Tin thế giới

Đông - Nam Á tập trung phát triển năng lượng tái tạo

Thứ ba, 8/1/2019 | 09:10 GMT+7
Phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo luôn là vấn đề cấp thiết của các quốc gia Đông - Nam Á, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN xanh và sạch. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo không đơn giản, đòi hỏi các nước phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về tài chính, nguồn nhân lực, điều kiện kỹ thuật, khung pháp lý…

Đông - Nam Á tập trung phát triển năng lượng tái tạo
Nhà máy năng lượng mặt trời ở tỉnh Phét-cha-bu-ri, Thái-lan.
 
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế ASEAN thời gian qua, nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia trong khu vực ngày càng lớn. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN tăng 60% trong 15 năm qua. Tuy nhiên, than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên không phải là nguồn nhiên liệu vô hạn và bền vững, thay vào đó là nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Bởi vậy, các quốc gia Đông - Nam Á thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch.
 
Thời gian qua, các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các nước trong khu vực Đông - Nam Á đối mặt nhiều thách thức, trong đó nổi cộm nhất là thách thức về chi phí. Theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), ASEAN cần số vốn đầu tư lên tới 290 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo để có thể đạt mục tiêu từng đề ra, đó là tới năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 23% tổng năng lượng sơ cấp mà ASEAN sử dụng. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Habibie (In-đô-nê-xi-a), tiếp cận tài chính được coi là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo nói chung.
 
Cũng theo Trung tâm nghiên cứu Habibie, hiện một số quốc gia thành viên ASEAN, như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a... còn thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong đánh giá rủi ro đầu tư năng lượng tái tạo khiến cho các nhà đầu tư ngần ngại rót vốn vào các dự án này. Bên cạnh đó, điều kiện địa lý và kỹ thuật cũng là một thách thức. Cụ thể, các quốc gia như In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin do điều kiện địa lý là quốc gia quần đảo, cho nên các lưới điện bị chia cách, ảnh hưởng việc truyền tải điện và cản trở triển khai các dự án. Thiếu khung pháp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ và khu vực tư nhân... về lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là những rào cản lớn khác trong giới thiệu và phát triển các dự án ở Đông - Nam Á.
 
Vào cuối tháng 10-2018, ASEAN và IRENA đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó hai bên phối hợp cải thiện môi trường đầu tư và triển khai các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, đại diện IRENA sẽ làm việc với các Bộ trưởng Năng lượng của ASEAN về một số lĩnh vực trọng tâm gồm lập kế hoạch phát triển năng lượng, chia sẻ kiến thức, thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng năng lực đa bên... Theo IRENA, Đông - Nam Á là một khu vực phát triển nhanh và năng động, với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và số dân ngày càng tăng, sẽ làm tăng nhu cầu về điện. Bởi vậy, năng lượng tái tạo sẽ giải quyết nhu cầu này và bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện của khu vực. Trong khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Lim Giốc Hoi khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời cũng nhấn mạnh, thỏa thuận nêu trên sẽ tạo thuận lợi chuyển giao kiến thức về mặt chính sách và thực tiễn.
 
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, để phát triển nguồn năng lượng sạch, ASEAN cần khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này dựa trên chính sách ràng buộc hợp lý. Ngoài ra, các nước cũng cần xây dựng những lộ trình phát triển năng lượng sạch cấp khu vực cũng như cấp quốc gia; bảo đảm môi trường đầu tư ổn định, giúp các nhà đầu tư yên tâm về chính sách và các ưu đãi rõ ràng, nhất quán của chính phủ đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo...
 
Theo: Nhân Dân