Các cán bộ, kỹ sư PC Hải Dương kiểm tra các thiết bị, máy biến áp… trước khi đóng điện, đưa vào vận hành. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Dự án do Công ty Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư; nhà thầu cung cấp và lắp đặt máy biến áp là Công ty cổ phần sản xuất thiết bị điện Đông Anh và các nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị, giám sát thi công, thí nghiệm… với tổng mức đầu tư dự án trên 42 tỷ đồng.
Dự án gồm lắp đặt máy biến áp T2 có công suất 40MVA và các thiết bị điều khiển, xuất tuyến, đo lường; hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Khi đưa vào hoạt động, dự án sẽ chuyển đấu nối 1 xuất tuyến 35 kV lộ 373 E8.19 từ máy T1 sang máy T2; xây dựng mới 1 xuất tuyến 22 kV; cải tạo lộ 377E8.19 sang vận hành cấp 22kV, chuyển đấu nối xuất tuyến lộ 377E8.19 sang lấy điện của máy T2.
Anh Nguyễn Xuân Hoan, Tổ phó Tổ thao tác lưu động số 3, Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Hải Dương chia sẻ: Trước đây, Trạm Nguyên Giáp chỉ có công suất 40 MVA và cung cấp điện cho một phần huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang và Thanh Hà, nhưng phần lớn chỉ đảm bảo điện cho sinh hoạt.
Đón trước sự phát triển kinh tế của huyện Tứ Kỳ, nhất là khi cơ quan chức năng đã phê duyệt xây dựng cụm công nghiệp Nguyên Giáp và dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, PC Hải Dương đã tiến hành đầu tư, lắp đặt thêm máy biến áp T2 cho Trạm.
Sau khi lắp đặt, đưa vào vận hành sẽ nâng công suất của Trạm biến áp Nguyên Giáp lên 80 MVA, đảm bảo cung cấp điện tin cậy cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại cụm công nghiệp Nguyên Giáp trong tương lai.
Dự án đưa vào hoạt động sẽ tăng khả năng cung cấp điện cho các phụ tải công nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực xã Quang Trung, Nguyên Giáp và các xã lân cận của huyện Tứ Kỳ. Đồng thời, góp phần chống quá tải cho máy biến áp T1 của Trạm biến áp 110kV Nguyên Giáp, các Trạm 110kV lân cận và các đường dây trung áp trong khu vực…
Dự án còn khai thác hiệu quả các xuất tuyến 35kV, 22kV sau Trạm biến áp và tạo mạch vòng liên lạc giữa các lộ đường dây 35kV, 22kV khu vực huyện Tứ Kỳ; nâng cao chất lượng điện năng trong khu vực, đảm bảo cấp điện chất lượng, ổn định, tin cậy cho các phụ tải; giảm tổn thất điện năng, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án thuộc Công ty Điện lực Hải Dương cho biết: Năm 2022, PC Hải Dương được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao thực hiện 41 dự án lưới điện từ 0,4kV đến 110kV để nâng cao năng lực, hiện đại hóa hệ thống lưới điện với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các dự án sẽ góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, tạo phương thức cấp điện linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các thành phần phụ tải, xóa được các điểm vi phạm hành lang lưới điện nghiệm trọng tồn tại nhiều năm tại một số địa bàn trong tỉnh.
Trong quý III năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của PC Hải Dương đạt trên 1.808 triệu kWh, tăng 3,3% so với cùng kỳ; tỷ lệ tổn thất là 1,42%, giảm 0,33% so cùng kỳ; chỉ số tiếp cận điện năng là 4,23 ngày; thời gian phục hồi cấp điện trở lại sau sự cố là 1,22 giờ…