Khu vực xây dựng Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW. Ảnh: Báo Thanh Niên
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý 2/2022. Đồng thời tỉnh Ninh Thuận cho biết tiến độ hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý 2/2026.
Trước đó vào tháng 12/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định về việc phê duyệt danh mục dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW. Tại thời điểm đó, tỉnh Ninh Thuận cho biết dự án này sẽ khởi công trong quý 3/2021, đồng thời hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý 3/2024 nhưng đến nay đã có sự điều chỉnh như kể trên.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến cuối quý 2/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị cho công tác đấu thầu dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW.
Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 nhằm xây dựng một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500MW. Về hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu: xây dựng cảng nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng LNG thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm. Kho chứa LNG công suất 4x1,2 triệu tấn/năm, quy mô 4 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000m3. Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa LNG và xây dựng, lắp đặt trước một bồn phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW.
\Kho tái hóa khí bao gồm 4 trạm tái hóa khí, công suất 4x1,2 triệu tấn/năm. Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng khu tái hóa khí và xây dựng, lắp đặt trước một trạm tái hóa khí phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500MW. Hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1, công suất 1,2 triệu tấn/năm.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, diện tích đất xây dựng một nhà máy chính (công suất 1.500 MW) khoảng 20 ha tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án này nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua việc thu hút đầu tư với lượng vốn khoảng 49.000 tỷ đồng, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người dân địa phương. Đồng thời dự án cũng góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ, cũng như một số dự án dừng triển khai như nhà máy điện hạt nhân.
Dự án được cho là đáp ứng các tiêu chí về môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải, dịch vụ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho địa phương.