Thủy điện Ialy mở rộng đang chậm tiến độ vì chưa có đủ mặt bằng.
Dự án đang làm: Khó về mặt bằng
Trong Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong điểm của EVN ngày 27/6/2022, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng phần diện tích rừng bị ảnh hưởng là rừng tự nhiên sang mục đích khác cho Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (công suất 180 MW x 2) theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Văn bản 9045/BNN-TCLN ngày 29/12/2021.
Trước đó, trong Báo cáo 4 tháng đầu năm 2022 liên quan đến tình hình thực hiện các dự án điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cũng đã nhắc tới câu chuyện “thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên (khoảng 2,46 ha) bị chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công theo kế hoạch đề ra.
Dự án Thủy điện Ialy mở rộng đã triển khai thi công từ tháng 5/2021 và cơ bản bám sát tiến độ. Đến nay đã hoàn thành công tác dẫn dòng phục vụ thi công hố móng nhà máy, đào các hầm phụ và tiếp tục đẩy nhanh thi công các hạng mục công trình chính theo tiến độ (hố móng nhà máy, buồng trên tháp điều áp...). Ngày 28/4/2022, dự án này cũng đã hoàn thành thương thảo, ký kết hợp đồng gói thầu cung cấp thiết bị cơ khí thủy công và dịch vụ kỹ thuật của dự án.
Cũng gặp khó khăn trong vấn đề mặt bằng sạch còn có hàng loạt dự án truyền tải trọng điểm mà EVN triển khai đầu tư.
Đơn cử, Dự án đường dây 220 kV đấu nối thuộc các dự án lưới điện đồng bộ Nhà máy điện BOT Vân Phong gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng do hộ dân không đồng ý ký biên bản và bàn giao đất. Một số hộ dân khác thì không hợp tác và không đồng ý cho kiểm kê. Cũng có tình trạng một số hộ dân ảnh hưởng dự án điện mặt trời Long Sơn trước đây được nhà đầu tư tư nhân thỏa thuận đơn giá đền bù cao ngất, nên không đồng thuận về đơn giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng tại thời điểm này.
Ngay đường dây 500 kV mạch 3, đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch dù được lên kế hoạch hoàn thành vào tháng 6/2020 trong tổng thể, nhưng hiện vẫn còn hành lang tuyến của 3 khoảng néo tại Hà Tĩnh chưa được ban giao nên thời gian đóng điện đoạn này dự kiến vào tháng 7/2022.
Các dự án truyền tải khác như Trạm biến áp 500 kV Chơn Thành và đường dây đấu nối, hay đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành, đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa giai đoạn II cũng gặp khó khăn vì giải phóng mặt bằng chậm.
Dự án sắp làm: Chưa dễ nhanh
Trong chuyến làm việc tại Cần Thơ và đến thăm Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I ngày 20/6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị phối hợp, nhanh chóng thực hiện việc cấp khí Lô B về các dự án Trung tâm điện lực Ô Môn, không thể để việc chậm trễ kéo dài nhiều năm nay, trên cơ sở “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” với nhà đầu tư.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt tháo các điểm nghẽn về mặt bằng, về thủ tục đầu tư… để các Dự án điện sớm được xây dựng và vận hành.
Bộ Công thương, EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được yêu cầu phối hợp tính toán tổng lượng khí cần khai thác tối đa để vận hành các nhà máy: Ô Môn I, II, III, IV và xem xét thời gian khai thác để đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Hiện Dự án Nhiệt điện Ô Môn III (1.050 MW) đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ thông báo cho EVN kết quả thẩm định. Theo đó, các cơ quan liên quan ủng hộ và thống nhất nội dung đề xuất chủ trương đầu tư dự án, ngoại trừ Bộ Tài chính chưa có văn bản.
EVN cũng đã có các văn bản vào ngày 19/1/2022, ngày 11/2/2022 và ngày 30/5/2022, kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét, phê duyệt Dự án Nhiệt điện Ô Môn III thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện và của Nhà nước, làm cơ sở hoàn tất thủ tục đề xuất dự án này sử dụng vốn ODA.
Cần nói thêm là Dự án Nhiệt điện Ô Môn III đã từng được Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản vào năm 2012. Tháng 3/2013, Việt Nam và Nhật Bản ký Công hàm cam kết cấp khoản vay vốn đầu tiên cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III với giá trị 27,901 tỷ yên.
Tuy nhiên, do nhiều thay đổi trong các quy định nên dự án này tới nay vẫn chưa triển khai được. Kế hoạch mới nhất là Dự án sẽ đi vào vận hành năm 2027.
Đối với Dự án điện Ô Môn IV do EVN là chủ đầu tư, hiện đã hoàn thành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC và sẽ phát hành sau khi chuẩn xác mốc tiến độ cấp khí lô B. Kế hoạch được đặt ra là đi vào vận hành năm 2026.
Đối với 2 dự án điện tại Trung tâm Điện lực Dung Quất do EVN là chủ đầu tư, hiện đã được thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đã được thông qua, nhưng để đi vào vận hành thì còn phải chờ nguồn khí cấp của mỏ Cá Voi Xanh.
Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, hai chuỗi dự án điện khí lớn nhất là Lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh - Quảng Nam, Quảng Ngãi đều bị chậm triển khai do thủ tục phức tạp, hướng dẫn, quy định chưa rõ ràng và nhà đầu tư thượng nguồn (dự án Cá Voi Xanh) kéo dài thời gian đàm phán.
"Cần quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ đưa chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn vào xây dựng, đồng bộ từ thượng đến hạ nguồn. Với chuỗi khí điện Cá Voi Xanh, cần nỗ lực xúc tiến đàm phán, chia sẻ rủi ro với Liên doanh nhà khai thác ExxonMobil và PVN để sớm đưa dòng khí vào bờ trước năm 2030. Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp giải quyết vấn đề mặt bằng tuyến đường ống khí và đường dây truyền tải”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Thực tế này cũng cho thấy, cần có thời gian để các dự án được hiện thực hóa.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt tháo các điểm nghẽn về mặt bằng, về thủ tục đầu tư… để các Dự án điện sớm được xây dựng và vận hành.