Đường dây 220 kV từ Tuy Hoà đi Nha Trang – 4 năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng

Thứ sáu, 7/8/2009 | 16:47 GMT+7

Đầu tháng 10/2009, tổ máy số 2 Nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ (huyện Sơn Hoà – Phú Yên) sẽ chính thức hoà vào hệ thống đường dây 220 kV từ Tuy Hoà đi Nha Trang. Thế nhưng đến nay, vẫn còn một trụ và một số đoạn đường dây vẫn chưa thể thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Tuyến cáp điện 220 kV từ Tuy Hoà đi Nha Trang được khởi công năm 2005, theo kế hoạch sau 2 năm, hệ thống này sẽ được hoàn thành. Đây là một công trình quan trọng trong việc phát triển hệ thống lưới điện của cả nước. Chiều dài tuyến đi qua địa phận Phú Yên dài 92 km, nhưng cột điện số 35 thuộc xã Hoà Phong và 3,8 km đường dây qua 2 xã Hoà Phong và Hoà Tân Tây (huyện Tây Hoà) chưa thể thi công. Điều này đã gây tổn thất nặng nề cho chủ đầu tư: Ban quản lý (BQL) các công trình điện miền Trung, đơn vị khảo sát thiết kế: Công ty tư vấn xây dựng điện 4, đơn vị thi công: Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam và tỉnh Phú Yên. Ngày 7/8, các bên liên quan và UBND huyện Tây Hoà đã lên kế hoạch thực hiện cưỡng chế đối với 13 hộ dân tại chưa nhận tiền đền bù, cản trở thi công đối với công trình. Thời điểm thi công lại công trình là ngày 10/8 tại xã Hoà Tân Tây và 20/8 tại xã Hoà Phong.

Theo các bên liên quan, nguyên nhân chính dẫn đến việc không thể giải phóng mặt bằng toàn tuyến suốt 4 năm qua là do người dân không hợp tác. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân như hỗ trợ 30% giá trị giải toả trắng đối vật kiến trúc, 20% đối với đất canh tác nằm dưới đường dây điện. Nhưng cán bộ giải phóng mặt bằng không giải thích được đây là mức hỗ trợ đối với việc nhà, đất bị giảm giá trị; hộ dân có nhà dưới tuyến đường dây không được xây nhà cao tầng lọt vào phạm vi an toàn đường điện. Vì vậy, người dân hoang mang vì số tiền được đền bù và không thực hiện chủ trương chung. Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hoà Trần Trọng Quyền nói: “Chính quyền các cấp và các đơn vị đầu tư, thi công đã làm hết cách, thậm chí đã tìm điều luật để áp dụng việc cưỡng chế. Nhưng thực tế, người dân chỉ thể hiện nguyện vọng di dời chỗ ở hoặc di chuyển vị trí đường dây nên rất khó cưỡng chế”.

Mới đây, BQL các công trình điện miền Trung đã thay đổi cán bộ phụ trách và giải phóng mặt bằng thi công công trình. Hệ thống cột tại các điểm này được nâng cao thêm 4m, nâng điểm thấp nhất của đường dây lên 16m, cách điểm cao nhất của những ngôi nhà nằm bên dưới tới hơn 12m, vượt rất xa phạm vi an toàn điện từ (6m tính từ đường dây). Tại các cuộc họp báo, họp dân vào ngày 7/8, nhiều người dân cũng đã “thông” được vấn đề. Nhiều khả năng, vướng mắc cuối cùng sẽ được giải toả, công trình sẽ được nối điện lưới vào tháng 10/2009./. 

Xuân Mai