Tư vấn sử dụng điện

Dùng tủ lạnh như thế này, bạn không sợ hóa đơn điện tăng vọt

Thứ hai, 4/7/2016 | 14:28 GMT+7
Tủ lạnh là vật cần thiết trong mỗi gia đình hiện nay. Đó không chỉ là nơi để làm đá, giúp các cốc nước của bạn thêm mát lạnh giải nhiệt mà còn là không gian lưu trữ thực phẩm vô cùng hữu ích và tiện dụng. Tuy nhiên, dùng tủ lạnh thế nào để đảm bảo không tốn tiền điện là điều cần phải chú ý.
 

Không tắt, rút ổ cắm nhiều lần
 
Nhiều người mới dùng tủ lạnh thường nghĩ để giảm tiền điện thì không cần dùng đến nên rút phích cắm ra hoặc thường xuyên ngắt tủ lạnh ra khỏi nguồn điện. Nhưng cách này không hề tiết kiệm điện trái lại còn làm cho thiết bị nhanh bị hỏng hơn. Mỗi lần bạn rút ổ cắm điện ra khỏi tủ lạnh, khi cắm lại sẽ khiến cho thiết bị phải khởi động một lần nữa. Quá trình làm lạnh bên trong kéo dài sẽ phải tốn thêm lượng điện khá lớn.
 
Hình ảnh thường thấy là trẻ em thường mở tủ lạnh nhiều lần theo thói quen hoặc người lớn lấy thực phẩm. Nhưng cách này cũng cần tránh, bởi mỗi lần mở tủ lạnh như vậy, nhiệt độ bên ngoài sẽ thâm nhập vào bên trong, trong khi đó nhiệt độ thấp bên trong sẽ tỏa ra bên ngoài. Khi đó, nhiệt độ trong tủ sẽ tăng lên, không còn giữ mức nhiệt thấp lý tưởng để bảo quản đồ ăn, thức uống nữa. Để lấy lại mức cân bằng nhiệt, bộ phận làm lạnh phải mất thêm thời gian để lấy lại mức nhiệt độ ban đầu, tăng hiệu suất hoạt động.
 
Đừng ham nhét đồ vào tủ lạnh
 
Không ít gia đình xem tủ lạnh như nơi chứa đồ đặc biệt là thực phẩm. Bất cứ đồ ăn tươi, đồ ăn nấu chín, đồ ăn thừa, các loại gia vị hay đồ uống cũng đều cho vào trong tủ lạnh là điều không tốt. Điều này làm cho không còn bất cứ không gian nào để tạo đối lưu cho khí lạnh di chuyển bên trong. Do đó, khi thực phẩm chất quá đầy và chật chội, khí lạnh không thể đối lưu cũng có nghĩa tủ lạnh phải tiêu tốn lượng điện để làm lạnh toàn bộ. Nếu ngăn tủ lạnh rộng nhưng bạn để thừa chỗ trống quá nhiều cũng sẽ gây lãng phí điện.
 
Cách tốt nhất cần kiếm các tấm xốp hay dụng cụ đựng thức ăn để đặt bên cạnh nhằm tăng thêm diện tích sử dụng. Các miếng xốp, hay dụng cụ đựng thức ăn như vậy cũng không hút luồng lạnh nên nhiệt lượng mất đi cũng không tăng lên.
 
Với thực phẩm, nếu đồ ăn nóng cho ngay vào tủ lạnh sẽ nhanh thiu. Nếu để nguyên đồ nóng khiến khí nóng tỏa vào trong tủ lạnh khiến nhiệt độ tăng lên, bộ phận làm lạnh phải khởi động để cân bằng gây tổn hao điện năng. Khi chọn đồ đựng thực phẩm nên chọn dụng cụ bằng kim loại, tránh đồ bằng nhựa. Vì đồ kim loại dẫn lạnh tốt hơn, nên không tốn thời gian và điện năng để làm lạnh.
 
Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
 
Cũng như sử dụng điều hòa, tủ lạnh cũng cần được vệ sinh thường xuyên, chú ý lau chùi bên trong và bên ngoài khoảng 2 tháng/lần. Đặc biệt sau khi vệ sinh cần nhờ thợ chuyên về nhiệt lạnh kiểm tra phần gas của tủ lạnh. Nếu phần gas bị thiếu hụt hay giảm sẽ là nguyên nhân làm cho tủ lạnh chạy ì ạch, tốn thêm điện nặng để làm mát bên trong.
 
Phần đường cao su bọc ở cửa tủ lạnh cần được vệ sinh sạch sẽ do đây là phần tiếp giáp với cánh cửa tủ lạnh nên rất bẩn. Nếu phần này không được lau sạch làm cho cửa không đóng được kín sẽ gây thất thoát hơi lạnh ra bên ngoài dẫn đến thất thoát nhiệt, phần lạnh phải khởi động lại gây tốn điện.
 
Vệ sinh tủ lạnh là cách để giữ cho môi trường bên trong không chứa vi khuẩn nấm mốc tránh hỏng thức ăn và đảm bảo vệ sinh.
 
Nhiệt độ tủ lạnh hơp lý
 
Mức nhiệt trong tủ lạnh cần tùy theo số lượng thực phẩm có bên trong. Nếu tủ lạnh không có nhiều đồ thì nên để ở mức 6-7 độ C. Còn ngăn đá từ -19-18 độ C. Nếu để mức quá lạnh, trong khi tủ lạnh ít đồ sẽ gây lãng phí luồng lạnh, tủ lạnh phải liên tục làm lạnh gây tổn hao điện năng đáng kể. Ngoài ra, phải luôn kiểm tra mức nhiệt để xem bộ phận làm lạnh hoạt động hiệu quả hay không.
Theo: Vietnamnet