Đức tắt đèn chiếu sáng nơi công cộng để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: DW.
Các thành phố lớn tại Đức ngày 28/7 chính thức áp dụng một loạt các biện pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng như tắt đèn chiếu sáng các công trình công cộng hay không sử dụng nước ấm tại các bể bơi và đài phun nước trong nỗ lực đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề khi cuộc đối đầu giữa châu Âu và Nga đang ngày một leo thang.
Trong ngày 28/7, thành phố Hannover ở Tây Bắc nước Đức đã trở thành thành phố lớn đầu tiên tại Đức áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng khẩn cấp, theo đó toàn bộ nước nóng tại các toà nhà công cộng cũng như các trung tâm giải trí tại thành phố này đều sẽ bị cắt, trừ các bệnh viện, trường học hay nhà dưỡng lão. Kể từ ngày 1/10/2022 cho đến 31/3/2023, việc sưởi ấm tại các toà nhà ở Hannover cũng không được phép vượt quá 20 độ C. Tất cả các loại điều hoà di động hay quạt sưởi ấm cũng bị cấm sử dụng.
Đây là biện pháp khẩn cấp được thành phố Hannover và bang Hạ Saxony thực hiện nhằm đáp ứng được mục tiêu mà chính phủ Đức cũng như các nước châu Âu khác đặt ra là giảm được ít nhất 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong giai đoạn từ tháng 08/2022 đến hết tháng 03/2023 nhằm đối phó với nguy cơ của một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng trong thời gian tới nếu Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt.
Trong số các nước Liên minh châu Âu, Đức là nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn cung khí đốt từ Nga khi nhập đến 55% lượng khí đốt từ Nga vào thời điểm trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Hiện tại, mặc dù đã nỗ lực giảm bớt việc nhập khí đốt của Nga nhưng Đức vẫn bị đánh giá là sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu Nga cắt nguồn cung, đặc biệt khi tập đoàn Gazprom của Nga hiện chỉ cung cấp khoảng 20% lượng khí đốt cho Đức và châu Âu thông qua đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 1” so với thông thường.
Đứng trước tình hình đó, Đức đang gấp rút thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm bù đắp phần thiếu hụt nếu Nga cắt nguồn cung. Ngoài việc cho hoạt động lại các nhà máy điện than, Đức cũng kêu gọi các chính quyền địa phương khẩn cấp tiết kiệm việc tiêu thụ năng lượng.
Ngoài Hannover, một loạt các thành phố lớn khác của Đức cũng đã bắt đầu hành động. Tại thủ đô Berlin, từ tối 27/07, hàng trăm công trình công cộng đã ngừng việc chiếu sáng, tại thành phố Nuremberg ở bang miền Nam Bavaria, chính quyền địa phương cũng cho đóng cửa 3/4 bể bơi ngoài trời vốn phải sử dụng nước nóng.
Phát biểu trước báo giới ngày 28/07, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, ngoài việc tiết kiệm năng lượng, chính phủ Đức cũng sẽ cho phép các công ty năng lượng Đức tăng giá đối với người tiêu dùng và theo tính toán, mỗi hộ gia đình Đức sẽ phải trả thêm vài trăm euro trong mùa Đông tới. Theo ông Robert Habeck, đây là điều bắt buộc bởi chính quyền không thể gánh vác hết các gánh nặng khi nước Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về năng lượng lớn nhất trong lịch sử.
“Như tôi đã nói, nước Đức hiện đang đang trong một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất, do sự phụ thuộc ngày càng lớn về kinh tế và chính trị vào nguồn khí đốt của Nga. Nhưng cuối cùng thì đây vẫn là bài toán kinh tế. Các công ty vẫn phải có doanh thu và do đó, chúng tôi sẽ cho phép Uniper hay các công ty khác được phép tăng giá khí đốt nhập từ Nga, và khi đó người tiêu dùng cũng sẽ phải trả nhiều tiền hơn”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 28/7 đã tiếp đón Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Paris trong nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng hoá thạch bổ sung trước nguy cơ gián đoạn cung từ Nga.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman diễn ra tại điện Elysée vào tối muộn ngày hôm qua, sau khi nhà lãnh đạo quốc gia Trung Đông kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Hy Lạp.
Theo nguồn tin báo chí, năng lượng là chủ đề chính được bản thảo giữa 2 nhà lãnh đạo Pháp và Saudi Arabia. Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Pháp đang nỗ lực thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu mỏ nhằm hạ nhiệt giá dầu vốn là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng phi mã tại châu Âu thời gian qua.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết khi nào mới kết thúc và Nga có thể dừng nguồn cung năng lượng đến châu Âu bất cứ lúc nào, vai trò của Saudi Arabia càng trở nên quan trọng và được châu Âu kỳ vọng giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Ngoài vấn đề năng lượng, Pháp đặc biệt đánh giá cao vai trò của Saudi Arabia tại Trung Đông và ảnh hưởng của nước này đối với Lebanon, một thuộc địa cũ mà Pháp vẫn có ảnh hưởng lớn khá lớn. Trước đó, Tổng thống Pháp Macron cũng là nhà lãnh đạo châu Âu quan trọng nhất đến thăm Saudi Arabia vào tháng 12/2021.
Với Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây 2 tuần thì cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ trên các diễn đàn quốc tế của chính trị gia này, người được xem là đạo diễn đứng sau vụ ám sát nhà báo độc lập Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018.
Chính vì vậy, cuộc gặp giữa ông Macron với Thái tử Saudi Arabia đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền và nhiều chính trị gia Pháp.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne đã lên tiếng giải thích: “Đây không phải lúc xét lại các cam kết của nước Pháp về vấn đề nhân quyền vì Tổng thống chắc chắn nhân cơ hội này để đề cập với Thái tử Mohammed bin Salman. Mặt khác, người dân vẫn chưa hiểu rằng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao thì chúng ta không nên đặt vấn đề với những nước đang là nhà sản xuất năng lượng chính”.
Theo các nhà phân tích chính trị địa bàn, kỳ vọng của châu Âu về nguồn năng từ Saudi Arabia là bài toán khó cho quốc gia Trung Đông này khi không thể tự ý tăng mạnh lượng dầu mỏ xuất khẩu do các cam kết trong khuôn khổ tổ chức “Các nước xuất khẩu dầu mỏ” (OPEC) cũng như các điều kiện về hạ tầng cơ sở hiện nay chưa thể đáp ứng.