Không gian phía trên các nhà máy rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh:H.Giang
Đây là nguồn năng lượng sạch được Chính phủ khuyến khích phát triển.
Theo UBND tỉnh, Đồng Nai có 32 KCN với tổng diện tích hơn 10 ngàn hécta. Các doanh nghiệp đầu tư khai thác điện mặt trời sẽ tận dụng những mái nhà xưởng trong các KCN để lắp đặt máy móc, thiết bị.
Vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư với ý định sẽ đầu tư làm điện mặt trời. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Đồng Nai là nơi có số giờ nắng trong ngày khá nhiều, rất thuận lợi để đặt các thiết bị khai thác nguồn năng lượng sạch. Nguồn điện sạch sau khi thu được các doanh nghiệp có thể sử dụng trực tiếp cho sản xuất, sinh hoạt, trường hợp dùng không hết có thể bán lại hòa vào lưới điện quốc gia.
Đầu tháng 9-2019, ông Yoon Byung Tae, Phó thống đốc tỉnh Jeollanam (Hàn Quốc) đã đến Đồng Nai ký kết đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dự kiến, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đến Đồng Nai đầu tư vào điện mặt trời. “Chúng tôi đã tìm hiểu một số địa phương trong tỉnh và thấy có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, tới đây tôi sẽ giới thiệu những doanh nghiệp trên lĩnh năng lượng đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là điện mặt trời” - ông Yoon Byung Tae nói.
Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Đức, Đài Loan... cũng rất quan tâm đến lĩnh vực trên và đang tìm hiểu với ý định sẽ đầu tư vào tỉnh. Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn tiếp tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và dịch vụ. Trong đó, một số doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch dự tính sẽ hợp tác đầu tư sản xuất điện mặt trời”.
Theo một số doanh nghiệp thì vốn đầu tư cho làm điện mặt trời cao hơn so với đầu tư thủy điện. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào để sản xuất ra điện được các nhà khoa học trên lĩnh vực môi trường đánh giá là khá tốt. Bởi nguồn điện này ít ảnh hưởng đến môi trường.
Đồng Nai có nhiều KCN, trong đó tỷ lệ lấp đầy đã đạt trên 78%. Phía trên mái các nhà máy trong các KCN là không gian lý tưởng để sản xuất điện mặt trời. Thời gian qua, cũng có một số doanh nghiệp tự đầu tư các thiết bị làm điện mặt trời phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và lượng điện còn dư lại được bán cho ngành điện lực hòa vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư lớn về lĩnh vực này tại Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh, từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ mời gọi đầu tư để sản xuất khoảng 1 ngàn MW điện mặt trời từ các KCN. Công suất trên sẽ lớn hơn nhiều lần so với một số nhà máy thủy điện trong nước. Để sản xuất lượng điện trên, ước tính cần khoảng 1 ngàn hécta, diện tích này đã có sẵn và là các khoảng không phía trên các nhà máy. Trong quy hoạch các KCN tới đây, UBND tỉnh sẽ tính toán đến việc quy hoạch không gian phía trên làm điện mặt trời. “Tới đây, Đồng Nai sẽ mở rộng và quy hoạch thêm nhiều KCN mới, theo đó nguồn điện dùng cho sản xuất sẽ rất lớn. Do đó, làm điện mặt trời phải triển khai sớm để đảm bảo nguồn điện đang có nguy cơ bị thiếu hụt vào giai đoạn tới” - ông Vĩnh cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển nên nhu cầu tiêu thụ điện năng rất lớn, năm 2019 dự kiến khoảng 14 tỷ kWh. Vì vậy, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới là rất cần thiết. Hiện tỉnh đang mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới.