Cầu dẫn ra trụ turbine, một trong những dự án của Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh.
Tại hội thảo “Tiềm năng về năng lượng sạch, cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển tại tỉnh Trà Vinh”, một số công ty, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận và đề xuất về phát triển điện gió, chính sách và kế hoạch phát triển năng lượng sạch tại Trà Vinh.
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện gió Đông Thành 1 cho biết: Đang triển khai dự án Nhà máy điện gió Đông Thành 1 và Đông Thành 2. Đây là 02 dự án điện gió quy mô lớn, tổng công suất 200MW, kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của cả nước. Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của địa phương, Công ty được cấp chủ trương đầu tư cho 02 dự án Nhà máy Điện gió Đông Thành 1, công suất 80MW và Đông Thành 2, công suất 120MW, là 02 dự án điện gió nearshore đang triển khai tại huyện Duyên Hải.
Dự án Nhà máy Điện gió Đông Thành 1, tổng mức đầu tư 4.478 tỷ đồng (tương dương 188,9 triệu đô la Mỹ), trong đó 20% vốn đầu tư của doanh nghiệp và 80% vốn huy động trong nước. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện 633 tỷ đồng, tương ứng 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, Dự án triển khai trên 330,28ha, trong đó khu vực đất liền 2.43ha và mặt nước 327,85ha. Dự kiến lắp đặt 20 trụ turbine trên biển với tổng công suất 80MW. Xây dựng Trạm biến áp tăng áp 35/220kV Đông Thành và đường dây trên không mạch kéo đến Trạm biến áp 220/500kV Trung tâm điện lực Duyên Hải.
Hiện Công ty đã ký kết hợp đồng tổng thầu xây dựng EPC cho hạng mục Nhà máy, Trạm biến áp 220kV, đường dây và ngăn lộ mở rộng. Các nhà thầu đang thực hiện thiết kế cho hạng mục nhà máy và Trạm biến áp. Dự án dự kiến triển khai thi công vào năm 2024 và hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm 2025.
Dự án Nhà máy Điện gió Đông Thành 2 có tổng mức đầu tư 6.797 tỷ đồng (tương dương 298,1 triệu đô la Mỹ), trong đó 20% vốn doanh nghiệp và 80% vốn huy động trong nước. Dự án triển khai trên 328.94ha, khu vực đất liền đặt trạm biến áp, nhà điều hành dùng chung với dự án Nhà máy điện gió Đông Thành 1. Dự kiến lắp đặt 20 trụ turbine trên biển, tổng công suất 120MW. Xây dựng lắp 02 máy biến áp 35/220kV, công suất 2x75 MVA tại Trạm biến áp 220kV Nhà máy Điện gió Đông Thành 1 để phục vụ đấu nối Nhà máy Điện gió Đông Thành. Hiện Công ty đang thương thảo và chuẩn bị ký kết hợp đồng tổng thầu xây dựng EPC cho hạng mục Nhà máy. Dự án dự kiến sẽ triển khai thi công vào năm 2024 và hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm 2025.
Việc đầu tư Dự án điện gió Đông Thành 1 và Đông Thành 2 làm nguồn phát điện và liên kết với hệ thống điện lưới quốc gia sẽ bổ sung thêm nguồn điện sạch. Giá thành điện gió ổn định và không chịu ảnh hưởng bởi tính bất ổn của nhiên liệu hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Trà Vinh.
Nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, Công ty mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh trong thời gian tới để 02dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công ty cam kết sẽ nỗ lực để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, góp phần chung tay xây dựng tỉnh Trà Vinh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ông Mạc Quang Huy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam chia sẻ: Thách thức đối với các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới tại tỉnh Trà Vinh. Đồng hành cùng cam kết của Chính phủ Việt Nam với Quốc tế, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) xây dựng tầm nhìn tiên phong trong lĩnh vực mới, định hướng tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là ngành kinh doanh cốt lõi. Sau 05 năm, TTVN Group đã triển khai thành công một số dự án năng lượng tái tạo tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có dự án Nhà máy điện gió V1-2, công suất 48MW tại Trà Vinh. Trong 02 năm liên tiếp 2019 và 2020, TTVN Group vinh dự nằm trong Top 3 Doanh nghiệp Năng lượng sạch tại Việt Nam.
Tại Trà Vinh, TTVN Group xây dựng tập trung vào đánh giá tiềm năng điện gió. Đồng thời, tập trung nguồn lực để vượt qua và quyết tâm triển khai thành công các dự án điện gió tại vị trí V3-3, V1-2 mở rộng và điện gió ngoài khơi trên địa bàn trong thời gian tới.
Dự án điện gió tại vị trí V3-3 là dự án phù hợp với tiềm năng phát triển điện gió và Quy hoạch tỉnh Trà Vinh, xếp thứ 01 trong danh mục các dự án điện gió gần bờ mời gọi đầu tư sau khi rà soát tiêu chí đánh giá của Bộ Công thương. Triển khai thành công sẽ cung cấp thêm khoảng 319GWh/năm vào nguồn điện quốc gia, đồng thời giảm lượng phát thải lên đến 295.000 tấn CO2/năm. Đóng góp vào ngân sách địa phương hàng năm khoảng 120 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động trong giai đoạn vận hành
Dự án Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng là dự án phù hợp với Quy hoạch tỉnh Trà Vinh, xếp thứ 2 trong danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư sau khi rà soát theo tiêu chí của Bộ Công thương. Dự án sẽ bổ sung thêm khoảng 164GWh/năm vào lưới điện 110kV của khu vực, đáp ứng nguồn điện tại chỗ và nhu cầu ngày càng tăng của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu nhập cho người lao động. Tổng sản lượng giảm phát thải từ Dự án ước khoảng 94.500 tấn CO2/năm, đóng góp ngân sách khoảng 40 tỷ đồng/năm.
Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Trà Vinh do Liên danh TTVN Group và đối tác trong nước hợp tác cùng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản khảo sát, nghiên cứu đầu tư.
Dự án được triển khai sẽ sớm đưa Trà Vinh trở thành một trong những địa phương đầu tiên triển khai dự án điện gió ngoài khơi với quy mô công suất lớn, góp phần xây dựng tỉnh Trà Vinh trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực và cả nước. Bổ sung hàng tỷ KWh điện/năm vào lưới điện quốc gia và đóng góp vào ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng/năm trong suốt vòng đời dự án.
Ngoài việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đấu nối lên hệ thống điện quốc gia, TTVN nghiên cứu, triển khai 1.200MW điện gió ngoài khơi sau 2030 với định hướng tự sản, tự tiêu thông qua sản xuất Hydrogen hoặc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Phát điện 1 chia sẻ: "Mục tiêu của phát triển điện gió ngoài khơi nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học và công nghệ. Phát triển điện gió ngoài khơi, theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch “Các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được phân bổ theo vùng. Quy mô công suất điện gió ngoài khơi sẽ được chuẩn xác trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể của các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được các địa phương quyết định căn cứ vào các yếu tố chính “chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải điện và hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội các địa phương”.
Theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030, điện gió ngoài khơi dự kiến là 6.000MW (tương ứng với 04% tổng công suất các nguồn điện), trong đó khu vực Nam Bộ là 1.000MW. Phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2050 dự kiến 70.000 - 91.500MW (tăng 12 lần so với năm 2030).
Link gốc