Nội các nước này vừa thông qua một dự thảo luật cung cấp hàng tỷ euro viện trợ tài chính cho các khu vực bị ảnh hưởng sau khi Chính phủ công bố kế hoạch loại bỏ nhiệt điện chạy bằng than đá vào năm 2038 nhằm đáp ứng các mục tiêu bảo vệ khí hậu của đất nước.
Theo dự thảo luật, Chính phủ Đức sẽ phân bổ khoản hỗ trợ tài chính lên tới 40 tỷ euro (khoảng 45 tỷ USD) trong vòng 20 năm tới cho 4 khu vực được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi kế hoạch loại bỏ điện than, gồm bang North Rhine-Westphalia, Brandenburg, Saxony và Saxony-Anhalt. Khoản hỗ trợ này sẽ giúp các khu vực bị ảnh hưởng sớm thực hiện thay đổi cơ cấu như duy trì và mở rộng việc làm, cải thiện cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc bảo vệ khí hậu.
Loại bỏ hoạt động sản xuất điện đốt than là một phần trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng tái tạo của Đức. Song, các số liệu thống kê cho thấy, hiện có hàng nghìn người đang làm việc trong ngành công nghiệp than đá ở 4 bang này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đánh giá, dự thảo luật mới là một cơ hội tuyệt vời để người dân có thể chuyển đổi nghề nghiệp trước khi công việc cũ của họ bị loại bỏ hoàn toàn.
Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng muốn thành lập thêm nhiều tổ chức công ở các khu vực bị ảnh hưởng và nhanh chóng mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, tăng các chương trình nghiên cứu và tài trợ.
Động thái trên một lần nữa cho thấy quyết tâm đẩy mạnh chiến lược chuyển sang năng lượng tái tạo của Đức khi nhiệt điện chạy bằng than đóng góp khoảng 40% sản lượng điện của nước này và than đá được coi là một nhiên liệu quan trọng giúp duy trì nguồn cung điện ổn định cho “đầu tàu” kinh tế châu Âu.
Những thay đổi ở Đức không diễn ra một sớm một chiều mà là kết quả hoạt động tích cực của các nhóm vận động môi trường trong nhiều năm và có sự phối hợp giữa các ngành, ủy ban thương mại và nhiều tổ chức khoa học. Hiện nay, tỷ lệ người dân ủng hộ loại bỏ nhiệt điện than ở Đức là gần 75%.
Theo đánh giá của Cơ quan Môi trường Đức, chi phí chuyển đổi sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo thậm chí còn ít hơn nhiều so với số tiền mà nước này phải bỏ ra để giải quyết hậu quả về môi trường, biến đổi khí hậu trong tương lai.
Hiện tại, Đức cũng đã đóng cửa một số cơ sở trong tổng số 17 nhà máy điện hạt nhân trên toàn liên bang. Những nhà máy được xây dựng từ năm 2013 vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 2022 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Việc đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Đức vào năm 2038 sẽ giúp nước này trở thành một mẫu hình sử dụng năng lượng sạch trên thế giới và đóng góp thiết thực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo: Hà Nội mới