Tin trong nước

Điện về, làng bản xuân này vui hơn

Thứ hai, 16/1/2023 | 10:21 GMT+7
Khi chưa có điện lưới, nhà ai có việc quan trọng, cả thôn tắt điện để nhường cho gia đình đó lo việc nhưng nguồn điện vẫn rất yếu, thường xuyên bị nhảy cầu dao, cầu chì dẫn đến mất điện. Tết này có đường điện mới, nhiều hộ dân đã mua sắm ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, ấm đun nước…; "cả thôn tổ chức ăn tết to, vui lắm".

Ngày cuối năm, chúng tôi có dịp cùng anh em công nhân Công ty Điện lực Yên Bái đến thăm bà con thôn Làng Mít, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên. Hai bên đường dẫn vào thôn là hình ảnh những chiếc đồng hồ đo điện được treo trên cột điện bê tông mới vững chắc. Bên trong những ngôi nhà, bà con ai nấy đều trò chuyện rôm rả, phấn khởi khi được sử dụng các thiết bị điện cũng như dự định sẽ mua sắm thêm các vật dụng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Trước đây, khi chưa có điện lưới, 90 hộ dân trong thôn góp tiền mua dây, dựng cột kéo điện từ thôn khác qua nhưng chỉ đáp ứng được điện thắp sáng chứ không thể nấu cơm, đun nước hay dùng thêm các thiết bị khác. Nếu nhà ai có việc quan trọng, cả thôn tắt điện để nhường cho gia đình đó lo việc nhưng nguồn điện vẫn rất yếu, thường xuyên bị nhảy cầu dao, cầu chì dẫn đến mất điện. 

Còn dịp tết, mỗi hộ gia đình chỉ được thắp sáng một bóng đèn. Ngay sau khi Điện lực Văn Yên thi công hoàn thành đường điện mới, nhiều hộ dân đã mua sắm ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, ấm đun nước… để phục vụ cuộc sống. 

Ông Hoàng Văn Thức ở thôn Làng Mít, xã Tân Hợp chia sẻ: "Để thi công công trình điện lưới về thôn, bà con sẵn sàng hiến đất, chặt cây. Người dân trong thôn chờ mong ngày có điện từ lâu, giờ đây đã trở thành sự thật. Mừng có điện lưới quốc gia, tết này cả thôn tổ chức ăn tết to, vui lắm đây. Có điện, cuộc sống của bà con sẽ thay đổi và phát triển hơn nữa”. 

Với bà con dân tộc Mông ở thôn Sua Lông, xã Nậm Khắt của huyện vùng cao Mù Cang Chải, sự kiện đóng điện về bản trước tết Nguyên đán như một ngày hội lớn. Gần chục cây số đường dây vượt núi, cắt rừng đã được đơn vị Điện lực huyện nỗ lực thực hiện. Cả thôn có trên 70 hộ, mùa hè đỡ hơn, mùa đông thì chỉ 18 giờ là sương mù dày đặc, chìm trong bóng tối. 

Trước kia, mỗi khi đêm xuống, những ánh đèn dầu, đống lửa cũng chẳng xua đi được bóng tối bao trùm. Con trẻ đi học về là sách vở bỏ đấy, lên giường đi ngủ. Không có điện, muốn mua cái nồi cơm điện, ti vi về dùng cũng chịu. Thông tin chính trị, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, bà con cũng khó tiếp cận, đó cũng là nguyên nhân tỷ lệ đói nghèo ở thôn cao. 

Anh Thào A Chu, Trưởng thôn Sua Lông phấn khởi nói: Thật khó diễn tả niềm hạnh phúc của người dân. Có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân trong thôn có nhiều đổi thay. Chỉ mấy tháng trước, muốn xát thóc phải chở về trung tâm xã, nhiều khi mưa gió không đi được thì lại dùng cối giã tay. Bây giờ, đun nước, nấu cơm và cả băm cỏ cho trâu, bò đều dùng điện hết. Tối đến, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm xem ti vi, con trẻ được học bài dưới ánh điện, người dân có điều kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất. Vậy không vui sao được. Cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn cán bộ, nhân viên ngành điện nhiều lắm!. 

Điều cần làm tiếp theo là giúp bà con thôn Sua Lông thoát nghèo. Chuyện nông thôn mới là chuyện lâu dài, cũng cần phải có tầm nhìn xa hơn. Nhưng có điện, có đường, mọi việc cũng sẽ dễ hơn. Xã Nậm Khắt đang lên kế hoạch lắp đặt loa phát thanh ở các thôn để mỗi khi có việc gì thì tuyên truyền hay thông báo cho bà con. Có điện, trạm viễn thông cũng rục rịch lắp đặt, thôn không còn là vùng "lõm sóng”. 

Có điện, mẹ và vợ ông Tráng A Sùng, thôn Sua Lông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phấn khởi khi gia đình sắm tủ lạnh phục vụ tết. 

Xã cũng đã định hướng và tổ chức hướng dẫn, thực hiện phát triển mô hình trồng thảo quả, trồng sơn tra cho người dân. Lộ trình phát triển đã có sẵn, giờ có điện lưới thì mọi việc suôn sẻ. Chắc rằng, Sua Lông sẽ sớm chuyển mình!

Có tận mắt chứng kiến công trình điện lưới quốc gia đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh mới thấy được sự vất vả, khó khăn của ngành điện. Sau hàng chục tháng nỗ lực, những đơn vị thi công đường dây phải vận chuyển bằng tời và xe kéo thô sơ để đưa từng cột điện bê tông đến từng vị trí ở lưng chừng núi, hoàn thành đường dây, đảm bảo an toàn lưới điện. 

Có những địa điểm, công nhân phải mất cả tháng trời mới đưa được cột lên đúng vị trí thi công. Từng cột điện theo nhau nối dài trên vùng cao để đưa ánh điện sáng đến các hộ dân. Những đường dây điện đã nối kết giữa ý Đảng và lòng dân, củng cố thêm niềm tin của đồng bào vùng cao vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. 

Năm 2022, ngành điện Yên Bái đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện cho người dân, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đó cũng là thể hiện lương tâm và trách nhiệm của các cán bộ, công nhân ngành điện, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và đời sống văn hóa, tinh thần, hỗ trợ cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững. Trong năm 2022, ngành điện và ngành công thương đã đóng điện cho 9/9 xã, hoàn thành 100% kế hoạch năm và khẩn trương đưa điện lưới đến với hàng ngàn hộ dân tại các thôn, bản.

Hơn ai hết, những người dân nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhận thức rõ và sâu sắc nhất về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Được đầu tư hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, bà con sẽ có điều kiện phát triển kinh tế, phát huy tinh thần bám đất, bám bản cùng nhau xây dựng đời sống. Một mùa xuân mới đang về, những cây đào đơm hoa khoe sắc trên những triền đồi. Xuân này, ý nghĩa hơn khi ánh điện đã bừng sáng trong mỗi ngôi nhà, mỗi bản làng sau bao ngày mong chờ. Tết đầu tiên có điện, vui thật là vui!

Link gốc

 

Theo: Báo Yên Bái