Đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện trọng điểm miền Bắc, miền Trung: Cần những giải pháp đồng bộ

Thứ sáu, 5/6/2009 | 14:07 GMT+7
Nhân lực mỏng, khối lượng công việc nhiều, công tác xét thầu, phê duyệt các gói thầu kéo dài, nguồn vốn thiếu, vật tư cấp chậm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, năng lực thi công của một số nhà thầu hạn chế… là những nguyên nhân nổi cộm khiến các dự án lưới điện trọng điểm ở khu vực miền Bắc, miền Trung của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Tập trung thi công, sẵn sàng đón điện từ các công trình nguồn mới

Hầu hết đều “chậm”

Hiện khu vực miền Bắc, miền Trung có 23 dự án lưới điện trọng điểm cấp điện áp 220 kV - 500 kV đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, trong đó NPT giao Ban A miền Bắc quản lý 14 dự án và Ban A miền Trung quản lý 9 dự án. Theo ông Trần Quốc Lẫm-Phó Tổng giám đốc NPT, đa số các dự án này đều là các công trình đồng bộ với nguồn điện được đưa vào vận hành trong năm 2009 và một vài năm tới. Vì vậy, việc đảm bảo thi công công trình đúng tiến độ đã và đang là đường “găng” quan trọng đối với Tổng công ty. Hơn nữa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng yêu cầu các dự án lưới điện phải hoàn thành trước dự án nguồn để đón điện từ các nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên tính đến ngày 6/5/2009, ngoại trừ đường dây 220 kV Quảng Ninh-Hoành Bồ (2x20,3 km), đoạn đường dây 220 kV, 500 kV đấu nối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh phục vụ cho công tác phát điện của tổ máy số 1 được hoàn thành đóng điện, thì hầu hết các dự án còn lại đều phải lùi thời gian đóng điện hoặc thay đổi kế hoạch khởi công. Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín và Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2009, song đến nay mới đóng điện phía 220 kV, Trạm biến áp 500 kV, phía 500 kV đang lắp đặt thiết bị. Phần đường dây, toàn tuyến có 361 vị trí cột với 148,7 km đường dây, thì cũng mới đúc dựng được 354 vị trí cột và kéo xong 107,2 km. Đường dây 220 kV Quảng Ninh-Cẩm Phả (2x30 km) cũng chưa kéo xong dây, trong khi thời điểm phát điện của Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả đang đến gần. Rồi các đường dây 220 kV nhánh rẽ vào Thủy điện An Khê, Sêrêpok, Sê San 4-Pleku, Buôn Kuốp-Buôn TuaSrah… cũng đang gặp nhiều vướng mắc, khó có thể hoàn thành đúng tiến độ như dự kiến.

“Nút thắt” giải phóng mặt bằng

Có lẽ đây là vướng mắc nhất của hầu hết các dự án. Ngoài dự án đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa chuẩn bị khởi công, đường dây 220 kV Quảng Ninh-Hoành Bồ, đoạn 220 kV- 500 kV đấu nối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh đã đóng điện, còn 6 dự án đang triển khai đều bị ách tách bởi thiếu mặt bằng. Theo NPT, để có mặt bằng đúc móng dựng cột đã khó, song khi triển khai kéo dây thì sự khó khăn, căng thẳng còn tăng hơn gấp bội. Cá biệt có những đoạn phải giành dật như một trận chiến và sự giằng co lại kết thúc bằng những thỏa thuận mà nhà thầu, chủ đầu tư không biết phải quyết toán vào đâu? Ông Trần Cảnh, đại diện Công ty Xây lắp điện 4 đơn vị thi công đường dây 220 kV Quảng Ninh-Hoành Bồ than thở: Cột đã dựng, muốn kéo dây thì phải vào khu đất nhà dân, dân cản thế là mất phí, kéo dây thì phải dựng dàn giáo lại phí, căng dây lên vướng vào mái nhà làm xô ngói, rơi ngói lại phải đền tiền… có khi nào giá mấy viên ngói lên tới cả triệu đồng không? Chúng tôi không làm thi chậm tiến độ, mà làm thì phải “bấm bụng chi”, biết là không đúng nhưng đành chấp nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Đào-Phó trưởng Ban A miền Bắc cho biết, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vô cùng gian truân và phức tạp, chính sách của nhà nước thế nào, quy định của Nghị định 106 ra sao người dân biết, chính quyền địa phương biết nhưng muốn họ thực hiện lại không hề đơn giản. Chưa nói đến công trình đi qua địa bàn nhiều tỉnh, chỉ đơn cử đường dây 220 kV Bản Lả - Vinh nằm trọn trong tỉnh Nghệ An mà tính chất phức tạp cũng không kém phần khủng khiếp. Toàn tuyến với 173,8 km mà chỉ còn 12 hộ dân kiên quyết không nhận đền bù, đưa ra những yêu cầu rất “oái oăm” như: di chuyển ra khỏi hành lang trong khi đủ điều kiện tồn tại trong hành lang; đòi cấp bìa đỏ ở lô đất tái định cư rồi mới cho thi công; UBND xã yêu cầu bồi thường xây sân vận động… khiến cho tiến độ xây dựng đường dây liên tục bị kéo dài, gây thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư cũng như các nhà thầu. “Rất may” là Nhà máy thủy điện Bản Vẽ chưa phát điện, nếu không thiệt hại cho nền kinh tế đất nước còn đến mức nào?.

Cần có giải pháp đồng bộ


Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lưới điện trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung, NPT đã chỉ đạo các ban chức năng của Tổng công ty phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành các thủ tục xét thầu, sớm phê duyệt kết quả các gói thầu và yêu cầu nhà thầu triển khai thực hiện. Những trường hợp đặc biệt, cần sự trợ giúp từ Tổng công ty, NPT sẽ cử cán bộ trực tiếp cùng tham gia quá trình xem xét hồ sơ với các Ban quản lý dự án để rút ngắn thời xét thầu. Đồng thời, lãnh đạo NPT sẽ thường xuyên kiểm tra, họp giao ban công trường với Ban quản lý dự án và các đơn vị tham gia thi công để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh.

Năng lực lưới truyền tải điện được đánh giá là chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của các nguồn điện, nhất là trong năm 2009, với dự kiến hệ thống điện sẽ được công suất bổ sung thêm 3.351 MW, thì ngoài sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tăng cường hơn nữa năng lực quản lý của NPT, rất cần có sự hỗ trợ tích cực của EVN trong việc tạo điều kiện để NPT thu xếp đủ nguồn vốn, đáp ứng tiến độ thanh toán và sự ủng hộ của người dân, chính quyền các địa phương để dự án sớm có mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công công trình.

Đất nước đang chờ điện, các nguồn điện mới đang lần lượt vào, nếu không có lưới điện thì hậu quả sẽ tai hại biết bao. Nên chăng mỗi người dân, mỗi địa phương hãy gạt bỏ lợi ích cá nhân, cục bộ địa phương, hy sinh cái lợi nhỏ hôm nay để tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước ngày mai.

Bải và ảnh: Trần Duy