Sự kiện

Điều hành giá điện theo đúng nguyên tắc thị trường

Thứ ba, 31/3/2015 | 11:04 GMT+7
Đó là khẳng định của Chính phủ, các thành viên Chính phủ tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I/2015 chiều tối ngày 30/3.
 

Giá điện tăng 7,5% không ảnh hưởng gì đáng kể tới GDP. Ảnh: Ngọc Thọ/Icon.com.vn
 
Cụ thể, chiều tối 30/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I năm 2015.
 
Tại cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu quan điểm: Việc tăng giá điện 7,5% vừa qua không ảnh hưởng đáng kể gì tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tốc độ tăng GDP của cả nước.
 
Đại diện Bộ Công Thương, người đứng đầu - Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, điều chỉnh giá điện tăng 7,5% nằm trong lộ trình tính toán phê duyệt. Chính phủ cùng các thành viên chính phủ đã tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc tỉ mỉ tới độ tác động và ảnh hưởng kinh tế xã hội và cho phép mức tăng như vậy. Đặc biệt, tăng 7,5% nhưng việc bù lỗ giá điện cho các hộ nghèo vẫn ở mức trên 140 tỷ đồng.
 
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thì nói: Khi đưa ra phương án điều chỉnh giá điện các Bộ đã tính toán kỹ lưỡng 3 phương án chọn tăng và quyết định không tăng cao vì sợ ảnh hưởng đến GDP nên mức tăng 7,5% là hợp lý. “Việc tăng giá điện 7,5% đã đạt yêu cầu cơ bản là EVN bán giá điện trên giá thành, có lãi và dư một phần để bù đắp chênh lệch tỷ giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Mức điều chỉnh 7,5% là hợp lý do cũng không tác động quá lớn tới tăng trưởng GDP bởi điện là đầu vào trực tiếp của nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng của nền kinh tế" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích thêm.
 
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng còn cho biết thêm, với những lĩnh vực như sắt thép hay xi măng thì giá điện tăng 7,5% kéo theo giá thành tăng dưới 0,66%. Theo Bộ trưởng Hoàng, kinh nghiệm thời gian qua, mỗi lần tăng giá điện mà làm tốt thông tin tuyên truyền thì hạn chế “té nước theo mưa”.
 
Kết luận cuộc họp liên bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho hay, việc điều hành giá xăng, giá điện thời gian vừa qua đã theo nguyên tắc thị trường. Các bộ ngành cần theo dõi sát diễn biến để điều chỉnh chính sách kịp thời.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sự ổn định của kinh tế vĩ mô có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ xác định rõ, tình hình kinh tế vĩ mô phải được thường xuyên đánh giá để chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường ngày càng đầy đủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
 
Theo Thủ tướng, những nhận định, dự báo tình hình đã đưa ra thời gian qua là sát đúng, nền kinh tế dần phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn; sản xuất công nghiệp tăng khá mạnh; lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ cũng đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; công tác an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm;… Từ những kết quả đạt được, lòng tin của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được củng cố và tăng cường. Từ thực hiện nhiệm vụ trong quý I/2015, chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định có thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hôi đã đề ra cho năm 2015, trong đó có mục tiêu tăng trưởng đạt 6,2%; xuất khẩu tăng 10%; kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định về tỷ giá.
 
 
Trần Ngọc Thọ/Icon.com.vn