Lưới điện tạm bợ trên đảo đang chờ được đầu tư nâng cấp.
Thiếu điện không thể mở rộng phát triển
Đề án Phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam cho thấy, Quảng Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách, như cụm Tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), Phố cổ Hội An, Đảo Cù Lao Chàm (TP. Hội An), Tượng đài Mẹ VNAH…Trong đó Cù Lao Chàm là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Quảng Nam mà nhiều du khách thường ví von: “Chưa đến Cù Lao Chàm coi như chưa đến với Quảng Nam”.
Cù lao này gồm 8 đảo nhỏ, có tên Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông, điểm gần nhất cách TP.Hội An khoảng 18 km. Đây là xã đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược rất quan trọng của tỉnh Quảng Nam, hơn 3000 cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và một số làm nông nghiệp. Cù Lao Chàm còn có nhiều di tích là các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt; có hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và yến sào nổi tiếng; các rặng san hô rất quý hiếm đang còn ở dạng nguyên sơ.
Bên cạnh sự ưu ái của thiên nhiên, chính quyền TP. Hội An và người dân trên đảo quyết tâm xây dựng Cù Lao Chàm trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn thông qua việc giữ gìn các cánh rừng và rặng san hộ nguyên sinh; kiên quyết không dùng túi ni lon, xây dựng nề nếp vệ sinh, môi trường và nhất là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá riêng có của người dân miền biển đảo này. Du khách đến Quảng Nam, Đà Nẵng và Phố cổ Hội An thế nào cũng phải tìm tour du lịch đến với Cù Lao Chàm. Chính vì thế, lượng khách du lịch tăng nhanh trong những năm gần đây, nếu năm 2011 có 80 nghìn lượt người thì năm 2014 là 200 nghìn lượt người đã đến với đảo.
Ông Nguyễn Anh, Phó giám đốc phụ trách Điện lực Hội An, cho biết: Người dân trên đảo hiện dùng điện từ máy phát diezel kết hợp năng lượng gió mặt trời, gồm 2 cụm máy, với 3 máy phát tổng công suất 660kVA, cấp điện 100% số hộ dân của 4 thôn, chủ yếu dùng để sinh hoạt. Mỗi ngày, máy phát 2 đợt, tổng cộng 6 giờ. Trưa từ 11h30 đến 13h00, chiều từ 17h30 đến 22h00, với giá thành rất cao, khoảng 15.000 đồng/kWh. Để người dân mua điện với 3 mức giá hỗ trợ: 2.000 đồng/kWh cho 15 kWh đầu tiên; 2.600 đồng cho 15 kWh kế tiếp và 3.200 đồng/kWh cho chữ điện thứ 31 trở đi thì UBND thành phố Hội An phải hỗ trợ bù lỗ trên 2 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Trần Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp cho biết: “Do thiếu điện, nguồn điện không ổn định nên các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đảo kém phát triển. Các tour du lịch không thể mở rộng tối đa các dịch vụ, và chỉ tổ chức cho khách đến và đi trong ngày. Do khách lưu trú không có nên thu nhập từ các dịch vụ du lịch của người dân trên đảo rất thấp. Sức vươn lên của ngành du lịch Cù Lao Chàm đang rất cần một nguồn điện ổn định”.
Du lịch đang chờ điện
Do không có điện vào ban đêm nên du khách ít khi ở lại với đảo. Thời gian lưu trú của khách trên đảo khoảng 5-6 giờ và chỉ tham quan được vài nơi, quá ít để du khách mua sắm và tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch do người dân trên đảo tổ chức. Vì thế, dù là nơi thu hút khách du lịch lý tưởng nhưng đời sống của người dân trên đảo vẫn rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm vượt biển, chính quyền TP. Hội An và xã đảo Tân Hiệp đã tính toán cho chặng đường tiếp theo sau khi có điện lưới, như xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội; phát triển tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh du lịch và thương mại dịch vụ du lịch; xây dựng các tour tham quan dài ngày, nghỉ đêm trên đảo.
Theo đó, thành phố đầu tư triển khai sản xuất thử một số sản phẩm từ nguyên liệu đặc trưng của đảo, như bánh in ngô đồng, tương ngô đồng, hạt ngô đồng rang, nước yến tinh, mứt rong biển, tranh ngô đồng và một số mặt hàng lưu niệm từ sợi vỏ cây ngô đồng. Mặt khác, thành phố cũng dựa vào các giá trị nổi trội về sinh cảnh, đa dạng sinh học biển, rừng nguyên sinh cùng nhiều di tích có giá trị văn hóa độc đáo để tổ chức các hoạt động thu hút du khách.
Từ đầu năm 2015 đến nay, khi các ngành chức năng kiểm tra, đo đạc, định vị điểm đầu và điểm cuối của lưới điện; khảo sát, bàn giao đất xây dựng lưới điện trung, hạ áp và làm nhà điều hành quản lý cung ứng điện trên đảo cùng với thông tin đến cuối năm 2015 cù lao sẽ được cấp điện lưới quốc gia, đã làm nức lòng người dân trên đảo. Bởi, điện không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác du lịch mà còn phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục, giúp cư dân tiếp cận với thế giới văn minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; nguồn điện ổn định cũng sẽ tạo động lực nâng cao năng lực an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cụ Nguyễn Tấn Cả, một ngư dân trên đảo nói: “Từ khi có chủ trương của Nhà nước đầu tư kéo điện ra đảo, hằng ngày hằng giờ người dân trông chờ khởi công công trình. Người dân đang chờ điện ra đảo như đang chờ một phương tiện và cũng là một cứu cánh, chắc chắn sẽ giúp cư dân chúng tôi thoát nghèo”.
Ông Bùi Văn Kiều, Tổ trưởng Tổ quản lý điện Cù Lao Chàm (Công ty Môi trường đô thị Hội An), cho biết: “Nhiều năm chạy máy nổ và bán điện trên đảo, tôi thấy việc dùng điện của người dân nơi đây hết sức bấp bênh, bởi điện đỏ, tắt bất thường, rất khó tính toán làm ăn lâu dài. Người dân cũng không ai mua sắm tủ lạnh, ít người dùng tivi, nếu quạt điện phải kèm theo quạt giấy, dùng đèn điện phải lè kè theo cái đèn dầu…!”. Ông Kiều còn cho biết, khi có điện lưới, ngành Điện tiếp nhận quản lý bán điện thì việc làm của anh em công nhân trong Tổ quản lý điện chưa biết sẽ giải quyết ra sao đây? “Tuy nhiên, dù mất việc làm, nhưng anh em chúng tôi vẫn rất vui, bởi cái lợi rất lớn của cộng đồng dân cư trên đảo khi có điện lưới là quan trọng hơn cả!” - ông Kiều tâm sự.
Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm được Bộ Công Thương phê duyệt tháng 12/2014 với tổng mức đầu tư 484,8 tỷ đồng, gồm 9,5km 22kV trên đất liền; 15,5km cáp ngầm 22kV xuyên biển, 18 km trung, hạ áp và 6 TBA phụ tải (900 kVA) trên đảo; xây dựng nhà điều hành sản xuất (350 m2). Ngày 01/06/2015, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bố trí vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Sắp tới, EVNCPC sẽ được ứng vốn xúc tiến dự án trước mùa mưa bão năm nay để kịp hoàn thành công trình vào cuối năm 2015. |