Điện từ rác: Kỳ vọng về Thủ đô xanh, sạch

Thứ tư, 16/5/2018 | 10:44 GMT+7
Hàng loạt các dự án đốt rác phát điện (điện rác) tại Hà Nội đã và đang được khởi động trong thời gian gần đây khẳng định định hướng phát triển ngành năng lượng mới tại Thủ đô. 
Chất thải rắn sinh hoạt được vận chuyển qua dây chuyền đưa vào lò đốt.
 
Việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất điện năng sẽ bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp vào việc sử dụng đất hiệu quả và phát triển kinh tế Hà Nội theo hướng xanh, sạch, đẹp và bền vững.
 
Đến thời của điện rác
 
Phương pháp xử lý rác trước đây chủ yếu vẫn là chôn lấp - giải pháp này không những gây lãng phí tài nguyên đất, “tài nguyên rác”, mà còn gây nhiều tác động xấu tới môi trường. Vì thế, chuyển đổi chất thải thành năng lượng được xem là giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại, trên thế giới đã “nở rộ” các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt. Với phương pháp này, rác tái chế có thể trở thành nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; rác hữu cơ có thể chế biến thành phân bón cho nông nghiệp.Điều này phù hợp với mục tiêu của TP Hà Nội là xây dựng một đô thị văn minh xanh - sạch - đẹp, rác thải được phân loại, tận thu và xử lý bằng công nghệ tiên tiến.
 
Xử lý rác thải, chất thải rắn thế nào cho bền vững, tránh tình trạng rác tồn thành đống ở khu dân cư, ven đường, hay bãi đất trống nhanh chóng biến thành bãi rác chỉ sau thời gian ngắn, gây ô nhiễm môi trường… là những vấn đề bức thiết từ đời sống đã nhiều lần làm nóng các phiên họp của thành phố. Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư nhà máy xử lý rác thải thành điện năng tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Phần Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
 
Tại hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện được tổ chức vào tháng 11/2017, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - công tác tại Trung tâm công nghệ môi trường, thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nêu ý kiến: Hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải nhà kính so với biện pháp chôn lấp.
 
Theo giới chuyên gia, ở các bãi chôn lấp rác phát sinh một lượng khí metan (CH4) lớn, nếu không được thu gom, xử lý chúng sẽ bốc lên không trung và trở thành khí gây hiệu ứng nhà kính gấp hàng chục lần khí CO2. Việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất điện năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp vào việc sử dụng đất hiệu quả và phát triển kinh tế Thủ đô.
 
Chú trọng hợp tác và phát triển
 
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2017, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 5.515 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây là 3.388 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 98%; CTRSH tại 17 huyện ngoại thành là 2.127 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 89%. Mặc dù, công tác thu gom, vận chuyển CTRSH tại các quận, huyện đang dần đi vào nề nếp, nhưng do lượng chất thải ngày càng tăng, trang thiết bị và năng lực thu gom hạn chế, dẫn đến nhiều khó khăn. Ngoài ra, hầu hết bãi rác của thành phố đều sử dụng biện pháp chôn lấp nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Với nỗ lực khắc phục tình trạng này, các sở, ban, ngành của thành phố đã đưa nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các hoạt động tái chế và tận dụng rác thải như một loại tài nguyên.
 
Các dự án xây dựng hệ thống nhiệt điện đốt rác cũng đã được phê duyệt và khởi động trong bối cảnh này. Điển hình nhất phải kể đến hoạt động hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và doanh nghiệp đến từ Nhật Bản là Công ty Hitachi Zosen để thực hiện thành công dự án đốt rác phát điện tại khu nhà máy xử lý rác thải phát điện Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.
 
Dự án này là một trong những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực xử lý rác thải phát điện và các vấn đề về môi trường. Trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo UBND TP Hà Nội đầu tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe đã chia sẻ về triển vọng hợp tác trong thời gian tới và đề xuất đưa phương án sử dụng công nghệ xử lý rác thải của Nhật vào dự án Nhà máy xử lý rác thải đốt điện ở Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây.
 
Khái niệm điện rác đã trở nên khá quen thuộc với Việt Nam từ vài năm trở lại đây. Cho đến nay, đã có một số nhà đầu tư liên hệ với các địa phương để đề xuất thực hiện dự án đốt chất thải phát điện. Các nhà đầu tư phía Việt Nam gồm: Công ty CP Tập đoàn T&T - T&T Group và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – Urenco. Các đối tác phía Hàn Quốc có uy tín hàng đầu trong công nghệ xử lý rác thải và xây lắp, gồm: Tập đoàn Quản lý Bãi chôn lấp Sudokwon; Công ty tư vấn kỹ thuật Hàn Quốc – Kecc và Công ty TNHH Nhà máy Samyoung…
 
Cuối tháng 3 vừa qua, T&T Group và đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Hitachi Zosen đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội”. Theo đó, T&T Group và Hitachi Zosen sẽ thành lập liên danh - tổ hợp nhà đầu tư để cùng nhau phát triển các dự án phát điện từ chất thải tại một số khu xử lý chất thải rắn ở Hà Nội. Lãnh đạo Tập đoàn T&T cho biết để triển khai dự án, các bên phải thiết kế, xây dựng, huy động tài chính và vận hành một số nhà máy xử lý chất thải với công suất 1.000 tấn/ngày mỗi nhà máy.
Theo: Lao động Thủ đô