Tin trong nước

Đoàn công tác của Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng (Lào) tham quan, học tập kinh nghiệm vận hành hồ chứa thủy điện Hòa Bình

Thứ tư, 3/8/2022 | 16:54 GMT+7
Ngày 2/8/2022, tại Hòa Bình, Đoàn công tác của Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng (DESM) thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào) đã có buổi tham quan, học tập kinh nghiệm vận hành hồ chứa thủy điện Hòa Bình.
 

Đoàn công tác của Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng (Lào) làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình, ngày 2/8/2022.
 
Ông Phạm Văn Vương – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng từ năm 1979, hòa lưới tổ máy số 1 vào cuối năm 1988. Nhà máy có 8 tổ máy vận hành với tổng công suất lắp đặt là 1.920MW. 
 
Đây là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Việt Nam và cũng là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Thủy điện Hòa Bình cũng được đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia.
 
Qua hơn 30 năm vận hành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn đóng vai trò là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Cùng với nhiệm vụ chính là cắt lũ, giảm lũ và phát điện, Thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.

Đoàn công tác của Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng (Lào) nghe giới thiệu công tác vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
 
Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm khoảng 65-70% tổng lượng xả từ tất cả các hồ thủy điện lớn ở phía bắc. Không chỉ vậy, trong suốt mùa cạn, nhà máy thực hiện phương thức phát điện duy trì dòng chảy tối thiểu luôn lớn hơn dòng chảy tự nhiên giúp cho các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng; tạo điều kiện kết nối giao thương giữa khu vực miền núi Tây Bắc với Đông Bắc Bộ thuận tiện hơn.
 
Tại buổi làm việc, ông Phoukhong Sengvilay - Phó Cục trưởng DESM, Trưởng đoàn công tác cho biết: “Khi còn là sinh viên Đại học Thủy lợi (Hà Nội), tôi đã lên thực tập giai đoạn lắp đặt các tổ máy của NMTĐ Hòa Bình năm 1992. Tôi ấn tượng với công trình thế kỷ - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình”. 
 
Ông Phoukhong Sengvilay cảm ơn Công ty Thủy điện Hòa Bình đã chia sẻ rất nhiều kiến thức bổ ích và giải đáp cụ thể từng vấn đề mà đoàn công tác của DESM đặt gia về các nội dung liên quan đến an toàn đập, hồ chứa thủy điện, vận hành hồ chứa vào mùa mưa bão, thứ tự ưu tiên khi vận hành hồ chứa thủy điện Hòa Bình.... Ông Phoukhong Sengvilay mong muốn các chuyên gia của Công ty Thủy điện Hòa Bình với nhiều năm kinh nghiệm trong vận hành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm cho công tác vận hành các nhà máy thủy điện của Lào hiện nay.
Lê Linh