Quản lý năng lượng

Doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm điện

Thứ năm, 10/8/2017 | 15:44 GMT+7
Tiết kiệm điện năng không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn làm lợi cho chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng tìm ra được những giải pháp tiết kiệm điện (TKĐ) hiệu quả. 
 
Với thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, ban ngày, các phân xưởng của Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong không cần đèn  chiếu sáng.

Kiểm soát chặt sản lượng điện tiêu thụ
 
Xác định tiết kiệm điện (TKĐ) là tiết kiệm cho chính túi tiền của doanh nghiệp, những năm qua, công tác TKĐ được khu resort Vạn Chài (Sầm Sơn, Thanh Hóa) chú trọng. 
 
Ông Trần Văn Phi - Phó Giám đốc Khu resort Vạn Chài cho biết, “Để TKĐ hiệu quả, resort Vạn Chài phối hợp chặt chẽ với Điện lực trong công tác kiểm soát sản lượng điện tiêu thụ. Theo đó, hàng tháng, điện lực sẽ gửi thông báo sản lượng điện tiêu thụ cho chúng tôi, có so sánh với cùng kỳ năm trước; đồng thời đưa ra những khuyến cáo nếu sản lượng điện tăng cao. Từ đó, ban lãnh đạo kịp thời chấn chỉnh các bộ phận trong việc sử dụng điện”.
 
Hiện nay, Khu resort Vạn Chài đã quy định cụ thể thời gian tắt/bật hệ thống điện ở các khu vực công cộng, đảm bảo du khách được có trải nghiệm tốt nhưng doanh nghiệp vẫn tiết kiệm được điện năng tiêu thụ. “Riêng việc quản lý hệ thống chiếu sáng ngầm ở bể bơi vào ban đêm được đặc biệt lưu ý, khi không còn khách tắm, phải tắt ngay. Bởi công suất đèn ở bể bơi lên tới 500 W, gần tương đương hệ thống chiếu sáng cả khu vườn, nên chỉ một đêm quên tắt đèn, đã lãng phí sản lượng điện rất lớn”, ông Phi cho hay. 
 
Ngoài ra, Khu resort Vạn Chài còn cài đặt hệ thống tự động ngắt điện khi du khách ra khỏi phòng. Việc làm này góp phần TKĐ rất hiệu quả, nhất là đối với hệ thống bình nóng lạnh và điều hòa nhiệt độ... 
 
Còn ở Công ty Sản xuất Thép Úc SSE (Công ty Thép Úc – tại TP.Hải Phòng), nhằm nâng cao ý thức của người lao động trong việc TKĐ, Công ty đã giao khoán định mức sử dụng điện/tấn sản phẩm; đồng thời áp dụng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng.
 
Theo đó, trong quá trình sản xuất, vận hành thiết bị, nếu tiết kiệm được 1 kWh/tấn sản phẩm so với định mức quy định, công nhân sẽ được thưởng 300.000 đồng; ngược lại, nếu sử dụng điện vượt quá 1 kWh/tấn sản phẩm, sẽ bị phạt 300.000 đồng. Tiền thưởng/phạt được tính trực tiếp vào lương hàng tháng. Điều này đã tạo động lực giúp CBCNV phấn đấu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhất.
 
“Chúng tôi đã gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người lao động. Do đó, trong hoạt động sản xuất hàng ngày, ý thức sử dụng điện tiết kiệm của CBCNV rất cao. Có tháng, Công ty chi tiền thưởng do tiết kiệm điện lên tới hàng trăm triệu đồng”, ông Đỗ Quang Vượng - Giám đốc Sản xuất Công ty Thép Úc cho hay.
 
Bên cạnh đó, Công ty Thép Úc còn thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, nhằm giảm những tình huống thao tác sai, gây sự cố khiến máy chạy không tải.
 
Đầu tư công nghệ hiện đại
 
Là doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất ống nhựa tại Việt Nam, để giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (TP.Hải Phòng) đã đầu tư công nghệ hiện đại để giảm thiểu năng lượng tiêu hao trong sản xuất. 
 
Ông Phạm Văn Bằng - Quản đốc phân xưởng 5, Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong cho biết, Công ty hiện đang áp dụng những công nghệ hiện đại nhất trong sản xuất ngành nhựa. Điển hình là công nghệ tận dụng hơi nóng của sản xuất ống nhựa để đưa vào sấy hạt, tiết kiệm được nguồn điện năng rất lớn. Riêng với phân xưởng 5, công nghệ này giúp tiết kiệm hàng trăm nghìn kWh điện/tháng. 
 
“Ngoài ra, Phân xưởng 5 cũng đã đầu tư thiết bị hút point băng in nhiệt, giảm thời gian hút của máy in nhiệt xuống còn 6 giây. Với thiết bị này, nếu điện năng trước kia sử dụng 10 phần thì nay chỉ còn 1,5 phần”, ông Bằng cho hay. 
 
Theo ông Trần Quốc Thiện - Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, đặc thù sản xuất các loại ống nhựa là tiêu thụ điện lớn nên lãnh đạo Công ty rất quan tâm tới công tác tiết kiệm năng lượng nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Hiện nay, hệ thống máy lạnh, đường ống dẫn lạnh của Công ty đều được đầu tư bảo ôn. Công ty cũng lắp đặt biến tần cho hệ thống máy móc sản xuất phụ tùng, tiết kiệm 20-30% năng lượng tiêu thụ so với trước đây.
 
Công ty cũng từng bước loại bỏ hệ thống máy móc có công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng, đầu tư công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; hệ thống nhà xưởng được thiết kế sử dụng tôn chiếu sáng, tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên… 
 
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2016, Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong đã tiết kiệm 4,1 tỷ đồng tiền điện so với năm 2015.
 
Cũng theo ông Thiện, không phải DN nào cũng dám mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ. Do đó, để TKĐ hiệu quả, cần sự quyết tâm của lãnh đạo các DN. Tùy vào năng lực tài chính, các công ty có có thể làm từ từ từng bước. “Tuy số vốn ban đầu khá cao, nhưng đây là việc các DN nên làm, bởi nó đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh”, ông Thiện cho hay.
Xuân Tiến/Icon.com.vn