Điện về, mang tới ấm no

Thứ sáu, 1/5/2020 | 14:38 GMT+7
Mạng lưới điện quốc gia đã băng sông, vượt biển, đến với những thôn, ấp xa xôi nhất ở khu vực miền Nam, giúp cuộc sống ở nơi này hồi sinh. Đây là dấu ấn về nỗ lực vượt khó của ngành điện lực miền Nam sau 45 năm giải phóng miền Nam.
 

Đưa điện đến với người dân vùng sâu.
 
Huy động nguồn lực đầu tư
 
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, trong 45 năm qua, EVNSPC không ngừng huy động nguồn lực đầu tư để đảm bảo cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội cho miền Nam. Nhờ đó, sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng với tốc độ cao, đạt 18,37%/năm, trong giai đoạn 1995-2014. Trong năm 2019, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 73 tỷ kWh, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Trong đó, sản lượng điện dành cho nông - lâm - thủy sản tăng tới 8,7 lần; nhà hàng, khách sạn tăng 3,56 lần. Nhờ đó, đưa EVNSPC trở thành đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 5 tổng công ty của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
Theo ông Nguyễn Phước Đức, mỗi năm, EVNSPC đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển, cải tạo lưới điện. Chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, EVNSPC đã thực hiện các dự án đầu tư lưới điện ở 21 tỉnh, thành phố miền Nam 45.930 tỷ đồng. Từ nguồn tài chính này, EVNSPC đã tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ mới nhằm hiện đại hóa lưới điện, cải thiện độ ổn định và tin cậy trong cung cấp điện, tăng chất lượng dịch vụ khách hàng, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng...
 
Tuy nhiên, dấu ấn sâu đậm nhất của ngành điện lực miền Nam trong hơn 4 thập kỷ qua là công cuộc điện khí hóa nông thôn, đưa điện đến các vùng sâu, hải đảo. Đến nay, đã có 100% số xã và 99,69% số hộ dân ở khu vực miền Nam có điện để sử dụng.
 
Đưa điện về vùng sâu, hải đảo
 
Gần 4 năm trước, 1.531 hộ với 7.533 khẩu của xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) chính thức dùng điện lưới quốc gia. Để kéo đường dây 110kV vượt biển lớn nhất Việt Nam với chiều dài hơn 24,5km, ngành điện đã đầu tư trên 484,5 tỷ đồng. Ông Tiêu Quang Hùng - cư dân ấp Bãi Bấc (xã Lại Sơn) - chia sẻ, trước đây, gia đình dùng máy phát điện để thắp sáng với 3 giờ/ngày, tốn 1 triệu đồng/tháng; nay dùng điện lưới thoải mái nhưng chỉ tốn khoảng 300.000 đồng/tháng. Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn Trần Quốc Tiến cho biết, từ khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của cư dân Lại Sơn "thay da, đổi thịt" thấy rõ. Điện đã mang đến cho cuộc sống văn minh hơn nhờ kinh tế ngày càng phát triển. Lại Sơn hiện đã đạt xã nông thôn mới. Mỗi năm, du khách đến với Lại Sơn khoảng 100.000 người, sản lượng khai thác thủy - hải sản trên 18.000 tấn. Đặc biệt, nghề nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao, đang được đầu tư và phát triển mạnh tại đây.
 
Không chỉ vượt biển đến các đảo xa, dòng điện lưới còn vươn đến hàng trăm bản làng, vùng quê xa ngái của đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy cuộc sống nơi đây hồi sinh. Sóc Trăng hiện có gần 470.000 người dân tộc thiểu số, chủ yếu tập ở những vùng xa, cuộc sống của người dân khi xưa đa số không mấy khấm khá. Nhờ điện lưới quốc gia kéo về tận thôn, bản, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân đã không ngừng phát triển.
 
Theo ông Nguyễn Phước Quý Hùng - Phó giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng, năm 2008, Dự án Cấp điện cho các thôn, buôn ở Lâm Đồng được duyệt 210 tỷ đồng. Nhờ đó, hơn 27.300 hộ dân đồng bào dân tộc ít người thuộc 116 xã hiện nay được sử dụng điện lưới quốc gia. "Tại Lâm Đồng, tỷ lệ người dân có điện chiếm 99,3%; trong đó đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa chiếm trên 98%. Đây là sự cố gắng vượt bậc của ngành điện lực và các cấp chính quyền địa phương đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn" - ông Hùng khẳng định

Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng:
 
Đưa điện về nông thôn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống đã xóa dần ranh giới giữa văn minh và lạc hậu. Dòng điện lưới quốc gia đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất, tăng thêm ngành nghề, tăng năng suất và thu nhập của từng hộ dân được cải thiện rõ rệt.
 
Theo: Báo Công thương