Qui hoạch điện

Điều chỉnh quy hoạch điện VII: Đảm bảo phát triển bền vững

Thứ tư, 24/2/2016 | 15:53 GMT+7
Đảm bảo phát triển bền vững là quan điểm tổng quát được đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhằm bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2016 và giai đoạn tiếp theo…
 
Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhằm đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2016 và giai đoạn tiếp theo.
 
Điều chỉnh quy hoạch là cần thiết
 
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,91%, một số công trình nhà máy điện chậm tiến độ; việc xây dựng lưới điện truyền tải trong nước cũng như liên kết lưới điện còn gặp khó khăn do thiếu vốn và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, đã xuất hiện những yếu tố mới như khả năng cung cấp than hạn chế, xuất hiện thêm nguồn khí mới, chiến lược phát triển mạnh năng lượng tái tạo; chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia được đẩy mạnh; ý thức sử dụng điện tiết kiệm được nâng cao. Ngoài ra, còn có những yêu cầu cấp bách liên quan đến môi trường - khí hậu... Đây cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện Quy hoạch điện VII chưa đạt như kỳ vọng.
 
Trên thực tế, 5 năm qua, tăng trưởng phụ tải điện thấp hơn nhiều so với dự báo. Sản lượng điện thương phẩm tăng bình quân 10,6%/năm (dự báo 14,1%); điện sản xuất và công suất cực đại tăng bình quân 10,4% (dự báo 13,9%). Việc phát triển nguồn điện chỉ đạt 90% (đưa vào vận hành 18.500 MW) chậm khoảng 3.000 MW so với mục tiêu đề ra. Tổng khối lượng xây dựng đường dây và máy biến áp 500kV đạt 80-96% và 71-82% đối với lưới 220kV. Năm 2015 điện thương phẩm ước đạt 143,3 tỷ kWh, công suất cực đại ước đạt 25.300 MW, giảm 5.500 MW so với dự báo.
 
Do vậy cần phải điều chỉnh lại Quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế, nhằm khai thác tối ưu các nguồn lực để cung cấp đủ điện với chất lượng cao, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững.
 
Những nội dung điều chỉnh
 
Bộ Công Thương đã xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch trên quan điểm sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, đầu tư phát triển nguồn điện cân đối phù hợp giữa các miền. Coi việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là khâu đột phá giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Kiên trì cơ chế thị trường, tiến tới cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực điện... Theo đó, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh là điện thương phẩm, điện sản xuất tăng trưởng lần lượt là 10,4%-10,1%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và 8%/năm cho giai đoạn từ 2021-2030 phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm giai đoạn 2016-2030. Nghĩa là điện thương phẩm năm 2020 đạt 228-245 tỷ kWh, năm 2025 đạt 337-379 tỷ kWh và đạt 456-506 tỷ kWh vào năm 2030.
 
Đến năm 2020, công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 60.500 MW, trong đó, nhiệt điện than chiếm 30,1%, thủy điện và thủy điện tích năng chiếm 30%, NLTT và thủy điện nhỏ chiếm 10%, nhiệt điện dầu - khí chiếm 14%, nhập khẩu chiếm 2%. Năm 2025, công suất đặt đạt 95.400 MW và đạt 129.500 MW vào năm 2030.
 
Xây dựng lưới điện giai đoạn 2016-2020 phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho miền Nam và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại đạt tối thiểu tiêu chí N-1. Giai đoạn 2021-2030 phương thức truyền tải bằng dòng điện xoay chiều hoặc 1 chiều với cấu trúc mạch vòng kín đối với lưới điện 500kV. Lưới điện 220kV được xây dựng theo cấu trúc mạch vòng kép để vận hành linh hoạt.

Tổng nhu cầu vốn phát triển nguồn và lưới điện không tính các nguồn điện BOT giai đoạn 2016 - 2030 khoảng 148 tỷ USD (trung bình từ 7,9 - 10,8 tỷ USD/năm) được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó từ 75-76% vốn cho xây dựng nguồn điện và 24-25% cho xây dựng lưới điện tùy từng giai đoạn.
 
Theo: Báo Công thương