế của con sông này. Trung Quốc và Myanmar trở thành các đối tác đối thoại của MRC vào năm 1996 và hiện các quốc gia này phối hợp trong khuôn khổ hợp tác.
Tổ chức này có bốn mục tiêu cho giai đoạn 2006 - 2010
· Thúc đẩy và ủng hộ phát triển phối hợp, bền vững và vì người nghèo;
· Nâng cao hợp tác khu vực hiệu quả;
· Củng cố việc theo dõi môi trường và đánh giá tác động trong toàn lưu vực;
· Củng cố năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên nước và cơ sở tri thức của các cơ quan thuộc MRC, các uỷ ban sông Mêkông quốc gia, các cơ sở đường dây điện và các cổ đông khác.