Sự kiện

Lào xây thủy điện Don Sahong:Việt Nam cần bằng chứng khoa học

Thứ hai, 2/2/2015 | 09:09 GMT+7
Kết quả tham vấn Thủy điện Don Sahong dù chưa được như mong muốn nhưng bước đầu cũng tạo niềm tin khiến Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu..
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã trao đổi với Đất Việt trước kết quả của cuộc họp đại diện chính phủ 4 nước thành viên là Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đối với quá trình tham vấn việc xây dựng thủy điện Don Sahong.
 
Cuối năm 2015 sẽ có kết quả
 
Tại cuộc họp này các quốc gia đều yêu cầu phía Lào gia hạn tham vấn đối với Dự án Thủy điện Don Sahong. Trong đó đoàn Thái Lan kiến nghị kéo dài tham vấn thêm 06 tháng, còn Việt Nam thì đề nghị đến cuối năm 2015.
 
Việc kéo dài thêm thời gian tham vấn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi chí ít đó là thời gian để các quốc gia đưa thêm ra những bằng chứng khoa học chứng minh cho Chính phủ Lào thấy được những tác hại nếu như việc xây dựng thủy điện được tiến hành vội vã.
 
Trên thực tế, từ năm 2010, Ủy hội sông Mekong đã có nghiên cứu đánh giá chiến lược các thủy điện trên sông Mekong. Một trong những kết quả của nghiên cứu này đã chỉ rõ bất cứ công trình thủy điện nào được xây dựng trên dòng sông chính Mekong nó́ sẽ mang lại các tác động môi trường vô cùng "nghiêm trọng và tiêu cực".
 
Với Việt Nam, từ tháng 6/2013 đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Các nghiên cứu chỉ ra việc xây dựng các công trình thủy điện gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế trên lưu vực sông Mekong – nơi sinh sống của hơn 20 triệu người.
 
Tuy nhiên để chứng minh cho các nước thấy được khi xây dựng thủy điện trên sông Mekong và ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như thế nào thì cần phải có kết quả đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ và thuyết phục.
 
Chính vì thế Chính phủ Việt Nam đã chi một khoản kinh phí lớn để mời các chuyên gia quốc tế tiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
 
Trước mắt các nghiên cứu sẽ tập trung đánh giá các tác động tổng thể của việc xây dựng và vận hành thủy điện bậc thang lên hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội ở các đồng bằng ngập lũ hạ lưu thuộc Việt Nam và Campuchia.
 
Nghiên cứu này cũng có nhiệm vụ chỉ ra, các yếu tố ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, chuyển tải bùn cát, phù sa, chất lượng nước; ảnh hưởng sinh cảnh, đa dạng sinh học. Bắt đầu từ các công trình thủy điện đến các yếu tố gây tác động về ngập lụt, các hình thái của dòng chảy ảnh hướng đến nhiều ngành khác như thủy sản, giao thông thủy gây ra hay đối với sinh kế của người dân.
 
Theo kế hoạch, tháng 12/2015 nghiên cứu phải được hoàn tất trình Chính phủ Việt Nam và gửi cho Ủy hội sông Mekong quốc tế và 3 quốc gia trong Ủy hội là Thái Lan, Lào và Campuchia.
 
Ths Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: "điều quan trọng và cần thiết hiện nay là Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện và công bố kết quả đánh giá tác động tích lũy để khẳng định nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong đối với môi trường, kinh tế và xã hội của khu vực hạ lưu trong tương lai.
 
“Quan trọng là Việt Nam phải nghiên cứu thế nào để đánh giá tách bạch, rõ ràng nguy cơ tiềm tàng của chính kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thách thức cho các nhà nghiên cứu của Việt Nam khi phải chỉ ra đâu là tác động do thủy điện, đâu là tác động do các yếu tố khác. Có như thế mới thuyết phục được các bên liên quan”, Ths Dũng nói.
 
Phải kiên trì bảo vệ lợi ích
 
Theo ông Hiệp, dù kết quả tham vấn chưa được như mong muốn nhưng bước đầu cũng tạo niềm tin để Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm bằng chứng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
 
"Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề ra định hướng và nguyên tắc chung, những gì ảnh hưởng lợi ích trực tiếp của mình mà ở đây là ĐBSCL, lợi ích phát triển bền vững lâu dài không chỉ cho mình mà cho con cháu đời sau thì cần được bảo vệ.
 
Trên thực tế đập thủy điện sẽ không nhìn thấy cái hại ngay lập tức mà có thể 50 năm mới thiệt hại. Như vậy phải có trách nhiệm cho tương lai con cháu.
 
Vì vậy phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho con cháu trên cơ sở những kết quả thực tế khoa học và pháp lý. Tất nhiên phải có những cách thức trên tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh chứ không phải là một tiếng nói cứng nhắc. Phải có sự trao đổi thông tin, thậm chí cả hợp tác trong nghiên cứu", ông Hiệp nói.
 
Theo đó, ông Hiệp cho biết cá nhân ông được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giao trách nhiệm là đầu mối phối hợp với các tỉnh thành trong ĐBSCL, các chuyên gia trong vùng cũng như các vùng miền khác quan tâm đến ĐBSCL và có kiến thức nghiên cứu nhiều năm; phối hợp với Bộ TNMT, Ủy ban sông Mekong Việt Nam theo dõi vấn đề này cho nên sẽ đeo bám đến cùng.
 
"Nếu như nhìn Xaybury Lào đã không tham vấn thì tới Don sahong đã thấy có một sự thay đổi nhất định cho nên phải kiên trì mục tiêu và có cách thức tác động thông qua mối quan hệ hợp tác và cơ sở pháp luật quốc tế đó là Hiệp định sông Mekong 1995", ông Hiệp nói.
 
Theo Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), muốn định lượng được tổn thất là bao nhiêu thì cần rất nhiều thời gian để đo đếm tình trạng hiện tại. Ví dụ sản lượng thủy sản tự nhiên, tình trạng sạt lở, năng suất lúa... và thiết lập các mối tương quan giữa tác động và tổn thất.
 
Ví dụ giảm bao nhiêu phù sa ở vùng biển thì năng suất thủy sản biển giảm là bao nhiêu; giảm phù sa lên đồng ruộng thì năng suất lúa giảm tương ứng bao nhiêu và khi nào; mất nguồn cá trắng thì ảnh hưởng như thế nào đến dinh dưỡng người dân, đặc biệt là người nghèo, trẻ em, phụ nữ, người già ở nông thôn và ảnh hưởng thế nào đến các loài khác như: chim, cò, rùa, rắn trong chuỗi sinh thái.
 
"Như vậy, ở vị thế bị tác động, Việt Nam hay đặc biệt là người dân ĐBSCL hoàn toàn có quyền nêu quan ngại cho đến khi nào có cơ sở khoa học vững chắc để đảm bảo tác động không nghiêm trọng hoặc có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu", bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Green ID khẳng định.
Theo: Baodatviet