Tin thế giới

Doanh nghiệp tìm cách thích nghi với tình trạng thiếu điện tại Nigeria

Thứ ba, 9/7/2024 | 16:37 GMT+7
Khoảng một nửa trong số hơn 200 triệu người dân Nigeria được kết nối với lưới điện quốc gia, song họ vẫn không được cung cấp đủ điện năng hàng ngày.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, những cộng đồng nông thôn nghèo ở Nigeria thì hoàn toàn không được kết nối với lưới điện quốc gia, đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người dân nghèo không được sử dụng điện và đang phải tìm cách duy trì cuộc sống mà không có điện. Tình trạng thiếu điện cũng khiến nhiều doanh nghiệp như nhà hàng, trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất... phải vật lộn thích nghi và tìm cách ứng phó để duy trì hoạt động. Những lớp học ngột ngạt và thiếu ánh sáng vào mỗi buổi sáng khi trẻ em đi học ở Nigeria là một tình trạng đáng báo động. Những tia sáng mặt trời chiếu qua các ô cửa sổ bằng gỗ là nguồn sáng duy nhất. Học sinh phải nheo mắt nhìn sách vở, thi thoảng nhìn lên bảng trong khi giáo viên cố gắng thu hút sự chú ý của các em. Nhiều tòa nhà không được kết nối với lưới điện quốc gia, tạo ra những khó khăn lớn cho việc học tập.

Ông Muyideen Raji, người sáng lập trường Đạo đức Xuất sắc, cho biết: “Ở đây chưa bao giờ có điện và chúng tôi đã cố gắng hết sức để có được một trạm biến áp để được kết nối với lưới điện quốc gia, nhưng đến nay vẫn chưa được. Điều đó đang ảnh hưởng đến nhiều thứ ở đây, đặc biệt là giáo dục. Ngày nay, giáo dục đã vượt ra ngoài việc viết và nghe giáo viên giảng bài. Giáo dục đã được số hóa và chúng tôi không có cách nào để cung cấp cho học sinh những điều tốt nhất nếu như chúng tôi không có điện.”

Không giống như Trường Đạo đức Xuất sắc ở Ibadan, một số cộng đồng may mắn hơn được kết nối với lưới điện nhưng cũng thường xuyên bị cắt điện và phải sử dụng máy phát điện tư nhân chạy bằng xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, việc trợ cấp xăng dầu lâu dài hiện đã bị xóa bỏ, nhiều hộ gia đình, trường học, bệnh viện và doanh nghiệp đang phải vật lộn với chi phí nhiên liệu cho máy phát điện dự phòng của họ.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo và Tiểu học Lorat ở Ibadan đã ngừng sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel làm phương án thay thế do chi phí cao. Mặc dù trường nằm trong khu vực được kết nối với lưới điện, nhưng đôi khi họ có thể mất điện trong hai tuần.

Ông Abdulkaheem Adedoja, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo và Tiểu học Lorat, chia sẻ: “Chúng tôi đã đấu nối dây điện quanh đây, chúng tôi thậm chí đã đấu nối vào lưới điện, song vẫn chưa có điện. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ trường học bởi chúng tôi không thể sử dụng được các thiết bị của mình.”

Không chỉ thiếu điện để học tập bằng máy tính, việc thiếu ánh sáng phù hợp và quạt cũng gây khó khăn cho các em học sinh và giáo viên trong quá trình học tập, giảng dạy. Học sinh cũng không thể hoàn thành bài tập về nhà. Ông Adedoja lo lắng: “Một trong những nỗi lo lớn nhất là chúng tôi không muốn mất ngôi trường này trong khi mọi người đang rời đi, rời khỏi khu vực này vì không có ánh sáng. Một số gia đình đã chuyển đi vì không có ánh sáng trong cộng đồng này. Chúng tôi đang mất đi nhiều học sinh vì lý do đó. Các em rời đi theo gia đình và phải chuyển trường.”

Với công suất dưới 8.000 megawatt và nguồn cung cấp trung bình dưới 4.000 megawatt — ít hơn một nửa so với lượng điện Singapore cung cấp cho chỉ 5,6 triệu người - tình trạng mất điện xảy ra hàng ngày ở Nigeria. Đối với các doanh nghiệp nhỏ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, như nhà hàng, họ phải đóng cửa hoặc tiếp tục sản xuất điện thay thế, gây ra chi phí cao trong quá trình này.

Bà Ebunola Akinwale, chủ sở hữu của Nature’s Treat Cafe ở Ibadan, cho biết bà phải trả 2,5 triệu Naira (khoảng 1.700 đô la Mỹ) hàng tháng để cung cấp điện cho máy phát điện dự phòng tại bốn chi nhánh của mình.

Bà chia sẻ: “Để có đủ điện năng cung cấp cho nhu cầu của mình, tôi đã phải bỏ ra nhiều tiền để sử dụng những nguồn điện thay thế khác như máy phát hay năng lượng mặt trời. Có những tháng, tôi cảm thấy mình không thu được đồng lợi nhuận nào vì phải chi cho chi phí sử dụng điện quá nhiều. Không chỉ vậy, việc thiếu điện khiến hoạt động sản xuất nguyên liệu thô cũng tăng lên, kéo theo nhiều chi phí tăng theo.”

Ở một đất nước có nhiều nắng như Nigeria, nhiều người đang tìm đến nguồn năng lượng mặt trời để thay thế, song việc các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời lớn để cung cấp đủ năng lượng cho người dân cũng là một vấn đề nan giải. Hàng chục triệu người dân Nigeria đang phải tìm cách thích nghi với cuộc sống có rất ít hoặc không có điện.

Bà Akinwale nhận định: “Nếu không có gì thay đổi, tình hình vẫn như hiện tại hoặc tệ hơn, tôi có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh của mình, tập trung vào kinh doanh trực tuyến hoặc đóng cửa một hoặc hai chi nhánh khác. Tôi có thể xem xét lại mô hình kinh doanh để giảm chi phí nhưng tôi sẽ không đóng cửa toàn bộ. Tôi sẽ nghĩ ra cách để ít phụ thuộc hơn vào điện.”

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mặc dù Nigeria có trữ lượng năng lượng lớn, nhưng hơn 92 triệu người dân nước này đang sống trong cảnh không có điện. Những người được kết nối với lưới điện phải đối mặt với tình trạng cắt điện thường xuyên. Năng lượng mặt trời, một trong những lĩnh vực tiềm năng của Nigeria, cũng gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình khai thác do các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng trong lĩnh vực đầu tư này bởi nhiều rủi ro do chi phí vận hành cao.

Link gốc

 

Theo: ANTV