Phiên tọa đàm tại hội thảo. ẢNH: THANH DUY
Ngày 14.11, Sở Công thương TP.Cần Thơ phối hợp với Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (VANZA) và Hua Wei tổ chức hội thảo Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp ĐBSCL.
Báo cáo từ VANZA cho biết, theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2035, ĐBSCL có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng này, điều đáng lo là nhu cầu năng lượng tại ĐBSCL tăng 15% trong 10 năm qua. Theo dự báo, 10 năm tiếp theo, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng trung bình 12 %/năm. Đến năm 2030, nhu cầu về năng lượng có thể tăng gấp 4 lần so với năm 2005.
Theo ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch VANZA, ĐBSCL không chỉ gặp thách thức về biến đổi khí hậu, mà còn đang có nhu cầu cấp bách về chuyển đổi xanh để duy trì sản xuất và phát triển kinh tế bền vững. Bởi, điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng, hợp tác quốc tế. Hiện, các doanh nghiệp đang cần thêm những cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo phù hợp.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL có nguồn tài nguyên phong phú về điện gió, điện mặt trời và sinh khối giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Trong đó, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ vừa giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vừa tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Nghị định 135/2024 cũng đã mở ra nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, việc chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. "Hiện, một số doanh nghiệp ở Cần Thơ đã nhận được thông báo từ các đối tác nước ngoài. Đến năm 2025 sẽ có những rào cản chính thức đối với một số thị trường từ châu Âu, Nhật Bản và một số nước khác. Nếu chúng ta sản xuất không áp dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch sẽ bị áp thuế môi trường và tín chỉ các bon", ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) cũng đồng tình khi cho rằng điện mặt trời mái nhà là một giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh. Việc tự sản xuất điện không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn góp phần giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Theo quy hoạch điện 8 (phê duyệt tháng 5.2023), năm 2030 sẽ có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà hộ dân sẽ lắp điện mặt trời tự sạc, tự tiêu với công suất ước tính là 2.600 MW. "Tuy nhiên, hiện nay ước tính chỉ có 1% nhà dân có lắp điện mặt trời áp mái nhà. Vì vậy, công việc của chúng ta là rất lớn, đòi hỏi có những chính sách phù hợp", ông Dũng nói.
Tại hội thảo còn diễn ra tọa đàm Năng lượng xanh - Động lực phát triển bền vững cho ĐBSCL. Các chuyên gia, diễn giả đã thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề về xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, mô hình hợp tác công - tư để hỗ trợ chuyển đổi xanh, các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh...
Link gốc