Sản xuất bóng đèn Led tại Công ty TNHH Sowell Việt Nam (H.Nhơn Trạch). Ảnh: B.MAI
Các chương trình như: Xanh hóa trong sản xuất công nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm điện trong các đơn vị sự nghiệp hành chính; hưởng ứng Giờ Trái đất…
Để hướng đến mục tiêu tiết kiệm điện hiệu quả, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 7-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với điện lực địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm tại các cơ quan, đơn vị hành chính; đối với các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng đô thị, chiếu sáng quảng cáo phải đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 20% điện năng tiêu thụ; các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh thương mại, tòa nhà chung cư phải tiết giảm 50% công suất chiếu sáng cho quảng cáo và trang trí ngoài trời. Các đơn vị tuân thủ quy định cắt điện, giảm sử dụng khi xảy ra thiếu điện.
Trong giai đoạn 2020-2025, Đồng Nai tiếp tục chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, dịch vụ triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng; thay thế các trang thiết bị, máy móc có hiệu suất thấp bằng các thiết bị, dây chuyền có hiệu suất cao, tiết giảm năng lượng. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư các công trình thủy lợi, dẫn nước từ hồ đập về nơi sản xuất, hạn chế tình trạng bơm nước giếng khoan tràn lan; khuyến khích phát triển hệ thống tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm điện, nước.
Cùng với giải pháp về tiết kiệm, các sở, ngành đẩy mạnh thực hiện các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, trong đó, ưu tiên phát triển điện mặt trời, điện từ rác, thủy điện nhằm tăng cường nguồn cung cấp điện tại chỗ cho tỉnh; kịp thời ứng phó với tình trạng thiếu điện cục bộ có thể xảy ra, giảm thiểu tổn thất năng lượng trong quá trình chuyển tải.
UBND tỉnh cũng yêu cầu PC Đồng Nai xây dựng kế hoạch cải tạo các công trình điện, hạn chế sự cố và giảm tổn thất điện năng; ưu tiên phát triển các dự án cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt; có phương án phân bổ sản lượng hợp lý tránh tình trạng thiếu điện sản xuất vào cao điểm, cắt điện trên diện rộng và kéo dài.
Để chương trình tiết kiệm điện đạt hiệu quả, yêu cầu các sở, ngành tham mưu ban hành quy chế, quy định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện quy định sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tiết kiệm điện tốt, phát triển các dự án năng lượng tái tạo hữu ích, có thể nhân rộng.
Làm việc với PC Đồng Nai mới đây, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu về sản lượng điện tiêu thụ cả nước, chiếm khoảng 6%, trong đó, 75% sản lượng điện phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp và xây dựng. Do đó, địa phương phải thường xuyên thực hiện tiết kiệm điện trên các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất công nghiệp.
Hiệu quả từ thực hiện tiết kiện điện tại Đồng Nai có ý nghĩa lớn đối với công tác đảm bảo an ninh năng lượng và áp lực đầu tư đường dây, trạm biến áp ngành điện. Ông Lâm cho biết thêm, thời gian qua, EVN chỉ đạo các điện lực thành viên triển khai nhiều chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện và đang tiếp tục các giải pháp quản lý ở phía sử dụng điện như: chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, phát triển điện mặt trời áp mái…
Theo đánh giá của Sở Công thương, những năm qua, chương trình tiết kiệm điện ở Đồng Nai đã có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình, chương trình hiệu quả được triển khai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất, DN tham gia thực hiện tốt chương trình kiểm toán năng lượng, quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng như thực hiện các các chương trình tiết kiệm điện khác; yêu cầu DN phải thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới.
Theo khuyến cáo của EVN, để sử dụng điện tiết kiệm, các hộ gia đình nên chuyển sang sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng thiết bị điện. Đối với các DN, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm; thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện; lắp đặt thêm điện mặt trời áp mái để chủ động nguồn cung và tiết giảm chi phí sản xuất.
Đối với các cơ quan công lập, đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức xã hội, EVN khuyến cáo, cần xây dựng nội quy sử dụng điện tiết kiệm, dần thay thế các thiết bị tiết kiệm điện, giảm lượng đèn chiếu sáng khu vực công cộng. Các đơn vị quản lý chiếu sáng công cộng cần quan tâm đầu tư sử dụng các loại đèn thế hệ mới có hiệu suất phát quang cao thay thế cho các đèn thế hệ cũ có hiệu suất phát quang thấp, lắp đặt hệ thống điều khiển tự động, điều chỉnh công suất và thời gian bật, tắt phù hợp.