Dự án năng lượng tái tạo "2 trong 1" đầu tiên của cả nước chuẩn bị phát điện

Thứ hai, 4/3/2019 | 15:17 GMT+7
Dự án điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận do Trungnam Group đầu tư với tổng công suất khoảng 350MW hiện đang được khẩn trương hoàn tất những hạng mục cuối cùng để kịp phát điện vào dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.
Lắp đặt hệ thống pin mặt trời dưới các trụ điện gió.
 
Điểm đặc biệt của dự án là kết hợp cả phát điện gió - điện mặt trời, trên điện gió, dưới điện mặt trời duy nhất và lớn nhất của cả nước đến thời điểm này.
 
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, công suất phát điện của dự án đạt 151 MW, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Dự án lắp đặt 45 trụ điện gió, được Trungnam Group chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 hiện đã lắp đặt được 17 trụ; giai đoạn 2 và 3 sẽ được chủ đầu tư bắt tay triển khai ngay trong tháng 6 sắp tới. Lý do phải chia giai đoạn lắp đặt các trụ gió phát điện, theo ông Tiến, các trụ và cánh quạt gió là thiết bị siêu trường, siêu trọng nên còn phải chờ tàu biển vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam.
 
Để tận dụng năng lượng gió tại đây và đảm bảo cho hệ thống cánh quạt gió với đường kính thấp nhất 103m hoạt động, giai đoạn 1 các trụ điện gió của Trungnam Group sẽ có chiều cao 76m; giai đoạn 2 đường kính của cánh quạt gió tăng lên 126m với chiều cao trụ điện được nâng lên 116m và giai đoạn 3 chiều cao của trụ điện gió tiếp tục được nâng lên 135m. Với tổng mức đầu tư lên đến 5.000 tỉ đồng, dự án điện mặt trời do Trungnam Group đầu tư tại đây cũng đạt công suất 204 MW.
 
Theo tính toán, mỗi năm hệ thống điện mặt trời của dự án sẽ nhận được 2.900 giờ nắng, thời gian nắng trong ngày tại Ninh Thuận có độ bức xạ kéo dài từ 8h sáng đến 3h chiều. Đồng thời nguồn năng lượng gió ở Ninh Thuận qua đo đạc cũng được đánh giá là khu vực có tốc độ gió tốt nhất nước, cho thời gian phát điện kéo dài nhiều giờ trong ngày. Do vậy, doanh thu khi đưa vào vận hành dự án điện mặt trời đạt khoảng 71 triệu USD/năm; điện gió khoảng 36 triệu USD/năm.
 
Theo đại diện nhà đầu tư, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thiết bị của dự án điện gió được Trungnam Group nhập về từ Đức, các trụ phát điện gió được thiết kế theo công nghệ không hộp số cho hiệu năng phát điện cao và chi phí bảo trì thấp.
 
Với dự án điện mặt trời, toàn bộ các thiết bị phục vụ chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện và vận hành hệ thống là của hãng Siemens. Riêng các tấm pin được nhập khẩu từ Trung Quốc do công nghệ sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc hiện nay đã được xếp vào top đầu thế giới với giá thành rẻ.
 
Các tấm pin được lắp đặt tại dự án có công nghệ đặc biệt cho phép bắt ánh nắng tốt hơn. Pin được nhà cung cấp bảo hành 20 năm và tuổi thọ của tấm pin đạt 30 năm. Các tấm pin được sản xuất từ cát silic thân thiện với môi trường, nên khi hết hạn sử dụng chỉ cần nghiền nát, thu hồi phần kim loại.
 
Về vấn đề chất lượng thiết bị, nhà đầu tư khẳng định, đây là dự án điện tư nhân nên việc mua sắm, lắp đặt thiết bị nào hiệu quả sẽ do chính DN tính toán, quyết định; Nhà nước chỉ khống chế giá mua điện gió, điện mặt trời. Do đặc thù của năng lượng tái tạo, nên khi dự án phát được bao nhiêu điện sẽ được đưa thẳng lên hệ thống truyền tải điện Quốc gia chứ không bị khống chế thời điểm phát như các nhà máy thủy điện.
 
“Với gần 705,7 ngàn tấm pin mặt trời trải rộng trên diện tích hàng trăm ha ở khu vực gió cát, khi đi vào hoạt động dự án sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hằng ngày một lực lượng lớn lao động sẽ thực hiện vệ sinh các tấm pin, bảo trì bảo dưỡng phân khung thép giá đỡ pin… Hiện Trungnam Group đã tuyển dụng, đào tạo cho lực lượng lao động tại chỗ để chuẩn bị vận hành”, ông Tiến chia sẻ.
 
Ngoài dự án điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, năm 2018, Trungnam Group cũng đã đầu tư dự án năng lượng sách tại Trà Vinh với công suất 165 MW. Với kinh nghiệm đầu tư các dự án thủy điện và năng lượng sạch những năm qua, hiện Trungnam Group đã được các Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Ninh Thuận khuyến khích tiếp tục đầu tư vào dự án thủy điện tích hợp tại Bác Ái với công suất 1.200 MW.
 
“Từ khi triển khai đến nay, dự án năng lượng sạch này không gặp khó khăn gì do giá bán điện đã được Chính phủ “chốt”; việc đấu nối cũng được Bộ Công Thương tạo thuận lợi tối đa. Ngay tại vùng đất làm dự án, DN cũng được địa phương và người dân hết sức ủng hộ vì đây là vùng đất khô cằn, sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua không hiệu quả. Do đó, cơ chế mở hiện nay hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cho nguồn năng lượng tái tạo trên cả nước trong những năm sắp tới”, đại diện nhà đầu tư kỳ vọng.
Theo: CAND