Đột phá công nghệ: Tưới tiêu cho ruộng mía bằng điện mặt trời

Thứ ba, 12/9/2017 | 13:53 GMT+7
Ngày 8/9/2017, tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã hợp tác với Trung tâm tư vấn công nghiệp và tiết kiệm năng lượng, thuộc Sở Công thương Phú Yên triển khai mô hình tưới tiêu ruộng mía tự động bằng điện mặt trời (ĐMT).
Khu vực lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
 
 Đây được xem là bước đột phá về ứng dụng công nghệ đối với địa phương nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, trong bối cảnh thị trường đang chuyển biến theo Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hiện nay. 
 
Làm nông nghiệp trong kỷ nguyên kết nối vạn vật (internet-of-things)
 
Việc ứng dụng ĐMT thông minh vào khía cạnh sản xuất không chỉ góp phần gia tăng năng suất cây trồng, đảm bảo chất lượng đầu ra ổn định mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng mỗi tháng.
 
Trên cơ sở khảo sát, giải pháp ĐMT áp dụng cho mô hình tưới tiêu ruộng mía của SolarBK có công suất 2 kWp, đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tưới phủ trên 10 ha diện tích ruộng mía. Hệ thống bao gồm tấm pin ĐMT Poly 260W IREX, cảm biến độ ẩm, giám sát BelinK, ắc quy và một số thiết bị đi kèm khác, được lắp đặt trực tiếp tại ruộng theo quy tắc đảm bảo an toàn cũng như độ bền cho thiết bị. Qua tính toán, mỗi ngày hệ thống sẽ tạo ra được khoảng 10 kWh điện, ước tính tiết kiệm khoảng 4 triệu tiền điện mỗi năm. 
 
Thực tế, mô hình tưới tiêu tự động trong lĩnh vực nông nghiệp không hẳn là khái niệm mới tại Việt Nam. Cái mới ở đây là việc áp dụng điện mặt trời, cũng như công nghệ IoTs (internet-of-things), cải tiến trên hệ thống sẵn có một cách “thông minh” và tiện lợi hơn. 
 
Giải pháp tưới tiêu “thông minh” bằng điện mặt trời
 
Anh Hoàng Anh Tuấn- Kỹ sư điện tử phát triển phần cứng của công ty SolarBK cho biết: “Để ra được thiết kế tổng thể cho giải pháp, đội ngũ R&D của SolarBK đã nghiên cứu kỹ đặc tính nông nghiệp, yêu cầu độ ẩm tốt nhất theo mùa vụ của ruộng mía, từ đó mã hóa các tác vụ tự động trên hệ thống giám sát tự động SSOC, giúp khách hàng kiểm soát 10 ha ruộng mía chỉ với một bước chạm. 
 
Ví dụ, với hệ thống cũ, khách hàng chỉ có máy bơm và máy phát. Công việc tưới tiêu được tiến hành cảm tính và thủ công, không kiểm soát chính xác được lượng nước vừa đủ cần cho khu vực. Còn với hệ thống này, SolarBK không chỉ thiết kế giải pháp bật bơm từ xa thông qua các thiết bị kết nối internet, mà còn thiết kế chế độ tưới tiêu tự động dựa trên nghiên cứu chế độ ẩm tốt nhất cho các giai đoạn phát triển của mía. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tùy chọn ngưỡng ẩm mong muốn, tùy theo chiến lược sản xuất riêng.
 
Giao diện hệ thống tưới tiêu ruộng mía tự động trên hệ thống SSOCTM.
 
Trên thị trường hiện nay cũng cung cấp nhiều hệ thống tưới tiêu tự động, nhưng đa số chỉ dừng ở mức cài đặt giờ tưới, số lần tưới và dung lượng nước tưới. Đây chính là điểm khác biệt trong các giải pháp của SolarBK. Với lợi thế về R&D và năng lực sản xuất sẵn có, doanh nghiệp này có thể cam kết về khả năng thiết kế trọn gói giải quyết được vấn đề và nhu cầu cốt lõi của khách hàng.
 
Ngoài ra, hệ thống ĐMT cũng được thiết kế chuyên biệt cho giải pháp này, để hệ thống bơm vẫn hoạt động bình thường, sử dụng điện từ ắc quy dự trữ trong 1-3 tiếng, ngay cả khi cúp điện. Với hệ điện mặt trời nối lưới thông thường, khi mất điện, hệ thống PV sẽ bị ngắt hoàn toàn để đảm bảo an toàn hệ thống. Với giải pháp của SolarBK, khi ĐMT được sản sinh dư từ hệ thống sẽ tự động nạp sạc vào ắc quy, sử dụng cho lúc hệ PV không đủ cấp tải hoặc mất điện. 
 
Với giải pháp này, công đoạn trồng mía không chỉ cắt giảm được chi phí nhân công, tiền điện, tiền nước mà còn quy hoạch được chất lượng đồng bộ, đem lại hiệu suất cao cho sản phẩm. Không những thế, cách làm nông nghiệp sạch và xanh, xanh từ chất lượng đến môi trường theo hướng bền vững đang là xu hướng chung của Thế giới, được tin chắc sẽ gia tăng hình ảnh cho thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
 
“Với sự thành công của giải pháp tưới tiêu ruộng mía lần này, SolarBK dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trên một cách toàn diện hơn, thông suốt các quy trình trồng trọt trên đa dạng chủng loại cây trồng như gieo mầm, bón phân, thắp đèn, thu hoạch bằng ĐMT. Bởi lẽ, mặc dù Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, giá trị về mặt sản phẩm vẫn không được đánh giá cao trên thế giới. Nếu kết hợp chuẩn hóa các quy trình bằng IoTs và ĐMT theo hướng tự động hóa, tôi tin rằng nông nghiệp Việt Nam có thể cất cánh trên bản đồ thế giới. Đây cũng chính là niềm tin, khát vọng và sứ mệnh mà SolarBK đã đặt ra ngay từ những ngày đầu.” - Anh Tuấn cho biết.
Thùy Ngân/Icon.com.vn