Tin trong nước

Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tòa nhà EVN

Thứ bảy, 7/5/2022 | 15:56 GMT+7
Sáng 7/5, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và công nghệ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (CTI) phối hợp với Bộ phận vận hành hệ thống kỹ thuật Tòa nhà (Công ty TNHH An Điền) và Bộ phận an ninh Tòa nhà (Công ty CP dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp an ninh miền Bắc) tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại tòa nhà EVN (số 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội).
 

Hai công nhân đang làm việc đang làm việc trên gầu của thang Gondola kêu cứu khi hệ thống thang bỗng dừng đột ngột.
 
Buổi diễn tập nhằm nâng cao nhận thức của CBCNV làm việc trong Tòa nhà EVN về công tác PCTT&TKCN, tạo điều kiện cho đội xung kích PCTT&TKCN nắm chắc được tình hình, đặc điểm kiến trúc, giao thông, các vị trí thoát thải và tính chất của tòa nhà. Qua đó, tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng tham gia, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT&TKCN khi có sự cố xảy ra.
 
Tình huống giả định được đưa ra: Trong giờ làm việc, trời đang nắng ráo bất ngờ có mây đen và gió lớn, nguy cơ có giông lốc và có mưa to. Lúc này hệ thống thang Gondola đang hoạt động bỗng dừng đột ngột do gió to khiến cảm biến gió hoạt động. Lúc này, 2 công nhân đang làm việc trên hệ thống thang Gondola cần cứu hộ. Cùng với đó, giông gió lớn gây mưa to, nước mưa tạt chảy vào sảnh thang tầng mái 33 tháp A; mưa to làm rác, lá cây … chảy xuống làm tắc đường thoát nước trên mái, nước tràn lên sân mái có nguy cơ tràn vào khu vực buồng thang máy tầng mái…

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tòa nhà EVN kiểm tra hệ thống máy phát điện dự phòng đặt tại tầng hầm B1.
 
Sau khi nhận được thông tin về sự cố, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tòa nhà EVN ngay lập tức huy động lực lượng xung kích, phân công thành các tổ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ. Cụ thể, bố trí lực lượng cứu hộ đưa công nhân trên thang Gondola xuống và buộc cố định lồng thang Gondola; kiểm tra toàn bộ vật tư phục vụ công tác PCTT&TKCN; đóng toàn bộ cửa sổ của tòa nhà, các cửa ra vào tại tầng 1; kiểm tra các hệ thống: thoát thải, bơm nước thải và 6 hố ga thoát thải từ tòa nhà ra hệ thống thoát nước chung của thành phố; kiểm tra và chạy thử máy phát điện dự phòng, dầu diezen dự trữ; tổ chức ứng trực tại các vị trí bơm chống lụt tầng hầm và các vị trí các cửa phòng kỹ thuật; chằng chống đường ống tôn của hệ thống thông gió; đóng cửa kính tầng mái, che chắn cửa kính tầng mái bằng bạt chống hắt nước vào cửa thang máy…
 
Sau 60 phút, tình huống thiên tai được khống chế, công nhân bị mắc kẹt trên thang Gondola được đưa xuống an toàn; toàn tòa nhà được bảo vệ.

Các đơn vị họp tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sau buổi diễn tập.
 
Đánh giá về buổi diễn tập, đại diện Ban An toàn EVN ghi nhận sự nghiêm túc, chuyên nghiệp của các đơn vị trong quá trình triển khai. Đặc biệt, năm nay, các tình huống giả định và cách thức triển khai đã được đổi mới, sáng tạo hơn các năm trước.
 
Tuy nhiên, đại diện Ban An toàn EVN cũng lưu ý, đây là tình huống giả định, nên việc triển khai khá thuận lợi. Tuy nhiên, trong thực tế, thiên tai diễn ra sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Do đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN EVN cần tính toán cụ thể về thời gian di chuyển giữa các địa điểm để bố trí lực lượng sao cho phù hợp, tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển giữa các tầng trong tòa nhà.
Minh Tuấn